“Tôi chỉ là một con kiến nhỏ, đi từ từ từng bước một, từ một cơ sở nhỏ thành một nhà máy vừa, rồi một nhà máy lớn hơn. Không có kế hoạch kinh doanh, không có ý định thành lập công ty, cũng chẳng biết quản lý, tiếp thị, không biết ngày mai ai sẽ đặt hàng…, nhưng liên tục hai mươi năm qua, chưa bao giờ công ty phải đóng cửa và nhân viên chưa ai được thảnh thơi ngơi nghỉ”.
Đó là những chia sẻ mộc mạc của ông Nguyễn Tường Linh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Việt, tại buổi lễ ra mắt Phòng thử nghiệm cơ lý cao su của Công ty đã khiến tôi tìm gặp ông…
Vừa bước chân vào sảnh tiếp tân của Công ty, tôi hoàn toàn bất ngờ vì từ cách trưng bày, thiết kế đến các vật dụng, màu sắc sử dụng ở đây đều giống hệt một nơi giải trí: bên trái quầy tiếp tân là những bộ bàn ghế đủ màu, trên tường treo rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, vừa ảnh chụp, vừa tranh vẽ, dọc hai bên tường là cây xanh, hoa kiểng, và còn có cả tiếng nhạc êm dịu…
Thấy tôi chăm chú quan sát, ông Linh hỏi: “Chị ngạc nhiên vì chưa thấy công ty nào có cách bài trí vui mắt như ở đây, đúng không? Đó là vì tôi muốn tạo cho nhân viên một không gian làm việc thoải mái, thư giãn, để họ cảm thấy gần gũi như ở nhà”.
* Theo ông, tinh thần thoải mái sẽ quyết định bao nhiêu phần trăm sự gắn bó của nhân viên đối với công ty?
– Gần như 100%. Thử so sánh, ở những công ty khác nhau nhưng chế độ lương, thưởng, cơ hội thăng tiến, học hỏi như nhau thì rõ ràng nơi nào có môi trường làm việc tốt, thoải mái sẽ giữ chân được nhân viên. Thậm chí, có những nơi tuy lương bổng thấp, ít cơ hội thăng tiến, nhưng nhân viên vẫn gắn bó vì họ yêu thích không khí làm việc thân thiện, cởi mở mà họ đã thân quen.
Như ở Cao su Việt, chúng tôi mang đến sự thoải mái cho nhân viên không chỉ bằng cảnh quan, bằng không gian thư giãn, mà còn bằng môi trường làm việc bình đẳng, tôn trọng nhau, có chế độ ưu đãi, cách đối xử chan hòa giữa lãnh đạo với nhân viên và giữa nhân viên với nhau. Chính vì thế mà hầu hết nhân viên ở đây đều có thâm niên làm việc lâu năm.
* Nhìn cơ ngơi khang trang, quy mô hoạt động nề nếp, quy củ với hơn 200 nhân viên, không ai nói người đầu tàu của Cao su Việt không “biết làm”, nhưng cớ sao ông luôn phủ nhận mình biết kinh doanh?
– Cho đến bây giờ tôi vẫn không cho mình là doanh nhân hay người kinh doanh. Tôi chỉ là một người làm kỹ thuật, đam mê nghiên cứu kỹ thuật. Tất cả những gì tôi làm hôm nay đều là tự nhiên, cái gì đến thì sẽ đến chứ không nằm trong chủ đích, kế hoạch gì cả.
Tốt nghiệp đại học ngành hóa lý, Đại học Tổng hợp TP.HCM, tôi về làm việc ở Nhà máy Chế biến cao su Biên Hòa, sau đó chuyển sang nhà máy sản xuất vỏ, ruột xe. Khi nhà máy gặp khó khăn, không có việc gì làm nên tôi kêu gọi một số bạn bè góp vốn mở xưởng sản xuất ruột xe, và tôi được giao trách nhiệm đầu tàu.
