Tuyển sinh 2013: 10 vấn đề về sức khỏe nên biết

(hieuhoc_hieuhoc.com) Mùa thi đang đến, các sĩ tử chúng ta có rất nhiều vấn đề phải quan tâm, suy nghĩ: học ngành gì? chọn trường nào? học như thế nào để thi đậu? điểm cao .v.v nhưng có 1 lĩnh vực các bạn không nên xem nhẹ: đó là phải giữ gìn sức khỏe mùa thi. Dù “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu” nhưng nếu bạn lơ là, bạn sẽ phải hối tiếc đấy.

1. Thức đêm ôn thi, nghiện trà thì phải làm sao?
PGS Mai khuyên ngay: Không nên lạm dụng trà, cà phê, nếu không não có thể lâng lâng được một lúc nhưng sau đó thì mệt xỉu. Hơn nữa ngày nào cũng uống cà phê, trà đặc sẽ làm não quen với chất kích thích, tác dụng hỗ trợ để thức khuya cũng không đạt mà các bạn có thể bị ốm trước khi thi.
Làm thế nào để giảm áp lực tâm lý trước khi vào phòng thi cũng là một vấn đề nhiều thí sinh gặp phải. Theo bà Mai, trước khi đi thi ai cũng căng thẳng. Các cụ bảo “học tài thi phận”, nhưng thật ra nếu chuẩn bị bài vở tốt thì tâm lý sẽ tự tin. Tự tin, bình tĩnh là đạt 50% thắng lợi, còn lại 50% là do bài vở. Giờ còn thời gian thì học đi, đến khi vào phòng thi thì bình tĩnh, tự tin, vậy là đạt 100% thắng lợi. Bà Mai cũng hướng dẫn trước khi vào phòng thi phải được ngủ đủ, dinh dưỡng đủ, tuyệt đối không nhịn ăn sáng, dù chỉ là ăn nhẹ buổi sáng vẫn tốt hơn nhiều so với người nhịn ăn, não không còn năng lượng để nuôi. Một mẹo nhỏ để bình tĩnh trước khi vào phòng thi là bạn hãy hít thở thật sâu trong 10 lần, thở thật sâu, sau đó sẽ quên hết những áp lực để bình tĩnh làm bài thật tốt.

2. Em thường thức khuya học bài, việc này có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không?

Bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Thanh Mai: Em thường thức khuya, sau đó dậy đi học không ăn sáng. Mới nghe xong đã thấy không hợp lý rồi. Nhịp độ sinh lý của bản thân, đồng hồ sinh học để cơ thể nghỉ ngơi là từ 10g đêm đến 4g sáng. Sau đó, các em lại không nạp năng lượng cho sức khỏe thì không tốt. Một người không ăn sáng đã nguy hại cho sức khỏe rồi. Bữa sáng cung cấp dinh dưỡng cho cả ngày, nên rất quan trọng.
Nếu em không ăn sáng lâu ngày sẽ gặp bệnh về sỏi mật. Các em ôn thi nhiều mà không nạp năng lượng thì không tốt. Các em không đủ thời gian thì nên uống một ly sữa, một ít phomai, một ổ bánh mì…

3. Làm thế nào để có trí nhớ tốt trong khi chương trình học quá nhiều?

Bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Thanh Mai: Trí não của mình cũng giống như tay, chân mình vậy. Đi bộ, làm việc nhiều tay, chân sẽ mỏi thì trí não cũng như vậy. Chẳng hạn khi nếu như học mệt quá thì nên nghỉ ngơi và không nên cố. Về ôn tập, nên chia thời gian học và thời gian nghỉ ngơi cho phù hợp thì nhớ lâu hơn. Nên ghi lại, tạo sự lặp đi lặp lại thì sẽ phản xạ lâu hơn.

TS Đinh Phương Duy: Muốn nhớ lâu phải có kỹ thuật ghi nhớ. Một là ghi nhớ máy móc (theo kiểu thuộc lòng, các câu hò, vè…). Thứ hai là lưu giữ trí nhớ, không nên ghi nhớ tất cả mọi điều, cái gì không cần phải nhớ thì không nên nhớ. Điều gì không cần nhớ thì bỏ qua. Về tâm lý, có những cái muốn quên chẳng được và muốn nhớ chẳng xong. Điều quan trọng, muốn nhớ thì không nên tạo áp lực cho mình, dồn nén quá thì không nhớ được. Các em nên vừa học vừa chơi để bộ não nghỉ ngơi. Khi đứng trước kỳ thi, sáng mai thi mà tối đó vẫn miệt mài học thì sẽ áp lực. Trước một ngày thi, nên nghỉ ngơi cho thoải mái đầu óc.

Vẫn biết năm cuối cấp phải dành 100% sức lực cho việc học hành, nhưng bạn cũng nên dành thời gian thư giãn vui chơi với bạn bè để tạo sự cân bằng

4. Ngủ không đủ giấc có ảnh hưởng đến trí nhớ hay không?

– Bác sĩ Lê Phước Hùng: Sinh lý cơ thể ở tuổi các em nên cố gắng ngủ tối thiểu tám tiếng/ngày. Nếu không được thì cơ thể sẽ mỏi mệt về thể xác, tinh thần và ảnh hưởng đến học tập. Thầy biết có nhiều em chỉ ngủ được 3-4g/ngày. Các em có gắng ngủ nhiều hơn một chút. Các em học 2-3 tiếng, nghỉ ngơi 5-10 phút để mắt dịu lại, tắm rửa cho sảng khoái thì sẽ học tốt hơn.

