Từng được chính ngài tổng lãnh sự Úc đề nghị làm trợ lý khi chưa kết thúc thực tập. Nhưng cô gái ấy đã chọn con đường riêng và trở thành giám đốc phát triển thương mại của Văn phòng thương vụ Úc khi mới 22 tuổi.
Sinh năm 1986, là dân chuyên văn, học khoa báo chí Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM một thời gian ngắn rồi theo ngành cử nhân thương mại Trường ĐH RMIT.
Từng được chính ngài tổng lãnh sự Úc đề nghị làm trợ lý khi chưa kết thúc thực tập. Nhưng cô gái ấy đã chọn con đường riêng và trở thành giám đốc phát triển thương mại của Văn phòng thương vụ Úc khi mới 22 tuổi.
Đó là Trần Thị Thúy Trang – giám đốc phát triển thương mại trẻ nhất của Thương vụ Úc tại VN, và là một trong những gương mặt trẻ nhất trong hệ thống của Thương vụ Úc với hơn 100 văn phòng trên 55 quốc gia.
Sau hai năm làm giám đốc phát triển thương mại phụ trách lĩnh vực công nghiệp trọng điểm và công nghệ thông tin, cô gái 24 tuổi ấy đã tự tin hơn khi thuyết trình trước đồng nghiệp và đối tác trong những cuộc hội nghị, hội thảo, triển lãm và cả những cuộc họp đa quốc gia hằng tuần.
Trẻ quá!
Nhiều đồng nghiệp và đối tác thốt lên ngạc nhiên như thế khi mới gặp Trang. Giám đốc phát triển thương mại người Thái Lan nói vui: “Cô bé này bằng tuổi con gái út tôi đấy”. Cũng vì lý do này, Trang được gọi là “baby” trong khối phụ trách ngành công nghệ thông tin ở khu vực Đông Nam Á của Thương vụ Úc. Trang bật cười, thẳng thắn: “Yếu tố tuổi tác lại giúp tôi có được sự quan tâm, hướng dẫn và hỗ trợ từ các đồng nghiệp dày dạn kinh nghiệm”.
Để được tuyển dụng, Trang đã trải qua gần hai tháng với nhiều cuộc phỏng vấn và thi viết. Trang chia sẻ: “Trong những cuộc phỏng vấn đôi lúc rất căng thẳng, bên cạnh việc PR về bản thân và khả năng dám nghĩ dám làm, tôi cũng thẳng thắn chia sẻ những khuyết điểm và khó khăn của một người trẻ khi đảm nhận một trách nhiệm lớn. Tôi cũng đặt câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng: giả sử nhận một người trẻ như tôi thì công ty sẽ được lợi gì, tôi sẽ được hỗ trợ và đào tạo như thế nào…”.
Làm gì để “sống sót”?
Khi biết mình đậu, Trang mất một ngày để trải nghiệm cảm giác bất ngờ đến ngỡ ngàng và sung sướng. Nhưng sang ngày thứ hai thì phải suy nghĩ về kế hoạch… làm gì để “sống sót”. Trang kể: “Những ngày đầu bắt tay vào công việc, mọi thứ như một tờ giấy trắng. Phải nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc và định hình công việc. Tầm vĩ mô của công việc quá lớn. Đặc biệt, công nghệ thông tin là một ngành mới mà phía Úc muốn đẩy mạnh phát triển và hợp tác tại VN”.
Những tháng đầu tiên, Trang thường xuyên trong tình trạng căng thẳng. Công việc hằng ngày của Trang là viết báo cáo và nghiên cứu cho các công ty Úc về thị trường mà họ quan tâm. Trang kể: “Thử tưởng tượng bỗng dưng một ngày bạn bị “ném” vô một nhóm các giám đốc phát triển thương mại phụ trách công nghiệp trọng điểm và công nghệ thông tin của Thương vụ Úc ở Đông Nam Á, toàn nói về tầm vĩ mô, tầm quốc gia”.
Làm cách nào để vượt qua những ngày tháng “kinh hoàng” đó?
Trang khẳng định: “Tôi lắng nghe, quan sát và chủ động học hỏi kinh nghiệm làm việc, cách thức làm việc giữa Úc và VN từ những đồng nghiệp là giám đốc phát triển thương mại phụ trách các ngành khác. Trong những lần đi nước ngoài công tác, tôi cố gắng học hỏi những đồng nghiệp, đối tác và những doanh nhân thành đạt, nổi tiếng”.
Đến bây giờ Trang vẫn khẳng định: “Công việc và vị trí mình đang đảm nhận không dễ dàng, nhiều thử thách, dễ gây stress, mệt mỏi nhưng thú vị. Tôi có nhiều cơ hội gặp những người rất đặc biệt. Điều đó càng đòi hỏi mình phải trưởng thành hơn, nhiều vốn sống hơn và trau giồi kiến thức nhiều hơn”.
Theo: (Nhipsongtre/TTO)