Người thành công không bao giờ từ bỏ

Bất kỳ ai cũng có ưu và khuyết điểm, chỉ có điều mình có dám nhìn nhận thẳng thắn và chịu vận động để phát triển không. Con đường nào cũng có những trở ngại lớn nhỏ, nhưng người thành công không bao giờ từ bỏ, mà người từ bỏ thì sẽ không bao giờ đạt được thành công.

Đang có nhiều cơ hội đến gần đỉnh của nghề MC (người dẫn chương trình), một chàng trai đã đột ngột rẽ ngang để theo đuổi con đường riêng của mình. (Én vàng 2009 Hoàng Anh Duy. -Ảnh TTVH)

Hoàng Anh Duy từng khiến nhiều bạn bè bị sốc khi can đảm đi thi văn nghệ tại trường để rồi sau đó may mắn đoạt… giải nhất tiếng hát sinh viên toàn quốc! Khi vừa tốt nghiệp đại học loại giỏi và được giữ lại trường làm giảng viên, Duy gây bất ngờ khi đăng ký tham dự cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình 2009” rồi tiếp tục giành vị trí đứng đầu. Và trong thời điểm đang rất đắt sô MC cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, Duy lại khiến mọi người sửng sốt khi thấy anh hăm hở xách vali lên đường du học…

Sau một năm quyết tâm “lặn” để tập trung học hành, Duy (hiện đang là SV cao học ĐH Leicester, Anh) đã dành một buổi trò chuyện thú vị với chúng tôi ngay sau đợt thi cuối kỳ căng thẳng.

* Khi từ bỏ tất cả để du học, nhiều người tiếc vì Duy có rất nhiều cơ hội tỏa sáng thời điểm ấy.

– Thực chất cụm từ “tạm thời từ bỏ” có lẽ phù hợp hơn. Theo tôi thì nghề MC đòi hỏi kiến thức rộng ở nhiều lĩnh vực, càng có nhiều hiểu biết thì bản thân sẽ càng tự tin hơn mỗi khi làm chủ hay dẫn dắt một chương trình. Có thể việc xuất hiện “dày đặc” trên tivi sẽ giúp tôi “rủng rỉnh” và sớm có danh tiếng, nhưng điều đó có bền không khi mình sẽ nhanh chóng tự nhàm chán bản thân bởi thiếu vốn sống, cọ xát với thế giới rộng lớn bên ngoài? Huống hồ mình còn trẻ thì việc gì phải sợ không còn cơ hội sau này.

* Nhưng Duy nghĩ sao nếu ngày trở về sẽ chẳng ai nhớ Hoàng Anh Duy ngày xưa là ai nữa…

– Trước khi quyết định đi học, tôi cũng đắn đo nhiều về vấn đề này bởi không dễ dàng để có được chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả, lại càng không dễ để gầy dựng lại từ đầu ngày trở về. Nhưng nghĩ theo hướng lạc quan thì không phải ai cũng có cơ hội đi học như mình. Tôi tin khán giả sẽ hiểu rằng những MC luôn dành thời gian học hỏi, bồi đắp kiến thức, hiểu biết cho mình tức là họ tôn trọng công việc mình đang làm, tôn trọng những người xem chương trình của mình.

Tuy vậy, tôi cũng không hẳn “lặn” mất tăm khỏi nghề đâu. Cộng đồng du học sinh tại Anh vẫn thường xuyên hỏi thăm và nhờ dẫn một số chương trình lớn nhỏ tại đây. Cũng rất nhiều lần tôi gặp một số người Việt đang ở Anh và “bị” họ phát hiện, đề nghị chụp hình chung cũng như hỏi rất nhiều về các chương trình mình dẫn ở quê nhà, chuyện học, chuyện sức khỏe… Tất cả dung dị nhưng khiến mình quá đỗi hạnh phúc bởi cảm giác được quan tâm ân cần.

* Giành giải nhất ở các cuộc thi lớn trong nước, trở thành giảng viên trẻ của Trường đại học Ngoại thương danh tiếng, được học bổng cao học toàn phần của nhiều trường tại nước ngoài rồi lại có ngoại hình bắt mắt…, có lẽ ai cũng nhận thấy Duy được tạo hóa ưu ái quá nhiều. Có điều gì Duy muốn “đính chính” không?

