Đến hôm qua 22-5, các trường đã hoàn tất công tác nhập liệu hồ sơ theo khối thi, ngành đào tạo. Có thể thấy, chính sách tuyển sinh có tác động lớn đến xu hướng chọn ngành, chọn trường của thí sinh khi lượng hồ sơ vào từng ngành có sự thay đổi nhiều so với năm 2012. Tuy nhiên, để thật sự có hiệu quả, những chính sách, dự báo phải thật dài hơi và khoa học hơn chứ không thể mỗi năm mỗi sửa để thí sinh và các trường phải vất vả chạy theo những “biến tấu” nhất thời như hiện nay.
Tín hiệu tích cực
Kết quả tổng hợp hồ sơ đăng ký dự thi năm nay cho thấy có nhiều biến động về số lượng lẫn xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh. Trước hết, các trường đào tạo nhóm ngành kinh tế lẫn các ngành kinh tế ở các trường đều có lượng hồ sơ giảm rõ rệt so với năm ngoái. Ngược lại, khối ngành sư phạm, công nghệ, kỹ thuật, khối trường công an, quân đội có sự đảo chiều khi hầu hết các trường có đào tạo những ngành này hồ sơ đều tăng.
Hiệu ứng trên xuất phát từ việc trước khi thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi, Bộ GD-ĐT phát đi thông tin cảnh báo tình trạng bão hòa của nhóm ngành kinh tế và không mở mới các trường và các ngành thuộc nhóm ngành này. Kết quả, những trường có thế mạnh lẫn những trường đa ngành có đào tạo ngành kinh tế như: Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM giảm 11.000 hồ sơ, Trường ĐH Kinh tế Luật TPHCM giảm 22%, Trường ĐH Kinh tế TPHCM giảm hơn 6.000 hồ sơ, Trường ĐH Ngân hàng giảm khoảng 30%…
Và khi quay lưng với kinh tế, thí sinh chuyển sang các ngành công nghệ, kỹ thuật. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM nhận đến hơn 28.000 hồ sơ (tăng gần 8.000 hồ sơ), trong đó ngành công nghiệp thực phẩm: 10.080 hồ sơ/400 chỉ tiêu, ngành công nghệ sinh học: 2.919 hồ sơ; các ngành công nghệ kỹ thuật môi trường, công nghệ kỹ thuật hóa học, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm có trên 2.000 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu chỉ từ 150 – 200. Ngoài ra, những trường thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ như Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, các trường, ngành sư phạm hay nhóm ngành kỹ thuật, nông – lâm – ngư nghiệp cũng có sự khởi sắc đáng kể. Riêng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) hồ sơ tăng gần 40%.
Cần dự báo dài hơi
Có thể nói, việc Bộ GD-ĐT phát đi cảnh báo về sự dư thừa của nhóm ngành kinh tế là kịp thời. Song dường như một mình Bộ GD-ĐT đưa ra dự báo e rằng chưa bao quát hết nhu cầu của các lĩnh vực ngành nghề khác.
Cách đây vài năm, Bộ GD-ĐT có chủ trương thành lập các trung tâm dự báo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đến nay các trung tâm đó hoạt động ra sao, dự báo như thế nào dường như là một ẩn số. Tại TPHCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cũng nỗ lực khảo sát đưa ra vài số liệu, nhưng theo đơn vị đưa ra những con số này cũng thừa nhận chưa thể chính xác 100%.
Bàn về công tác dự báo, Th.S Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho rằng: “Công tác dự báo cần dài hơi hơn. Trên cơ sở dự báo đó, các trường sẽ tự cân đối nhu cầu, căn cứ vào điều kiện đảm bảo chất lượng… sẽ xác định, phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh một cách hợp lý. Cảnh báo vừa qua của Bộ GD-ĐT là cần thiết, song chưa đầy đủ và khoa học. Bởi lẽ, dự báo chưa căn cứ trên dự báo nguồn nhân lực của các bộ ngành ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, chia sẻ: “Để công tác dự báo và định hướng tuyển sinh và đào tạo, các trung tâm dự báo nguồn nhân lực phải kết hợp với các bộ, ngành tiến hành khảo sát kỹ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực ở từng lĩnh vực”. Ông Sơn lập luận: “Ví dụ nhóm ngành kinh tế được cho là thừa thì dự báo phải phân tích thừa như thế nào và thiếu như thế nào? Tương tự, khối ngành kỹ thuật, sư phạm thiếu ra sao, nhu cầu nguồn nhân lực thực tế và trong tương lai sẽ như thế nào? Do đó, nếu công tác dự báo dài hơi, khoa học và sát thực tế thì chắc chắn công tác đào tạo sẽ giải quyết đúng và đủ cho bài toán nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển của kinh tế, xã hội”.
(Nguồn SGGP)