Học cách đứng trên lập trường và quan điểm của người khác để nhìn nhận vấn đề thì chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội để đi tới thành công.
Một phạm nhân mang tội giết người bị tống vào khu biệt giam dành cho những kẻ tử tù nguy hiểm nhất. Một mình trong một gian phòng u ám, lãnh lẽo, chỉ có chiếc cửa sổ nhỏ là nơi liên lạc duy nhất giữa tên tội nhân với thế giới bên ngoài. Vài ngày nữa là tên tử tù này phải ra pháp trường thi hành án, nên y bị đưa vào phòng giam dành cho những tù nhân đặc biệt ở một nơi biệt lập.
Mọi việc sẽ như thế trôi đi cho đến ngày tên tù bị dẫn ra pháp trường. Nhưng hôm nay, tên phạm nhân lại ngửi thấy một mùi thơm nồng từ chiếc cửa số nhỏ bay vào trong phòng giam. Sau nhiều lần hít hà hương thơm từng rất quen thuộc với mình, tên tội phạm nhận ra đó là mùi khói của loại thuốc lá khá đắt tiền mà trước đây hắn vẫn thường sử dụng khi chưa bị tống giam. Cố kiễng chân nhòm qua ô cửa sổ, tên phạm nhân nhìn thấy một người cảnh binh trẻ đang đi lại xung quanh khu biệt giam với điếu thuốc ở trên môi.
“Chắc anh chàng cảnh binh này đang hút loại thuốc lá mà ta hay sử dụng trước kia đây”.Tên tội phạm nghĩ. “Phải xin một điếu mới được, lâu lắm không còn được thưởng thức vị ngon nồng của điếu thuốc rồi”. Nghĩ là làm, tên tội phạm gõ mấy tiếng vào cửa song sắt.
– Có việc gì vậy? Người cảnh binh ghé đầu vào hỏi với thái độ khó chịu.
Tên tội phạm xoa hai tay vào nhau rồi nói với vẻ xu nịnh:
– Thưa cán bộ, không có gì lớn đâu ạ. Chả là tôi thấy cán bộ hút thuốc ngon quá, tôi muốn xin cán bộ một điếu có được không ạ? Tôi cũng sắp chết rồi, xin cán bộ một ân huệ cuối cùng.
Người cảnh binh nhìn thấy vẻ nhún nhường của tên tội phạm thì khinh bỉ. “Nhà ngươi làm gì còn có quyền lợi gì nữa mà đòi hỏi”. Người cảnh binh nghĩ rồi cười khẩy và nói: “Anh nghĩ anh là ai?”, rồi ung dung đi lại chỗ canh gác.
“Thật quá đáng”, tên tội phạm rủa thầm. “Mặc dù ta sắp bị thi hành án, nhưng ta vẫn có quyền được đòi hỏi ân huệ cuối cùng chứ. Chả nhẽ như thế là sai?”.
Sau một hồi im ắng, tiếng gõ cửa phòng biệt giam lại rung lên. Lần này, người cảnh binh rất bực tức thò mặt vào phòng giam, quát lớn:
– Lại còn đòi hỏi gì nữa đây?
Không còn vẻ mặt xu nịnh và hai bàn tay xoa vào nhau như lần trước, vẻ mặt lần này của tên tội phạm ra vẻ rất nghiêm nghị. Hắn nhìn người cảnh binh, kiêu ngạo:
– Này anh bạn trẻ, tôi sẽ cho cậu 30 giây để đưa cho tôi một điếu trong bao thuốc lá. Nếu không thì cậu sẽ gặp rắc rối lớn đấy.
Người cảnh vệ cười khẩy rồi chua chát đáp:
– Đến thế cơ à! Tôi sợ ông anh rồi đấy, ông anh sẽ làm gì nếu tôi làm ngược lại.
– Đương nhiên là sẽ có chuyện chứ. Tôi sẽ đập đầu vào tường cho máu mê chảy bê bết, tôi cũng chẳng còn gì để mất vì cũng sắp chết rồi nhưng cậu thì sẽ gặp rắc rối đấy. Tên tội phạm đắc thắng nói.
Người cảnh binh chưa kịp hiểu tên tội phạm muốn nói gì thì hắn lại tiếp lời:
– Khi máu mê chảy bê bết thì đương nhiên tôi sẽ la toáng lên rồi ngất đi. Cấp trên của cậu sẽ phải vào trong phòng biệt giam này của tôi để cấp cứu rồi hỏi nguyên nhân, tôi sẽ nói là do cậu ép tôi làm vậy, và đương nhiên là cấp trên của cậu sẽ không tin tôi.
– Hay đấy, thế thì sao? Người cảnh binh nghi ngờ hỏi
– Hay chứ, chả ai hơi đâu lại tin lời khai của một tên tử tù, nhưng cậu cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới vì không bảo vệ được phạm nhân của mình. Cậu sẽ bị khiển trách rồi phải viết bản tường trình với cấp trên. Thậm chí là cậu sẽ bị điều đi một nơi khác công tác do tắc trách với công việc. Mà với một cán bộ trẻ như cậu thì đó là điều không nên. Đấy, cậu thấy đấy, nếu đưa cho tôi một điếu thuốc thì không có chuyện gì xảy ra cả.
Bạn đoán xem, người cảnh binh có đưa điếu thuốc cho tên phạm nhân không? Đương nhiên là có rồi. Vậy anh ta có châm thuốc cho tên phạm nhân không? Lại đúng nữa. Vì sao lại vậy? Vì người cảnh binh hiểu ra những thứ được và mất nếu anh không làm như vậy..
Tên phạm nhân đã đánh trúng vào điểm yếu của người cảnh binh, hắn đã đứng trên lập trường và cách suy nghĩ thiệt hơn của đối phương để tự tìm ra cách giải quyết cho vấn đề của mình- thèm hút một điếu thuốc lá trước khi lìa đời.
“Học cách đứng trên lập trường và quan điểm của người khác để nhìn nhận vấn đề thì chắc chắn sẽ thành công”. Câu chuyện này đã được ông tổ của phương thức kinh doanh kiểu Nhật- người sáng lập ra tập đoàn Matsushita với các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như National, Panasonic- ngài Matsushita Konosuke… thường lấy làm bài học để răn dạy cho nhân viên của mình.
“Nếu hiểu được suy nghĩ của người khác, bạn sẽ thấy mình như một con ‘ký sinh trùng’ trong người họ vậy. Họ nghĩ gì, muốn gì bạn cũng điều nắm rõ, vô hình trung bạn có thể ung dung đối phó được với những hành động, những chiêu thức bất ngờ của đối phương. Cũng giống như khi chơi cờ, biết đối thủ sẽ đi nước nào qua những nước đi trước đó của họ thì chắc chắn chiến thắng sẽ nằm trong tầm tay bạn”.Konosuke nói.
Người sáng lập ra tập đoàn Matsushita còn nhấn mạnh thêm: “Đương nhiên có những người không thể nào áp dụng được quy tắc này trong kinh doanh, đấy cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự thất bại cho họ. Cũng có nhiều người khi gần đi hết cuộc đời mới thấu hiểu được bài học ‘Đứng trên quan điểm lập trường của người khác’ nhưng đã quá muộn. Họ đã mất quá nhiều cơ hội để đi tới thành công vì không ai dạy họ điều này”.
Theo: (Qshowme.com/Tamnhin)