– Tôi nghĩ rất hiếm người may mắn có cuộc sống gọi là “hoàn hảo”. Bản thân tôi thấy mình còn rất nhiều hạn chế như việc luôn cầu toàn, hay ôm đồm nhiều việc… Cầu toàn cũng tốt nhưng đôi khi khiến mình lúc nào cũng phải suy nghĩ, cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất và rồi thất vọng, trăn trở khi kết quả không như mong đợi. Còn chuyện ôm đồm nhiều việc khiến tôi trở nên “nhác” việc nhà, không còn thời gian trò chuyện với người trong gia đình, thậm chí nhiều lần còn khiến mọi người hiểu lầm này nọ…

Và còn rất nhiều khuyết điểm khác nữa mà mọi người không biết đó thôi. Theo tôi thì bất kỳ ai cũng có ưu và khuyết điểm, chỉ có điều mình có dám nhìn nhận thẳng thắn và chịu vận động để phát triển không.

* Nghề dạy học vốn rất khắc nghiệt và có thu nhập bèo bọt, cả tháng dạy chưa chắc bằng một lần dẫn MC. Liệu Duy sẽ quay trở lại với trường lớp?

– Với tôi thì một khi đã quyết tâm, thật sự tâm huyết với nghề thì bản thân sẽ chắc chắn theo đuổi đến cùng. Tôi đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách kể từ khi bắt đầu thì không có lý gì bây giờ dừng lại. Con đường nào cũng có những trở ngại lớn nhỏ và quan trọng là mình có đủ hành trang, nghị lực, ý chí vượt qua hay không. Tôi vẫn nhớ câu nói mình từng trả lời trong cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình 2009: “Người thành công không bao giờ từ bỏ, mà người từ bỏ thì sẽ không bao giờ đạt được thành công”. Và tôi tin mình nói được thì sẽ làm được.

Cảm ơn Duy. Và chúc bạn thành công.

Theo: “Từ bỏ thì sẽ không bao giờ thành công” (TTCT)

Bài liên quan

Tính cách nào là quyết định?

(hieuhoc_hieuhoc.com). Những tính cách nào là quyết định để thành công? Để thành công, đó không chỉ là những kỹ năng học được từ trường lớp, mà chính là thái độ cầu tiến trong mỗi người, sẵn sàng học hỏi và thay đổi, cũng như chấp nhận thất bại một cách đúng đắn.

Tính cách kiên cường & nhu nhược

(Hiếu học). Không phải tất cả mọi người trên thế giới đều kiên cường, cứng cỏi. Nhưng trong cùng hoàn cảnh, có người tỏ ra kiên nghị, lại cũng có người tỏ ra yếu đuối, nhu nhược. Vì sao như thế?  

Không có khái niệm từ bỏ.

(Hiếu học). Giảng viên tiếng Anh, tư vấn thiết kế nội thất, trưởng nhóm ý tưởng một công ty marketing, tình nguyện viên nhiều chương trình lớn... với Vũ Thị Phương Thảo, tất cả xuất phát từ ý chí tự lập! Với cô chưa bao giờ có khái niệm từ bỏ, dù đó là cơ hội hay ước mơ.

Những tính cách đưa đến thành công.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Đâu là yếu tố then chốt đưa đến thành công cho người kinh doanh và các chuyên ngành khác? Một người muốn thành công cần có những tính cách gì? Tại sao có nhiều sinh viên khi còn ngồi trên ghế giảng đường đều học giỏi, nhưng khi vào đời lại không đuổi kịp cuộc sống, không có đầu óc thực tiển? 

Không có đường tắt tới thành công.

(Hiếu học). Mặc dầu điều kiện thành đạt ngày nay dễ hơn trước nhưng không có đường tắt đi đến thành công. Tốt nhất không nên định kiến về bất cứ việc gì trước khi mình thử và có kinh nghiệm thực sự. Hãy cứ thử và chấp nhận thử thách!   

Sợ hãi - sai lầm - thất bại.

(Hiêu học). Tất cả mọi người đều có lúc phạm sai lầm, thất bại. Có thể sự thất bại sẽ giúp ta thoát khỏi những ảo vọng để quay về với thực tại, thất bại chứng minh cho ta thấy những hạn chế của mình. Nhất là sau đó giúp ta rút ra những bài học từ sự thất bại, giúp ta dừng lại để phân tích nguyên nhân của sai lầm.  

Cùng chuyên mục