Nỗi niềm nhân viên nữ

Vào thời gian này, các sinh viên năm cuối của các trường Đại học, cao đẳng và trung học lại tất bật làm luận văn và chuẩn bị cho các kỳ thi cuối cùng. Một tương lai mới đang chờ đón những người vừa tốt nghiệp.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, câu hỏi: “Trụ lại thành phố hay về quê làm việc?” cũng trở thành những bài toán hóc búa, mà không phải một sớm một chiều là có thể giải quyết được, đặc biệt là đối với các bạn nữ. Về quê liệu có thể tìm được một công việc thích hợp với ngành mà mình đã học, nhưng nếu trụ lại thành phố nhiều cám dỗ này liệu có đánh mất mình hay không?

Giống như bao sinh viên tỉnh lẻ khác, Mai Bình lên thành phố học đại học với bao nhiêu ước mơ và hoài bão. Nhà nghèo, lại đông anh chị em, việc Mai Bình tiếp tục được đi học Đại học dường như quá sức tưởng tượng của cô. Bố mẹ Mai Bình không muốn cô vất vả bon chen với cuộc sống như họ, nên quyết định dù thế nào đi nữa cũng nuôi con học xongĐại học. Không phụ công sức của bố mẹ, Mai Bình học rất khá. Thi đỗ Đại học với điểm số khá cao, cô là niềm tự hào của cả gia đình. Mẹ Mai Bình đã nói với cô trước khi lên nhập học: Con phải cố bám trụ ở thành phố, đừng về nông thôn mà sau này lại vất vả như mẹ.

Nghe lời mẹ, sau khi tốt nghiệp, Mai Bình đã không về quê mà quyết định ở lại thành phố tìm việc. Nhưng công việc cô tìm được sau khi tốt nghiệp toàn là những việc liên quan đến nhà hàng, khách sạn. Nhưng cô không thể nào trụ lại được lâu ở những nơi như thế. Không phải vì không có năng lực và cũng không phải là không chịu được khổ, nguyên nhân chính đều là do ông chủ gây khó dễ cho cô.

Mai Bình đã kể cho chúng tôi nghe về công ty cuối cùng mà cô đã làm tính cho đến thời điểm này. Có một lần cô tình cờ đọc trên mạng tuyển dụng có 1 công ty du lịch lớn đang cần tuyển nhân viên, lại đúng với chuyên ngành kinh tế mà cô đã theo học, phạm vi tuyển dụng rất lớn. Cảm thấy mình có thể phù hợp với công việc này, Mai Bình đã nộp đơn xin thi tuyển. Vượt qua 3 vòng thi ngoài, cuối cùng Mai Bình cũng đã được hẹn đến phỏng vấn với vị trí mong muốn là trợ lý giám đốc. Cô đã cảm thấy rất mất bình tĩnh khi bước chân vào phòng chờ phỏng vấn. Có rất nhiều ứng viên cũng đang ngồi chờ như cô, có người thì tốt nghiệp ở nước ngoài, có người thì học ở những trường đại học danh giá ở trong nước. “Nhưng cuối cùng, một cô gái với thân hình cân đối, khuôn mặt xinh xắn là Mai Bình tôi đây đã vượt qua mọi đối thủ để trở thành trợ lý giám đốc”.

Mai Bình cho biêt: “Khi được nhận vào công ty đó, ước mơ của tôi dường như đã thực hiện được một nửa. Một công ty lớn như vậy, lại được làm việc bên cạnh một vị giám đốc tài ba như thế, không những tôi có thể kiếm được tiền phụ giúp gia đình mà còn có thể học hỏi kinh nghiệm làm việc từ vị giám đốc này. Nhưng càng ngày tôi càng thấy băn khoăn là giám đốc này rất hay bắt tôi làm thêm giờ buổi tối, sau đấy là mời tôi đến các nhà hàng để tiếp đối tác. Lúc đầu tôi cảm thấy rất ngại và đều từ chối, mỗi lần như thế thái độ của ông ta đều không vui. Nhưng sau này vì muốn giữ lại vị trí trong công ty, giữ lại nguồn thu nhập không hề nhỏ đối với 1 gia đình ở nông thôn. Tôi đành đồng ý đi với ông ta”.

Cô chua xót kể tiếp: “Thực ra, chỉ có một đôi lần là tôi đi tiếp đối tác, còn lại là ông ta toàn nghĩ ra đủ lý do để kéo tôi đi cùng. Một lần, ông ta ép tôi uống rượu, vì không biết uống rươu nên tôi đã choáng váng ngay sau khi uống ly đầu tiên. Sau đó, ông ta lôi tôi đến một nhà nghỉ và rủ rỉ vào tai tôi là: Vào đây nghỉ chứ em? Thật là may mắn, tôi đã luôn lường trước được sự việc này nên kiên quyết từ chối. Ông ta lôi thật mạnh tôi vào trong, nhưng tôi đã kháng cự một cách rất quyết liệt”. Cuối cùng, ông ta chỉ vào mặt cô và nói: “Ngày mai cô không phải đến công ty nữa”.

Những trường hợp tương tự như Mai Bình không phải là hiếm. Một số công ty khi tuyển nhân viên nữ thì mục đích chính của họ không phải là năng lực của các nữ nhân viên đó, mà là sắc đẹp của họ. Mai Bình còn thổ lộ: Có thể cô không tìm được công việc thích hợp là vì cô đã không chịu nghe lời ông chủ. Nhưng như thế còn hơn người bạn trai của cô không dám trái lệnh của ông chủ và “đang nằm viện, chảy máu dạ dày vì ngày nào cũng đi uống rượu tiếp khách hàng”.

Theo: Nỗi niềm xin việc (Tamnhin)

Cùng chuyên mục