– TS Đinh Phương Duy: Trí nhớ là một quá trình đưa thông tin vào bộ nhớ, giữ lại và lấy ra. Có nhiều cách thức để đưa thông tin vào bộ nhớ, một trong những cách đó là ghi nhớ máy móc (lặp đi lặp lại, văn ôn võ luyện tạo “đường mòn” trong trí nhớ)… Điều gì nên nhớ thì nhớ, không nên nhớ thì thôi. Những thông tin đã có công cụ hỗ trợ thì không nên nhớ làm gì. Cần học và chơi để có bộ nhớ tốt hơn. Đừng cắm đầu cắm cổ mà học, học có phương pháp, kế hoạch thì tạo dựng một tâm trạng lành mạnh để học hiệu quả hơn’

5. Khi vào phòng thi em cảm thấy buồn nôn, ù tai, em khắc phục thế nào?

– Bác sĩ Lê Phước Hùng: Để có được tinh thần tốt nhất, phải rèn tính tự chủ. Phải ngủ đầy đủ, hết sức thoải mái về tinh thần. Thầy cũng có mẹo như thế nào: ăn sáng nhẹ nhàng, chuẩn bị vài lát gừng tươi sẽ hạn chế được buồn nôn. Nếu có tinh thần tốt cũng giảm được triệu chứng này.

– TS Đinh Phương Duy: Nếu căng thẳng quá, trong nhà mình thấy thân thuộc với ai nhiều hơn, nghĩ về người nào thấy đỡ lo hơn thì nên nghĩ về người đó. Khi mình cảm thấy lo lắng, mình cứ nghĩ về những người bên cạnh cũng bần thân và…lo hơn mình nên không việc gì phải lo. Khi nhận đề thi, đừng làm ngay mà suy ngẫm một chút để định thần trở lại, bình tĩnh hơn và cơn buồn nôn sẽ qua đi. Đôi khi buồn nôn và ù tai chỉ do tâm lý sinh ra mà thôi.

6.Em thường học bài khuya, cảm thấy đau đầu. Làm thế nào để giải quyết hiện tượng trên?

– Bác sĩ Lê Phước Hùng: Em học quá sức, không đảm bảo giấc ngủ sẽ dẫn đến nhức đầu. Thông thường các em hay bổ sung thuộc magie B6. Tất cả các loại thuốc, trong đó có magie B6 không có cái nào dùng nhiều là tốt hết. Cách dùng thuốc, các em nên chú ý là dùng một ngày 2 viên, một đợt 10-15 ngày rồi nghỉ và dùng tiếp. Thời gian để cơ thể dung nạp và đào thải thuốc. Không phải uống magie B6 là hết đau đầu nếu em học nhiều, ngủ ít.

7.Em nghe nói buổi tối ngủ đến 12 giờ rồi dậy học sẽ hiệu quả hơn, như vậy có đúng không?

– Bác sĩ Lê Phước Hùng: Ngủ là một trạng thái sinh lý cơ thể của chúng ta cần phải nghỉ. Nếu 9g ngủ, 12g dậy thì đủ ba tiếng đồng hồ. Ngủ như vậy tự phá nhịp sinh học của cơ thể của mình và chắn chắc không có lợi cho cơ thể. Cắt bớt giấc ngủ để học nhưng phải đảm bảo nhịp sinh lý. Thường thì ngủ một mạch 6-8 tiếng rồi bắt đầu học, làm việc hiệu quả hơn.

8.Thi căng thẳng quá, ngủ không được làm sao?

– TS BS Trần Thị Minh Hạnh: Không phải lúc nào các em cũng học và nghĩ đến chuyện học. Nên có những thời gian giải trí như: đi chơi cùng bạn bè, tập thể dục nhẹ nhàng để máu huyết lưu thông để ngủ tốt hơn.

9. Vì sao học thuộc bài rồi nhưng sau đó lại mau quên?

TS BS Trần Thị Minh Hạnh: Học mau quên vì chưa có quá trình học lặp đi lặp lại để nhớ lâu. Nếu không đù thời gian, hãy học sườn bài trước, có ý chính thôi cũng sẽ có một phần điểm. Còn hơn không được điểm nào! Một nguyên nhân khác khiến ngơời ta hay quên là do thiếu máu. Thiếu máu cũng gây chứng hay quên. Do đó, cần ăn đủ dinh dưỡng để tránh thiếu sắt, thiếu chất tạo máu.

10. Ăn bữa phụ như thế nào? Buổi sáng ăn bánh mì nhiều có tốt không?

TS BS Trần Thị Minh Hạnh: Bữa phụ rất quan trọng để bổ sung năng lượng cơ thể mùa thi. Có thể tranh thủ ăn đậu phộng, khoai, uống sữa… vào giờ nghỉ giữa hai tiết. Những em xa nhà nên thủ sẵn đồ ăn trong cặp. Ăn bánh mì tốt thôi nhưng bánh mì không thì không đủ chất. Nên bổ sung thêm rau, thịt, trứng, ăn bổ sung thêm trái cây, chuối…

Khải Quân tổng hợp

Cùng chuyên mục