Tuy sản xuất rất dè chừng và thận trọng, nhưng không ngờ sau ba năm, xưởng của chúng tôi phát triển rất mạnh vì mặt hàng này bán rất chạy. Giữa lúc đó, nhà máy xảy ra một vụ trộm, có một số người cho đây là vụ trộm giả do chúng tôi dàn dựng. Sau khi công an điều tra và kết luận đó là vụ trộm thật, dù đã được minh oan nhưng tôi vẫn thấy buồn, lòng tự trọng và danh dự bị tổn thương nên quyết định xin nghỉ.
Để mưu sinh, tôi đã trải qua nhiều công việc và cuối cùng gắn bó với nghề này. Ban đầu làm chỉ để sống, để có một việc làm như mọi người, hễ cần cái gì thì phát triển cái đó, từ 5 nhân viên tăng lên 10, từ 10 lên 15, từ một dàn máy lên hai dàn, từ một nhà xưởng phát triển thành ba, bốn…
Cứ thế, theo công việc dẫn dắt mà đi lên, ngoài dự định và suy nghĩ. Đến một ngày nhìn lại, nghe ai đó gọi mình là doanh nhân, là nhà kinh doanh, tôi thấy không phù hợp chút nào vì kinh doanh mà không hề có chủ đích, không hề có khái niệm kinh doanh.
* Nói như ông, có vẻ Cao su Việt đã gặp may mắn?
– Cũng nhiều sóng gió và vất vả lắm. Trước khi bén duyên với Cao su Việt tôi cũng từng trải nghiệm thất bại. Rời công ty sản xuất ruột xe, một lần nữa tôi loay hoay không biết làm gì và chọn nghề nào để mưu sinh. Thấy chủ một lò gạch chỉ là một phụ nữ mới học tới lớp Ba nhưng kinh doanh rất giỏi, tôi nghĩ mình có chữ, có sức khỏe, lại cần cù, nên chắc cũng sẽ làm được như người phụ nữa đó, hoặc ít ra cũng đủ sống.
Thế là tôi kêu gọi bạn bè, người thân giúp vốn, nhưng chỉ ba năm sau, lò gạch của tôi bị phá sản. Thì ra, không phải cứ thấy người khác làm được là mình cũng làm được. Dù có chữ, có sức, nhưng không làm đúng sở trường của mình, không am hiểu nghề thì dẫu là nghề thủ công cũng khó làm nên cơ sự.
Từ thất bại đó, tôi quyết định trở về nghề nghiên cứu cao su. Qua một chủ cơ sở sản xuất tăm, đũa xuất khẩu, tôi biết ngành này rất cần dây curoa nhưng nguồn cung cấp lại rất ít, vậy là tôi rủ một người bạn mở xưởng sản xuất.
Gọi là xưởng nhưng thực chất đó chỉ là một ngôi nhà lá ở phường Trảng Dài (Biên Hòa), nơi thưa thớt dân cư và heo hút, chưa có điện, nước nên tôi phải sử dụng than làm nhiên liệu. Công nhân cũng toàn người ít học, hoặc không biết chữ, do đó tôi phải vừa dạy nghề, vừa dạy chữ cho họ.
* Nếu không chủ đích làm kinh doanh, tại sao đang sản xuất dây curoa khá ổn định, ông lại với tay sang ngành sản xuất cao su kỹ thuật – lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật và sự nghiên cứu phức tạp hơn rất nhiều, thưa ông?
– Khi nảy sinh ý định sản xuất phụ tùng cao su, mục đích của tôi không phải là kinh doanh, mà muốn tìm tòi, nghiên cứu là chính. Dù khá vất vả, khó khăn trong việc tiếp cận các nhà máy (do tôi không có danh thiếp, catalogue, cũng chẳng ai biết công ty mình), nhưng tôi không nản.
Ngay cả khi có được đơn hàng, tôi cũng không đặt nặng vấn đề tiền bạc, mà thỏa thuận chỉ khi nào làm được, thiết bị thay thế hoạt động ổn định, phù hợp với các thiết bị khác mới thì mới lấy tiền.
Phải nói rằng sản xuất cao su kỹ thuật là một ngành rất khó, vì mỗi sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm khác nhau, không cái nào giống cái nào, không có một công thức chung. Chưa kể, mỗi sản phẩm thường phải làm đi làm lại vài ba lần mới có thể sử dụng được.
