Án dân sự chưa thi hành và những khoản nợ khó đòi của các ngân hàng tồn đọng ngày càng nhiều, cũng là lúc nghề thu nợ phát triển rầm rộ với tư cách dịch vụ chuyên nghiệp.
Cơ hội việc làm đang mở ra cho các cử nhân luật, dù rằng đây không hề là nghề dễ dàng.
Phát triển vài năm gần đây ở TP.HCM và Hà Nội, biết vậy, song phải đến cuối năm Thân, khi những người làm nghề thu nợ đang bận rộn “vào vụ”, tôi mới có dịp tìm hiểu sâu về cái nghề khá mới mẻ này. Tiếp tôi là Đinh Quang, một cử nhân luật trẻ măng . “Kỷ niệm khó quên từ ngày vào nghề?”. Quang không bối rối trước câu hỏi của tôi. Nắm vững công việc đang làm và không ngại giao tiếp với người lạ, đó là đặc điểm đầu tiên tôi nhận ra ở những người làm nghề thu nợ.
Không khó, người ta đã chẳng nhờ mình!
Quang không thể quên vụ khách nợ (Quang dùng từ này thay cho con nợ) là một người đàn ông ngoài 40 tuổi, lọc lõi trên thương trường. Ông ta từng kinh doanh vật liệu xây dựng, nay chuyển sang mặt hàng khác, và vẫn nợ chủ hàng cũ số tiền lớn. Hồ sơ khá đầy đủ, chủ nợ đã ký hợp đồng dịch vụ và hợp đồng uỷ quyền với công ty. Nhưng khi Quang đến gặp vị khách nợ, ông ta buông một câu “Chỉ làm việc trực tiếp với chủ nợ”. Tình huống đã được lường trước. Phía chủ nợ bố trí cuộc gặp tay ba. Thế nhưng, khi chủ nợ cùng Quang đến như đã hẹn, khách nợ lại… đi vắng! “Theo anh thì bọn em phải làm thế nào?” – Quang đặt câu hỏi, không đợi tôi trả lời, nói tiếp: “Nếu đòi nợ mà dễ thì bọn em thất nghiệp. Không khó người ta đã chẳng nhờ mình!”.
Quang kể tiếp: Quang cùng chủ nợ đến nhà khách nợ lần nữa. Ông ta lại đi vắng. Phía đòi nợ chủ động mời CSKV cùng có mặt. Một biên bản ngắn gọn được lập, nội dung ghi rõ khách đến theo hẹn, song chủ không có nhà. Cầm trong tay biên bản, Quang có lý do “áp sát”, buộc khách nợ ngồi vào bàn làm việc. Ông ta “hơi bị giật mình” thấy nhân viên Cty thu nợ biết quá sâu về ông ta: hiện đang mua hàng của ai, bán hàng cho ai, bạn bè là những người như thế nào v.v.
Quang đưa ra những phân tích chí tình, chí lý: Ai cũng có lúc mắc nợ, trước sau gì cũng phải trả, cố gắng thu xếp sớm để tập trung làm việc khác. Nếu để kéo dài, uy tín sứt mẻ, còn ai dám làm ăn với mình. Cố tình trốn tránh là dấu hiệu vi phạm hình sự, có thể bị xử lý… “Cuối cùng thì ông ta đã trả xong nợ”- Quang nói thêm – “Khi đã “áp sát”, bọn em sẽ có nhiều cách. Ai sống trong xã hội cũng có nhiều mối quan hệ, và không muốn chúng bị phá vỡ. Nếu mình nắm được nhiều thông tin về khách nợ, mình sẽ gây được nhiều áp lực”.
Niềm vui trong công việc
Thu nợ không phải lúc nào cũng căng thẳng, “áp sát”, đấu lý, nghĩ mẹo, gây áp lực… mà có cả niềm vui. Ngay hôm ngồi ở Cty Dân An, tôi được chứng kiến cuộc thanh lý hợp đồng giữa khách hàng với Cty. Nợ được thu về đầy đủ trong thời gian ngắn, khách và Cty thu nợ cùng cười tươi, phấn khởi. Vị khách hàng không đồng ý nêu tên tuổi, địa chỉ lên báo, song anh vui vẻ cho biết: Anh kinh doanh vật liệu xây dựng, thường chở hàng đến tận chân công trình.
