(hieuhoc_hieuhoc.com): Việc đảm bảo về mặt an toàn cho công nhân, cán bộ làm việc trong một nhà máy là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, ngành bảo hộ lao động (BHLĐ) đang ngày càng trở lên quan trọng hơn.
BHLĐ – sao lại hot ?
Trước đây, khi nhắc đến BHLĐ, hầu hết mọi người luôn hình dung đây là công việc trong các cơ sở quản lý bảo hộ của nhà nước, các cơ sở công đoàn. BHLĐ là ngành nghề đã từng ít được xem trọng tại Việt Nam. Nhưng sau khi gia nhập WTO, sức ép thi hành luật bảo vệ người lao động đối với các nhà máy cũng như sự cạnh tranh giữa các công ty tại Việt Nam đã làm nhu cầu nhân lực BHLĐ tăng đột biến. Thêm một yếu tố làm cho ngành này khát nhân lực đó là rất ít các cơ sở đào tạo ĐH, cao đẳng trong toàn quốc đưa vào chương trình giảng dạy kỹ sư BHLĐ. Nguồn cung hạn chế, nhu cầu tuyển dụng tăng đột biến, kỹ sư bảo hộ lao động đang âm thầm là một nghề hot trong ngành kỹ thuật hậu WTO.
Học những gì ?
Trong chương trình đào tạo kỹ sư BHLĐ của trường ĐH Tôn Đức Thắng, sinh viên sẽ được kiến thức chuyên sâu về môi trường lao động, môi trường doanh nghiệp, an toàn lao động, tâm sinh lý của người lao động, tổ chức khoa học lao động. Người kỹ sư bảo hộ lao động có kỹ năng điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá và quản lý môi trường lao động; đề xuất các giải pháp công nghệ và tổ chức để xử lý nóng, bụi, ồn, rung… mà vẫn phải đảm bảo vấn đề năng suất trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, sinh viên còn được cung cấp những kiến thức về kỹ thuật, hỗ trợ cho việc hiểu rõ những khó khăn, cản trở trong việc đảm bảo an toàn cho người lao động.
Làm việc ở đâu ?
Kỹ sư BHLĐ ngày nay khi ra trường có thể dễ dàng tìm được vị trí ổn định trong các nhà máy xí nghiệp trên toàn quốc, không nhất thiết phải làm trong các tổ chức kiểm soát quản lý của nhà nước như ngày xưa. Do nhu cầu quá lớn mà nguồn cung nhân lực từ các trường ĐH vẫn chưa thể đáp ứng, sinh viên năm cuối trong ngành hiện nay đang nhận việc trước khi nhận bằng. Nhiều cơ sở sản xuất đã gửi thư mời đến tận khoa BHLĐ trong các trường để tìm được người kỹ sư bảo hộ lao động cho doanh nghiệp của mình.
Do đặc thù công việc cần hiểu rõ môi trường lao động, người lao động và là người tiếp xúc trực tiếp với các vấn đề trong sản xuất, người kỹ sư bảo hộ dễ dàng tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Nếu có thêm bằng cấp về quản lý, người kỹ sư BHLĐ có thể sẽ được đề xuất lên nhưng vị trí cao hơn. Thêm một lợi thế cho người trong ngành đó là một kỹ sư BHLĐ có thể làm việc cho nhiều công ty khác nhau mà vẫn có thể đảm bảo được nhiệm vụ của mình.
Có dễ để hoàn thành công việc?
Là một nghề kỹ thuật nhưng chương trình đào tạo không quá khó nhằn, kiến thức tương đối lý thuyết, không quá nhiều con số, ngành học BHLĐ rất thích hợp cho nhiều bạn nam yêu thích kỹ thuật nhưng không ưa công việc tính toán phức tạp hàng giờ liền. Bù lại, muốn làm việc tốt trong ngành, bạn cần phải là người giỏi giao tiếp và cảm thông mới có thể hiểu được những bất an trong môi trường lao động rồi dung hòa nó với nhu cầu sản xuất của nhà máy. Một người kỹ sư BHLĐ giỏi không phải chỉ biết đảm bảo an toàn cho người lao động mà không nghĩ đến lợi ích của doanh nghiệp. Công việc BHLĐ vì vậy mà hấp dẫn hơn, tích cực hơn và cũng thử thách hơn ngày xưa.
Ngoài ra, để làm việc tốt trong một ngành kỹ thuật, cẩn thận luôn là đức tính không thể thiếu khi người kỹ sư BHLĐ đánh giá, cân nhắc các phương pháp bảo hộ, nhất là khi đó là công việc đảm bảo an toàn cho người lao động.
Trở thành kỹ sư BHLĐ có khó ?
Để trở thành kỹ sư BHLĐ, bạn sẽ không gặp phải một rào cản quá khó khăn khi thi tuyển vào ngành này. Hiện nay ngành đang được giảng dạy tại trường ĐH Công đoàn với điểm tuyển sinh khối A năm 2008 là 15. Ngành BHLĐ tại ĐH Tôn Đức Thắng năm 2008 có điểm trúng tuyển cho khối A là 14 và khối B là 15. Nếu cảm thấy sức học của mình không quá vượt trội, nhưng bản thân là con người cẩn thận, thích chăm lo cho mọi người và yêu thích công việc kỹ thuật, đánh giá, phân tích, ngành BHLĐ có thể là ngành học thích hợp cho bạn đấy.
Minh Đức