Rồi mỗi lần giao hàng xong thì vẫn phập phồng lo lắng, chỉ một tiếng chuông điện thoại reo cũng đủ thót tim. Nhớ lần đầu tiên được Nhà máy Giấy Nhất Huê ở Châu Thới (Biên Hòa) giao thay thế một cái trục cao su trong dây chuyền sản xuất giấy, tôi vừa mừng, vừa lo. Miệt mài nghiên cứu cả tuần lễ, có những đêm thức trắng, vậy mà buổi sáng mới giao hàng, buổi trưa khách đã trả lại vì không dùng được.
Ba lần hì hụi làm lại cũng vẫn không xong. Đến lần thứ tư, tôi ngượng quá, không dám đến Nhà máy ban ngày, mà phải đợi đến tối, khi nhân viên về hết mới dám đến lấy sản phẩm của mình về. Ông giám đốc Nhà máy lúc đó thật tốt bụng, không những động viên tôi, ông còn tạo điều kiện để tôi được tiếp tục nghiên cứu.
Và đến lần thứ năm tôi mới thành công. Cũng nhờ trải qua nhiều thất bại, va vấp, tôi mới thấm thía: chỉ những người đi trên đôi chân của mình khi vấp ngã mới biết đau như thế nào.
Để hạn chế tổn thất cho cả mình và khách hàng, đồng thời sản phẩm làm ra đạt độ tin cậy, chính xác, tôi quyết tâm phải xây dựng một phòng thử nghiệm cơ lý cao su hợp chuẩn ISO/IEC 17025:2005. Nhưng do kinh phí quá lớn nên tôi phải chuẩn bị khá lâu và mới đây phòng thử nghiệm mới được hoàn thành, bắt đầu hoạt động.
* Khó vậy nên ngành này có vẻ “dễ thở” vì không có nhiều đối thủ cạnh tranh?
– Ngược lại, cạnh tranh cũng rất khốc liệt: vừa cạnh tranh về chất xám, kỹ thuật, vừa cạnh tranh về thị trường, nhất là giữa các công ty lớn có nhiều ưu thế về tên tuổi, nguồn vốn.
Cách đây khoảng hai năm, chúng tôi bị một công ty lớn đánh trực diện, toàn bộ khách hàng của chúng tôi bị công ty này chiếm hết. Lúc đó, tôi bắt đầu hiểu ra thế nào là cạnh tranh và cũng hoang mang về cách làm của mình.
Tôi đã nghĩ đến việc quảng cáo, tiếp thị nhưng sau nhiều đêm cân nhắc, tôi lại nghĩ, nếu mình dùng quảng cáo, tiếp thị để thu hút khách hàng mà không có thực lực thì cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Còn nếu dùng mọi cách không tốt để tranh giành khách hàng thì cũng không bền, bởi doanh nghiệp chỉ trụ vững khi có đủ sức mạnh nội lực.
Muốn cạnh tranh bền bỉ, lâu dài thì phải tự tạo cho mình khả năng và khả năng đó phải luôn được hoàn thiện để chu toàn từng sản phẩm cho khách hàng.
Với quan niệm sức nhỏ làm việc nhỏ, tôi chọn hướng đi khác, cách làm khác, đó là chú trọng đến những thị phần nhỏ, tìm đến những khách hàng nhỏ, nhận làm những công việc nhỏ mà các công ty lớn không làm.
* Nhưng thị phần nhỏ thì có nhiều công ty nhỏ cũng dòm ngó…
– Chính vì vậy mình phải phục vụ nhiệt tình, tận tụy, làm sao cho khách hàng tin tưởng, thấy được nhân viên của Cao su Việt chịu khó, ham tìm tòi, sáng tạo và “dễ thương”. Song, quan trọng nhất là không được tự mãn, tỏ ra hài lòng với sản phẩm đã làm được, mà phải luôn cải thiện, chăm chút từng sản phẩm làm cho khách hàng.
