(Hiếu học). Kỹ năng xã hội phản ánh khả năng làm việc của chúng ta với người khác, mục đích là để tăng cường các mối quan hệ làm việc lâu dài. Và để rèn luyện kỹ năng xã hội này thì kinh nghiệm sống, vốn sống xã hội cần phải sớm được gây dựng, vun trồng.
Vốn sống xã hội đối với mỗi người là các mối quan hệ xã hội gây dựng trên sự tin tưởng và có tính liên kết chặt chẽ mà người đó có được. Ví như, một người nói rằng danh sách bạn bè của mình có hơn trăm người, nhưng có khi cả năm không ai nói chuyện với nhau thì đó không phải là những mối quan hệ bền vững. Trong khi, một người khác chỉ có mươi người bạn, nhưng lại thường xuyên nói chuyện, hỏi thăm, trao đổi thư từ, gặp gỡ…thì rõ ràng là vốn xã hội của người này lớn hơn nhiều.
Giàu vốn xã hội hay nói cách khác là giàu các mối quan hệ xã hội dựa trên sự tin tưởng, tích cực và bền chặt. Nó có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các cá nhân hạnh phúc và thành công hơn trong cuộc sống. Ví dụ đơn giản, khi bạn cần mua một máy tính xách tay chẳng hạn. Nếu bạn có một người bạn làm trong nghề buôn bán laptop hay am hiểu máy tính; bạn biết người này rất rõ và tin tưởng họ, thì bạn hoàn toàn có thể nhờ người này tư vấn để mua mà khỏi cần tìm hiểu các nguồn thông tin trên mạng rất mất thời gian.
Khi xin việc cũng vậy. Có rất nhiều công việc “ngon lành” không được đăng tải chính thức trên các phương tiện truyền thông (hoặc nếu có thì thời hạn cũng rất ngắn), thường lại truyền miệng trong nội bộ từ rất sớm. Do đó, rất nhiều người tìm được việc qua bạn bè giới thiệu, và thực tế cũng cho thấy tỉ lệ hài lòng với công việc cao hơn, tỉ lệ bỏ việc thấp hơn trong nhóm những người xin việc qua các mối quan hệ cá nhân như thế này.
Có rất nhiều ích lợi thực tế từ vốn sống xã hội, nhưng đó phải là những quan hệ xã hội “lành mạnh”. Chính sự thân thiện trong quan hệ xã hội sẽ giúp mỗi cá nhân nâng cao sự tự tin, gây dựng lòng tin nơi những người xung quanh… Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cho biết: Con người ít bạn bè và sống xa cách gia đình thường có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn người bình thường. Trong khi tăng cường giao tiếp với cộng đồng sẽ giúp bạn giảm bớt sự cô đơn và hài lòng hơn về cuộc sống.
Vì vậy, gây dựng vốn xã hội rất quan trọng trong thành công của mỗi cá nhân cũng như xã hội nói chung. Và để rèn luyện kỹ năng xã hội này thì kinh nghiệm sống, vốn sống xã hội cần phải sớm được vun trồng từ những hoạt động thường nhật trong cuộc sống chung quanh, ngay từ bây giờ ở môi trường học đường.
Các bạn hãy tham gia thường xuyên và gây dựng vốn xã hội cho mình để chuẩn bị vào đời. Cụ thể như:
– Sắp xếp thời gian học để có thể đi làm thêm.
– Thường xuyên gọi điện hỏi thăm bạn bè và người thân ở xa.
– Giúp đỡ mọi người mọi lúc mọi nơi nếu có thể, và giúp đỡ một cách chân thành.
– Tổ chức các buổi họp mặt với bạn bè hay người thân và sẵn sàng tham dự khi được mời.
– Không chỉ chào hỏi khi gặp người quen mà cũng hãy chào hỏi những người “ít quen” khi đi trên phố, trong thang máy…
– Đi bộ hoặc đi xe đạp để ủng hộ một hoạt động nào đó và rủ mọi người cùng tham gia.
– Tình nguyện đưa đón giúp một người nào đó.
– Tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, công tác hè, công tác xã hội, hiến máu Nhân đạo v.v…
Chúc các bạn luôn vui – khỏe và nhiều ước mơ cao đẹp.
Gia Nghi tổng hợp/(hieuhoc_hieuhoc.com).