Hợp đồng được ký với Cty xây dựng, nhưng trong sổ giao hàng, lúc thì nhân viên Cty ký xác nhận, lúc thì Đội trưởng, có lúc lại là Tổ trưởng. Đến khi thanh quyết toán, Cty chỉ xuống Đội, Đội chỉ xuống Tổ, Tổ lại bảo lên Cty. Đi vài vòng chóng mặt, anh quyết định đến nhờ Cty Dân An. “Nhân viên ở đây có nhiều thời gian và kinh nghiệm hơn. Tôi đi thu nợ, dễ nổi nóng sinh ra cãi nhau. Mà đã cãi nhau là hỏng việc. Thôi thì xã hội phân công, mỗi người mỗi nghề. Thuê Dân An đòi nợ, tôi lại có thời gian để làm việc khác”.
Thanh lý xong hợp đồng với khách, Nguyễn Văn Hoàng, cử nhân kinh tế, lại học thêm bằng tại chức luật, tâm sự: “Nghề của chúng em cũng được chứng kiến nhiều niềm vui. Đôi khi chủ nợ và khách nợ đều có thiện chí, song giữa họ có sự hiểu nhầm. Bọn em vào cuộc, không chỉ giúp họ thanh toán nợ, mà còn giúp họ giải toả được sự hiểu nhầm về nhau”. Hoàng kể, có trường hợp hai người là bạn thân, cùng kinh doanh hàng kim khí điện máy.
Giữa họ có một số nợ nần, từ chuyện vay mượn hàng, rồi chuyện thuê nhờ kho bãi. Cái dở là vì họ tin nhau, chứng từ vay mượn thiếu rõ ràng. Khi thanh toán nợ, phía khách nợ yêu cầu phải liệt kê chi tiết, phía chủ nợ lại tự ái cho rằng làm vậy là cố tình gây khó dễ cho nhau… Bọn Hoàng vào cuộc, nhanh chóng hiểu được quan điểm của chủ nợ, khách nợ, giúp họ hoàn tất những thống kê chi tiết. Một cuộc gặp ba bên được tổ chức, khúc mắc được giải tỏa. “Họ bắt tay, rủ nhau đi uống rượu, và nhất định bắt em phải đi cùng”, Hoàng kết thúc câu chuyện.
Một nghề có… tương lai
Hiện nay, khung giá của dịch vụ này đang dao động từ 10 – 20% số nợ cần thu hồi. Tuỳ thuộc hồ sơ thu nợ có hoàn chỉnh không, có phải đi xa không, khoản nợ đã lâu hay còn mới v.v., có trường hợp giá dịch vụ tăng cao đến 50%.
Theo luật sư Trần Vũ Hải – Giám đốc Cty Luật Hà Nội, là Cty có một bộ phận làm dịch vụ thu nợ – bí quyết của nghề là phải làm rõ được khách nợ có tài sản hay không. Cùng chung ý kiến là ông Trần Công Thành – Trưởng phòng khách hàng Cty Dân An. Ông Thành tự tin phát biểu: “Nếu biết chắc khách nợ có tài sản, nhân viên thu nợ sẽ có nhiều cách để buộc họ phải trả nợ”. Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng nắm rõ tài sản của khách nợ chỉ là một trong nhiều thông tin cần thiết. “Kinh nghiệm cho thấy, mình càng có nhiều thông tin, càng dễ gây áp lực với khách nợ” – ông Thành nhận xét.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã lập một Cty chuyên mua bán nợ giữa các doanh nghiệp. Theo ông Lê Xuân Nghĩa – Vụ trưởng Vụ chiến lược phát triển ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – thì Cty này chưa đủ năng lực đối với “thị trường nợ”. Ông Nghĩa cho rằng, Cty mua bán nợ muốn hoạt động được, phải có đủ 3 yếu tố: Vốn lớn, quyền lực mạnh, đội ngũ chuyên gia tài chính giỏi. Riêng về vốn, ông Nghĩa cho rằng tối thiểu phải có 30 tỷ đồng.
Theo luật sư Trần Vũ Hải thì ở nhiều nước phát triển, việc thi hành án dân sự đang do các Cty tư nhân đảm nhiệm…
“Nghề thu nợ rất kén người. Phải am hiểu pháp luật, am hiểu tâm lý người đối thoại, biết cương, biết nhu đúng lúc. Nói chung, đây là một nghề khó, song thu nhập cũng được, bởi hưởng theo phần trăm số tiền thu nợ. Theo em, kinh tế càng phát triển thì nghề này càng có cơ hội. Hiện nay, số cử nhân luật ra trường chưa có việc làm khá đông, nghề thu nợ chính là một cơ hội cho họ”- Phạm Minh Quang, nhân viên Cty Luật Hà Nội, nhận xét về cái nghề vừa khó vừa hấp dẫn mà anh đang theo đuổi.
Đinh Anh – Thu nợ Dân An