Chẳng hạn, hiện nay, chúng tôi sản xuất băng cao su ép cá cho nhiều doanh nghiệp ngành ép chả cá của Hàn Quốc với số lượng rất lớn. Dù khách hàng hài lòng và cho biết chất lượng sản phẩm của chúng tôi ổn định hơn sản phẩm ngoại nhập, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cải tiến sản phẩm để băng cao su lâu mòn hơn, sử dụng được cho nhiều tấn cá hơn.
* Cách làm khá phổ biến của nhiều doanh nghiệp là khi chưa phát triển lớn mạnh thì cái gì cũng nhận làm, nhưng khi đã đủ tầm cỡ rồi thì chỉ chọn làm một vài sản phẩm. Ông lại không làm vậy, ai đưa gì làm nấy, kể cả khi Công ty đã có rất nhiều đơn hàng. Vậy bao giờ Cao su Việt mới thay đổi cách làm, thưa ông?
– Đúng là cái gì tôi cũng nhận làm. Bạn bè tôi thường góp ý: “Làm như anh cực quá. Tại sao không nhập dây chuyền tự động, chọn những sản phẩm có thể sản xuất hàng loạt, có lợi nhuận cao hơn mà lại ít cực”.
Nhưng tôi không thích, vì sự hoàn thiện mới là cái mà tôi theo đuổi. Dĩ nhiên, ở đời không có sự hoàn thiện tuyệt đối, có cái ngày hôm nay vừa tròn thì mai lại méo, nên mình cứ phải làm hoài, theo hoài, như một cuộc chơi đầy bí ẩn và nhiều khám phá. Hơn nữa, chọn con đường khó cũng là cách giải tỏa cạnh tranh.
* Thế thì lĩnh vực ông làm phải lao tâm khổ tứ và vất vả quá, nếu cho làm lại, ông có chọn nghề khác?
– Không. Tôi vẫn thường nói đùa: Nếu chết đi, sống lại tôi vẫn theo nghề này vì tuy cực mà vui. Bởi ngày nào cũng có những sản phẩm lần đầu tiên được thấy, lần đầu tiên được làm ra, mỗi sản phẩm đều có sự khác biệt, luôn đòi hỏi sự tính toán, tìm tòi cách làm mới.
Thậm chí, có những bài toán kỹ thuật rất khó, khi giải được ai cũng òa vỡ niềm vui, sự phấn khích. Thú vị nhất là khi thấy khách hàng hài lòng, đó là phần thưởng lớn nhất khiến chúng tôi cứ mải mê theo đuổi nghề như trẻ em đuổi theo con bướm nhiều màu sắc bí ẩn.
* Hôm trước, tại buổi lễ ra mắt phòng thử nghiệm, tôi nghe người bạn thân nhất của ông, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, nói rằng, ông là cứu tinh của nhiều doanh nghiệp, Ông nghĩ thế nào về lời nhận xét này?
– Nghe “lớn lao” quá, nhưng đúng là công việc của ngành chúng tôi là vậy. Trong quá trình sản xuất, nếu một chiếc roan, một chi tiết bằng cao su bị hỏng thì doanh nghiệp phải ngưng hoạt động cả một dây chuyền, chờ đợi nhập thiết bị thay thế từ nước ngoài rất lâu.
Vì vậy, nếu không có những người chịu khó nghiên cứu, tìm tòi để sản xuất nhằm đáp ứng ngay nhu cầu của doanh nghiệp thì họ sẽ bị tổn thất rất nhiều.
* Nghe nói Cao su Việt đang có nhiều cơ hội làm hàng xuất khẩu, hoặc gia công cho các công ty lớn, nhưng ông vẫn cương quyết không đi theo cách làm này?
– Như đã nói, tôi không có chủ trương phát triển lớn, không chạy theo doanh số, không mở nhiều nhà xưởng. Tất cả những gì tôi đang làm chỉ là công việc của một người nghiên cứu, làm kỹ thuật, đáp ứng và giải quyết cho doanh nghiệp những cái họ cần, mang lại cho họ sự hữu dụng, giống như một thầy thuốc chữa bệnh, một người vẽ tranh nhưng không phải để bán.
