Tin cậu học trò Lê Minh Thắng ở xóm Hòn Tượng B, thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, đạt thủ khoa trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM khiến người thân, bà con từ làng trên, xóm dưới đều ngỡ ngàng và rất khâm phục.
Nói về gia cảnh nhà Thắng, những người dân ở đây ai cũng biết. Nhà Thắng quá nghèo, vì cuộc sống cực quá mà ba mẹ Thắng ly hôn. Người cha buồn vì hạnh phúc đổ vỡ đành bỏ quê ra đi, và làm phụ hồ tận Gia Lai. Thắng và đứa em gái phải về tá túc với ông bà nội đã rất già, ai cũng đã gần 80 tuổi. Ông bà già yếu là vậy giờ còn phải cưu mang 2 đứa cháu với chút tài sản là… 3 sào ruộng nên mọi người bữa đói bữa no.
Trước hoàn cảnh gia đình khó khăn của Thắng, trường Tiểu học Nhơn Tân mời ông nội của Thắng về làm bảo vệ cho nhà trường với mức lương 140.000đ/tháng. Chừng ấy thu nhập cho cả gia đình 4 miệng ăn, lại còn chi phí học hành cho 2 cháu nên cảnh sống của họ vẫn vô cùng thiếu thốn. Kỳ lạ trong một hoàn cảnh như vậy nhưng Thắng luôn đạt học sinh giỏi, làng xóm ai cũng phục và thương em.
Bà Trần Thị Ngư (bà nội Thắng) rơi nước mắt khi chia sẻ: “Cái khổ của gia đình tôi kể không hết đâu. 3 sào ruộng ở đất núi này có làm mà không có ăn. Cũng vì túng bấn mà sinh chuyện ba mẹ nó bỏ nhau nay cũng đã 6 năm rồi. Ba nó đi làm thuê xứ người có khi cả năm mới về một lần, có lúc trong nhà không có tiền mua mắm, đi học về không có gì ăn, cháu nó tự đi chặt thân chuối, xắt mỏng làm thức ăn để ăn cơm. Khổ vậy mà nó học rất chăm”.
Bà Ngư cho biết thêm: “Ở vùng sâu vùng xa này thường xuyên bị cúp điện nên tù mù lắm, có lúc không có ánh sáng để học nên cháu lại mua đèn sáp về học. Thấy nó học ngấu nghiến mà thương”. Bà nói như mếu: “Biết tin cháu nó đỗ ĐH, gia đình đang lo chưa biết lấy tiền đâu ra để lo cho cháu đi học. Cháu đỗ thủ khoa là mừng vô hạn nhưng lo cũng nhiều, có đêm không ngủ được…”.
Theo từng bước chân khập khiễng của bà Ngư đưa chúng tôi về thăm nhà nằm tít sâu trong vách núi, tường gạch không được trát vữa. Lúc này chàng thủ khoa đang bận bịu chuẩn bị hồ sơ nhập học. Góc học tập của em quá tuềnh toàng: một cái bàn uống nước xiêu vẹo, vài cái ly và những cuốn sách cũ kỹ, rách nát. Thắng tâm sự: “Khi chuẩn bị thi đại học vì không có tiền đi học luyện thi, em tự ôn bài ở nhà. Em hy vọng học ngành này khi ra trường sẽ dễ tìm được việc làm mà không mất tiền”. Trò chuyện với Thắng mà lòng chúng tôi không khỏi tò mò: Không biết từ đâu mà trong thân hình mảnh dẻ, với gương mặt nhút nhát, non nớt của Thắng lại có được nghị lực vượt khó đáng khâm phục đến thế?
Nói là căn nhà cho có vậy chứ cuộc sống của Thắng hầu như “nay đây mai đó”. Có khi là nhà ông bà nội, có khi là túp lều tranh trong vườn điều của HTX Nhơn Tân, hoặc có khi tới kỳ nghỉ lại theo cha đi phụ hồ ở mãi trên Tây Nguyên để ki cóp tiền cho 2 anh em ăn học.
Không có điều kiện cùng bạn bè lên thành phố ôn thi, Thắng “ẩn mình trong lều” để “dùi mài kinh sử”. Bạn bè trong lớp đến nhà chơi thường trêu Thắng là “ẩn sĩ cô đơn, trốn đời luyện công”. Đạt được 24,5 điểm trong kỳ thi đại học là một thành tích đáng nể nhưng Thắng vẫn rất khiêm tốn: “Em chỉ nghĩ mình sẽ trên điểm sàn nhưng không ngờ là đạt đến mức điểm như thế. Chắc là do may mắn thôi. Trong quá trình ôn tập, em cứ tập trung học thật vững lý thuyết, đi sưu tầm và xin các đề thi của mấy năm trước về giải thật nhiều, từ đó tìm ra cách giải nhanh và các phương pháp giải các dạng toán khó”.
Khi chúng tôi hỏi về những chuẩn bị để bước vào giảng đường đại học, không khí trong nhà bỗng chùng xuống nhưng Thắng khẳng định: “Em sẽ học chứ, mình con nhà nghèo, nếu không học làm sao đổi đời. Khi vào Sài Gòn, em sẽ đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho việc học tập và gửi tiền về phụ giúp ông bà nội…”.
Trước mắt Thắng là cả một chặng đường dài đầy khó khăn, không biết với quyết tâm và nỗ lực tiếp theo Thắng có thể vượt qua được hay không? Rất mong bạn đọc gần xa cùng chia sẻ, ủng hộ cậu thủ khoa có hoàn cảnh đặc biệt như Thắng.
Lý Hương (Theo DanTri)