Hai điểm sàn ĐH, CĐ:lo lắng về lượng đầu vào?

Sau khi Bộ GD-ĐT có phương án dự kiến mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 sẽ áp dụng hai mức điểm sàn, có nhiều ý kiến xoay quanh dự thảo này.

Và đây là ý kiến các chuyên gia:

Ông Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM):

Thực chất là cho phép hạ điểm chuẩn

Thực chất điểm sàn không hoàn toàn dùng để đánh giá chất lượng đầu vào mà mang tính chất định hướng phân luồng sau THPT nhiều hơn. Hiện có nhiều chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài (cấp bằng nước ngoài) chỉ xét tuyển đầu vào với yêu cầu tốt nghiệp THPT, nhưng chất lượng đầu ra của sinh viên vẫn rất tốt.

Vì vậy chúng tôi cho rằng ý tưởng “dung hòa” của giải pháp “lần lượt hai mức điểm sàn” hi vọng vừa “nới” được cho bậc ĐH của các trường ngoài công lập, vừa có thể giữ được số lượng nhất định cho nguồn tuyển sinh các bậc CĐ, CĐ nghề và trung cấp.

Vậy thí sinh không trúng tuyển đi đâu? Tác dụng phân luồng của điểm sàn có hay không? Những câu hỏi này cần được giải đáp bằng các nghiên cứu, khảo sát mang tính khoa học và thực tiễn, nếu không thì dù có mức điểm sàn trên (được xác định theo các tiêu chí như những năm trước), mức điểm sàn dưới (được xác định theo điểm bình quân ba môn thi của khối thi), chưa kể điểm sàn “đáy” (bằng tốt nghiệp THPT) vẫn không giải được bài toán tương quan số lượng – chất lượng.

Việc cho phép áp dụng “điểm sàn dưới” trong đợt xét tuyển cuối cùng thực chất là cho phép hạ điểm chuẩn trúng tuyển. Điều này sẽ mâu thuẫn với quy định điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng sau không được thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng trước.

Ngày 02/04/2013 Thứ trưởng Bùi Văn Ga công bố dự kiến 2 mức điểm sàn ĐH, CĐ năm 2013

TS Nguyễn Kim Quang (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM):

Có nên không?

Việc xác lập thêm mức “điểm sàn dưới” thật ra chỉ giúp các trường ngoài công lập tuyển đủ thí sinh. Vấn đề đáng lo là Bộ GD-ĐT phải làm sao xác định được mức điểm sàn tối thiểu để thí sinh đủ năng lực học ĐH. Nếu hạ điểm sàn xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. Mức “điểm sàn dưới” để tuyển cho tất cả các ngành nếu các trường, nhất là trường ngoài công lập áp dụng, đặc biệt ở một số ngành quan trọng như khoa học sức khỏe, ngành công nghệ mũi nhọn… sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo. Khi đó chất lượng đầu ra của những ngành này chắc chắn sẽ giảm sút.

Ngay cả việc bộ gợi ý các trường xét thêm kết quả tốt nghiệp THPT lại giống như phục hồi quy định điểm thưởng cho thí sinh tốt nghiệp loại giỏi trước đây. Có hợp lý hay không khi áp dụng lại quy định đã bỏ?

Trong khi các chuyên gia thì khá băn khoăn lo lắng về dự kiến của Bộ, thì các bạn trẻ có vẻ lạc quan hơn:

Mình thấy hợp lý mà, vì hai lần xét tuyển đầu chỉ xét theo điểm sàn trên, như vậy 90% thì sinh trúng tuyển là đạt chuẩn theo những năm trước. Từ lần 3 nếu còn chỉ tiêu mới xét tiếp đến điểm sàn dưới, như vậy tạo điều kiện cho những người hơi kém hơn hoặc có năng lực nhưng làm bài thi kém may mắn, người ta thường nói học tài thi phận mà, với cả đúng là đầu tư rất nhiều cho giáo dục mà xảy ra tình trạng có trường lớp mà không có thí sinh thì đúng là rất lãng phí, vậy nên mình đồng ý với phương án này” – Email: cucdalattc92@….

Tôi ủng hộ ý kiến này của Bộ GD. Điều này sẽ tạo cơ hội học tập cho những thí sinh kém may mắn. Học tài thi phận mà!” – Người gửi: Dinh Manh Hung, email: dinhmanhhunggtvt@….

Theo thống kê của Dân Trí, 56% không đồng tình và 44% đồng ý cho thấy sự băn khoăn của dư luận trước dự thảo này. Chắc chắn sẽ còn nhiều tranh luận phía trước

Song Quân tổng hợp

Bài liên quan

Cùng chuyên mục