Tỷ phú 8x và nickname triệu đô

Từ một chàng lái buôn, chuyên mua hàng thủ công mỹ nghệ từ các tỉnh về bỏ mối cho các cửa hàng ở Hà Nội, Nguyễn Tuấn Việt đã trở thành một thương gia có tiếng trong lĩnh vực này.

Nhiều người trong nghề cho rằng, doanh nhân 25 tuổi này đã thành công không nhỏ từ cái tên Việt “gỗ”.

Tỷ phú từ… gỗ vụn

Không ít sinh viên K45, Đại học Xây dựng Hà Nội phải ngỡ ngàng khi cậu sinh viên đang học năm thứ 3 Nguyễn Tuấn Việt (sinh năm 1982) lại đùng đùng tuyên bố: Sẽ nghỉ học để đi kinh doanh. Sau tuyên bố “động trời” này, Việt đã đứng ra lập công ty VIETgo – kinh doanh các mặt hàng thủ công, với nguyên liệu chính từ… gỗ vụn.

Nhìn vẻ mặt còn đầy chất sinh viên của Việt, ít ai nghĩ rằng anh đang là chủ nhân của một doanh nghiệp có doanh thu trên 20 tỷ đồng/năm. Cả bố và mẹ đều là công nhân nghèo nên đối với Việt, việc theo các khóa học là khá vất vả. Thương bố mẹ, Việt “nai lưng” ra kiếm tiền.

Còn bạn bè cùng trang lứa với Việt thì cho rằng: anh có tố chất kinh doanh. Bằng chứng chính là những hoạt động “kinh doanh” của Việt từ thời còn là cậu học sinh trường PTTH Việt Đức. Thời đó, anh đã đi thu lượm những mẩu gỗ vụn để chế thành vòng đeo tay, đeo cổ có khắc tên các ban nhạc nổi tiếng lúc bấy giờ như: Backstreet Boys, BoyZone… để bán cho các bạn học kiếm tiền phụ giúp thêm gia đình.

Một trong những sản phẩm của Vietgo

Nhận thấy nhu cầu cao của giới trẻ về mặt hàng này, Việt đã một mình với chiếc xe đạp đến các cửa hàng lưu niệm ở Hà Nội để gửi hàng. Sau những chuỗi ngày cực nhọc là một kết quả hết sức bất ngờ với không chỉ Việt và người thân của anh: sản phẩm do Việt làm ra đến đâu bán hết đến đó, thậm chí còn không đủ để bán. Và lúc đó, Việt đã quyết định mở xưởng sản xuất để đáp ứng cơn “khát” hàng của thị trường. Từ đó, cái tên Việt “gỗ” đã khá nổi trong lĩnh vực buôn bán, chế tác các mặt hàng trang trí, lưu niệm từ gỗ. Mỗi tháng, riêng mặt hàng vòng đeo cổ và đeo tay, VIETgo cho xuất xưởng khoảng gần 10.000 sản phẩm, mỗi vòng giá khoảng từ 2,5 – 3 USD.

Hiện nay, VIETgo đang mở rộng ra kinh doanh trong các lĩnh vực khác: như nông sản, thủ công mỹ nghệ, mùn cưa… VIETgo đã được các đối tác trong và ngoài nước đặt quan hệ bạn hàng lâu dài, thường xuyên. Những sản phẩm này đã được xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới, như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản…

VIETgo – cái tên “mua triệu đô cũng không bán”…

Lý giải câu hỏi tại sao các sản phẩm của VIETgo lại nhanh chóng tìm được các bạn hàng lớn trên thế giới đến vậy, VIETgo cho rằng đó một phần nhờ vào cái tên “bắt mắt” và “bắt nghĩ”: VIETgo. “Việt” vừa có nghĩa là tên của chủ nhân công ty này, vừa là một cái tên mang hàm nghĩa xuất xứ của sản phẩm (từ Việt Nam). Còn “go”, vừa có nghĩa là gỗ – mặt hàng kinh doanh chính của công ty, còn theo tiếng Anh, nó mang ý nghĩa là đi, chỉ hành động đi lên phía trước. Việt “gỗ” tự hào rằng: “Nếu có đại gia nào trả giá cái tên VIETgo cả triệu đô thì tôi cũng không bán”.

Có lẽ cũng chính vì cái tên ấn tượng và được kết hợp bởi việc ứng dụng thương mại điện tử một cách có hiệu quả nên thương hiệu VIETgo đã “xứng danh anh hùng” trên các website thương mại điện tử. Và hiện nay, giao dịch chính của VIETgo được thực hiện theo phương thức này. Tuy nhiên, để có kinh nghiệm làm thương mại điện tử, Việt đã phải trải qua không ít chuyện dở khóc dở cười. Thời điểm ban đầu, cứ thấy website nào liên quan đến lĩnh vực của mình là Việt gửi thư chào hàng, nhưng thư gửi thì nhiều mà phản hồi chẳng được bao nhiêu. Mãi sau đó ông chủ trẻ mới biết một lý do rất đơn giản khiến thư của anh không đến nơi cần đến, đó là ở mỗi nước google có một cái “đuôi” khác nhau (.uk; .vn; .fr…).

Đó là chuyện của những ngày đầu, bây giờ các sản phẩm của VIETgo hiện đang được giới thiệu trên khoảng 500 trang web mua bán lớn của thế giới như: http://www.ebay.com/, http://www.alibaba.com/,… Trung bình mỗi ngày VIETgo nhận được từ 300 – 1.000 email muốn tìm hiểu các sản phẩm của công ty, trong đó khoảng 5% các email được “hiện thực hoá” bằng các thương vụ lớn. Công ty vừa ký thành công một hợp đồng lớn với công ty KANTHAKA Inc của Tây Ban Nha, lô hàng thủ công mỹ nghệ trị giá 206.000 USD (khoảng 3,3 tỷ đồng Việt Nam).

Việt “gỗ” cho biết, chỉ trong vài tháng nữa, VIETgo sẽ nâng cấp hoàn chỉnh trang web http://www.vietgo.com.vn thành một sàn giao dịch thương mại điện tử. Xa hơn nữa là những hoạt động xúc tiến du lịch do chính doanh nghiệp này đang lên kế hoạch thực hiện. Lúc đó, VIETgo sẽ thay mặt các công ty trong nước tìm kiếm các đối tác ở nước ngoài, và thay mặt các công ty nước ngoài tìm đối tác tại Việt Nam muốn kinh doanh trong những lĩnh vực trên. Hiện tại, công ty đang liên kết với một ngân hàng của Thụy Điển để tiến hành xây dựng hình thức thanh toán trực tuyến. “VIETgo đang tham vọng trở thành website đầu tiên triển khai hình thức này tại Việt Nam” – Nguyễn Tuấn Việt tâm sự.

Theo VietnamnetJob

Cùng chuyên mục