Hàng trăm học sinh xé đề cương: chỉ là trò đùa nghịch tuổi học trò!

(hieuhoc_hieuhoc.com) Mấy ngày qua dư luận xôn xao khi biết tin học sinh (HS) rủ nhau trên Facebook cùng xé giấy và thả xuống sân trường ngay sau khi biết các môn thi. Có rất nhiều ý kiến về vấn đề này:

Người trong cuộc:

“Tôi rất buồn…”

ThS Nguyễn Kim Tường Vy, tổ trưởng tổ sử – địa – giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Hiền, tâm sự: “Là giáo viên dạy môn sử, tôi rất buồn mặc dù sau đó nhiều em đính chính với tôi rằng những tờ giấy vứt xuống sân trường chủ yếu là giấy vụn và những tờ rơi quảng cáo ôn thi đại học.”

Ông Phạm Công Tấn, Hiệu phó nhà trường, khẳng định: “Hành động xé và xả rác của HS là sai, vi phạm nội quy của nhà trường. Nhưng xét thấy các em thành khẩn nhận lỗi và dọn dẹp vệ sinh nên nhà trường chỉ nhắc nhở. Chúng tôi không có kỷ luật bất kỳ HS nào trong vụ xả giấy nói trên. Đây cũng là bài học cho chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm, để sau này không xảy ra những hình ảnh không đẹp như vậy”.

Phạm Thị Thu Hiền (HS lớp 12A3) – Trường Nguyễn Thượng Hiền, cho biết: “Trước khi xé, chúng em cũng có quay phim lại, trong phim cho thấy hình ảnh đó là giấy vụn, tài liệu, có cả rác đã bỏ vào sọt… không liên quan tới môn sử”.

Cảnh xé đề cương môn Sử tại trường Nguyễn Thương Hiền
Cảnh xé đề cương môn Sử tại trường Nguyễn Thương Hiền

Người ngoài cuộc nghĩ gì?

Ông LÊ HỒNG SƠN (giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):

Với chế độ thi cử như hiện nay, nếu thi tốt nghiệp THPT môn địa thì học sinh sẽ quăng đề cương môn sử. Nếu thi tốt nghiệp môn sử thì quăng môn địa hoặc môn nào khác. Đó là phản ứng tự nhiên của lứa tuổi học trò. Hoặc cũng có thể trước đó các em đã đoán được sẽ thi môn này, môn kia, khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố trùng hợp với suy đoán của mình nên các em reo hò. Về chương trình thì đúng là vẫn còn nặng nề mặc dù đã giảm tải. Tôi mong rằng chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 sẽ khắc phục được tình trạng này.

TS sử học NGUYỄN NHÃ:Hỏng ở chuyện dạy – học đối phó

Cái hỏng nhất của giáo dục hiện nay là người ta chỉ lo học để đối phó, dạy đối phó chứ không phải là thực học. Do cách hướng dẫn mình tập trung cho dạy đi thi chứ không phải là dạy làm người, học làm người đã tạo ra chuyện học đối phó, hỏng ở đó. Dạy – học cốt để có điểm là sai lầm nhất của giáo dục hiện nay, không động viên được sự say mê hứng thú của người học.


Các em học trò đó đáng trách, nhưng những người làm giáo dục chúng tôi cũng phải tự trách mình. Làm thế nào để định hướng được cách học, mục tiêu học, cách dạy, chương trình học… cho tốt. Vì nếu mình làm tốt, những chuyện phản cảm như thế sẽ không xảy ra.

Đa phần các ý kiến đều không lên án các em HS và riêng bản thân hieuhoc_hieuhoc.com cũng đồng tình với suy nghĩ của thấy hiệu trường trường Nguyễn Thượng Hiền: “đây chỉ là trò đùa nghịch của tuổi trẻ, chỉ là người lớn đẩy đi hơi xa...”. Ngoài ra, trong những năm gần đây việc học và thi môn lịch sử có nhiều vấn đề, nhiều bài thi lịch sử 0 điểm nên việc làm các em HS trường Nguyễn Thượng Hiền chẳng khác nào “chế dầu vào lửa”.

Khải Quân – tổng hợp và ghi nhận

Cùng chuyên mục