“Để tham gia các dự án từ các tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp phải lựa chọn và chứng minh dự án phù hợp với yêu cầu và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Phải biết kiên nhẫn, biết chọn những thế mạnh phù hợp với xu hướng hiện đại để thuyết phục các nhà tài trợ”
VNG được tài trợ 8,5 tỉ đồng xây dựng Điện toán đám mây
Công ty CP Tập đoàn Vina (VNG) và Cơ quan Phát triển thương mại Mỹ (USTDA) vừa ký kết dự án triển khai dự án xây dựng hệ thống Điện toán đám mây (Cloud computing) tại trung tâm dữ liệu Vinadata, thuộc Công ty VNG.
Theo đó, VNG được USTDA tài trợ 402.675 USD (tương đương 8,5 tỉ đồng) dưới hình thức đầu tư không hoàn lại. Dự án sẽ giúp Vinadata, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ nâng cao hiệu quả hoạt động và hỗ trợ khách hàng tiết kiệm chi phí thông qua sử dụng dịch vụ dữ liệu. Dự án được triển khai trên 3.000 máy chủ tại Vinadata; thời gian lắp đặt hệ thống sẽ diễn ra trong khoảng 2 tháng trước khi được đưa vào sử dụng chính thức và cung cấp dịch vụ.
Muốn có nguồn vốn tài trợ, phải chứng minh năng lực và biết… kiên nhẫn
Theo nguyên tắc của USTDA, nguồn vốn trên không chuyển trực tiếp cho VNG mà chuyển cho công ty tư vấn của Mỹ. Công ty này cử chuyên gia sang Việt Nam để chuyển giao công nghệ cho VNG, từ việc lựa chọn địa điểm, cho đến giải pháp kỹ thuật (kết nối hệ thống), chọn thiết bị, tiếp thị, khai thác dịch vụ…
Số tiền trên là một khoản tiền lớn trong điều kiện doanh nghiệp đang thiếu vốn như hiện nay. Để nhận được nguồn vốn trên, doanh nghiệp không chỉ chứng minh được năng lực mà còn hội đủ nhiều yếu tố khác.
Tháng 5.2010, tại một hội thảo về công nghệ điện toán đám mây do IDG Ventures Vietnam tổ chức, đại diên VNG được biết chính sách tư vấn công nghệ của USTDA với các doanh nghiêp công nghê thông tin. Theo lời ông Nguyễn Hoành Tiên, phó tổng giám đốc VNG, trước đó, VNG đã có kế hoạch phát triển dịch vụ điện toán đám mây dựa trên khả năng của mình để cung cấp dịch vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung internet ở Việt Nam. “Qua trao đổi, chúng tôi nhận thấy năng lực của công ty sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của USTDA. Khoản tài trợ này, nếu được, sẽ giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm xây dựng và vận hành trung tâm cơ sở dữ liệu theo công nghệ điện toán đám mây”, ông Tiên chia sẻ. Tự tin, VNG quyết định lập hồ sơ để nhận nguồn tài trợ này. Cũng cần nói thêm, VNG là doanh nghiêp có “nhiều kinh nghiệm” trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ thông qua nhiều dự án do chính doanh nghiêp đề xuất. Sau quá trình làm việc gần mười tháng, hồ sơ của VNG đã được USTDA chấp nhận.
Với USTDA, mục tiêu tài trợ những dự án như dự án cho VNG nhằm phát triển quan hệ thương mại với Hoa Kỳ cũng như giúp phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuât cho chính quốc gia mà họ tài trợ. Công ty và các chuyên gia tư vấn cũng như các công nghệ ưu tiên chọn là của Hoa Kỳ. Theo lời ông Tiên, không hề có sự trao đổi về quyền lợi khi trung tâm đi vào hoạt động. “Họ không có điều kiện nào cả khi chọn dự án để tài trợ. Khi làm việc với USTDA, chúng tôi thuyêt phục họ rằng: tài trợ cho VNG không chỉ giúp phát triển cơ sở hạ tầng cho internet ở Việt Nam mà còn giúp USTDA hiểu hơn về ứng dụng của điện toán đám mây ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam”, ông Tiên giải thích thêm.
Ông Tiên cho rằng, để tham gia các dự án từ các tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp phải lựa chọn và chứng minh dự án phù hợp với yêu cầu và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. “Phải biết kiên nhẫn, biêt chọn những thế mạnh phù hợp với xu hướng hiện đại để thuyêt phục các nhà tài trợ”, ông Tiên chia sẻ kinh nghiệm.
* Điện toán đám mây: Điện toán máy chủ ảo hay điện toán đám mây (cloud computing) là một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó các tài nguyên điện toán được ảo hóa và được truy nhập đến như là một dịch vụ. Cloud computing thể hiện một mô hình công nghệ xanh nhờ việc cắt giảm mức tiêu thụ điện năng thông qua sử dụng các tài nguyên điện toán có hiệu quả cao hơn. Điện toán đám mây đang được phát động bởi nhiều nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến, trong đó có Amazon, Google, DataSynapse và Salesforce, cũng như những nhà cung cấp phần cứng máy chủ như Sun Microsystems, HP, IBM, Intel, Cisco và Microsoft. Công nghệ này đang được các tập đoàn lớn trên thế giới như General Electric, L’Oréal, Procter & Gamble và Valeo chấp nhận và sử dụng.
Nguồn: SGTT.VN