Hơn nữa, xét về năng lực, chúng tôi cũng chưa đủ khả năng vì khi xuất khẩu đòi hỏi phải làm số lượng lớn trong thời gian rất gấp, điều này dễ tạo áp lực, sự mệt mỏi cho nhân viên.
Trong khi đó, thị trường cao su thay thế còn rất nhiều khoảng trống, nhiều doanh nghiệp hư hỏng thiết bị đặt hàng mình còn làm không kịp, tại sao lại phải xuất khẩu, tại sao không đi chuyên sâu, không làm theo lời dạy của ông bà “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, mà lại nhảy sang làm chuyện khác.
* Một kỷ niệm hạnh phúc trong công việc mà ông nhớ nhất?
– Có một công ty nhận sản xuất một phụ tùng thay thế cho một công ty giấy với giá 1.400USD, nhưng khi qua Cao su Việt, giá thành chúng tôi đưa ra chỉ khoảng 9 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tường Linh và con gái Nguyễn Liên Hương – Giám đốc Công ty Cao su Việt
Sau đó, công ty kia cũng sẵn sàng giảm giá bằng chúng tôi, nhưng cuối cùng công ty giấy vẫn tin tưởng chọn chúng tôi và bây giờ trở thành khách hàng rất thân thiết của Cao su Việt.
* Hôm đến Công ty, tôi thấy nhiều nhân viên chăm chú đọc sách trong thư viện vào giờ nghỉ, một việc rất hiếm thấy ở các công ty khác. Bằng cách nào ông có thể khuyến khích họ đọc sách?
– Tôi khuyến khích nhân viên đọc sách bằng việc lập một thư viện khang trang. Sau đó đề nghị nhân viên đăng ký, ai thích đọc sách gì, Công ty sẽ mua. Để làm gương cho nhân viên, tôi phải là người thích đọc sách.
Tôi đọc tất cả các loại sách: quản trị, kỹ thuật, kinh tế, lịch sử, kể cả tiểu thuyết để con người làm kỹ thuật vốn khô khan sẽ phần nào mềm mại hơn, tâm hồn phong phú hơn, bớt cố chấp, bao dung hơn.
Tuy nhiên, quan điểm của tôi là đọc sách để mở mang kiến thức, chứ không nên làm theo sách, mà phải sáng tạo, vì thực tế và sách không giống nhau, chỉ dựa vào sách để tìm ra cách làm mới.
Ngay cả khi chuẩn bị cho con gái kế nghiệp, tôi cũng không yêu cầu con phải làm theo cách của tôi, mà khuyến khích con tự tìm ra cách của riêng mình, nên không truyền lại cho con bất cứ điều gì ngoài tấm lòng.
* Thú vui của ông là thích chụp hình. Vì sao thế ạ?
– Tôi thích chụp ảnh và coi đó như một cách giải tỏa căng thẳng, nhưng lâu dần đam mê và “nghiện” lúc nào không hay, bởi không chỉ ghi lại những hình ảnh và khoảnh khắc độc đáo, tôi còn ngẫm ra được nhiều triết lý về cuộc sống khá thú vị. Thường trước khi chụp hình, tôi nhìn sự vật, liên tưởng đến một triết lý nào đó trong cuộc sống.
Ví dụ khi nhìn cái phễu nhựa (ở tấm che nắng xe hơi) dán vào kính xe, tôi nghĩ, cái gì giúp phễu dính chặt vào kính, do kính hút phễu hay phễu hút kính? Câu trả lời là do mối quan hệ chân không.
Chính mối quan hệ đó tạo ra sức hút và con người sống ở đời cũng cần phải có mối quan hệ như thế. Hoặc khi nhìn những sản phẩm cao su, tôi thấy có những nét rất giống con người, cũng mềm mại, bền bỉ, đối kháng, có sức bật rất lớn và có tính đàn hồi. Từ nhận xét này tôi ngẫm nghĩ, nếu ứng xử mềm dẻo với nhân viên thì sẽ tạo sức bật cho họ và giúp họ làm việc tốt hơn.
* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ rất chân tình và thú vị.
Theo: Ông Nguyễn Tường Linh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Việt:
“Chọn con đường khó là cách giải tỏa cạnh tranh” (Lữ Ý Nhi-DNSG)