(hieuhoc_hieuhoc.com) Chất lượng quản trị giảm sút làm cho nhân viên kém năng động; sự tương tác giữa năng lực nhân viên và mục tiêu của công ty suy giảm; công ty bị hạn chế phát triển và không tập trung được nguồn lực cần thiết.
– Ba phong cách quản trị hiệu quả
Những lý do làm giảm sút chất lượng quản trị
1.Hoàn thiện người khác
Đây là một thói quen phổ biến vì rất nhiều nhà quản trị chọn cách áp đặt công việc nên giải quyết như thế nào lên nhân viên của mình. Với lối suy nghĩ thông thường, các nhà quản trị mong muốn nhân viên của mình làm việc hiệu quả, vậy nên họ tự đưa ra “một cách tốt nhất” và tin rằng có thể phổ biến rộng rãi cách này để đánh giá năng lực và giúp nhân viên của mình hoàn hảo hơn. Trong trường hợp này các nhà quản trị đã quên rằng mỗi con người là một cá thể khác biệt có những tính cách khác nhau, cần đôn đốc theo một cách khác nhau để có thể tận dụng được các năng lực khác nhau. Nếu cứ cố để áp đặt nhân viên thì một là họ chống đối, và hai là họ bị lệ thuộc.
2. Nhân viên của tôi không có tài
Tại một vài vị trí công việc nghe chừng đơn giản như nhân viên giao hàng, tạp vụ…, một số nhà quản trị nghĩ rằng với vị trí này thì dễ cho ai đó để đảm nhiệm nó nên khi tuyển người, họ không chọn người có năng lực. Kết quả là những nhân viên này làm việc không hiệu quả, từ đó họ áp đặt những luật lệ hà khắc hi vọng giữ được nhân viên của mình nhưng rốt cuộc những người này cũng sẽ ra đi. Vậy nên ban đầu nhà quản trị cần tìm người có năng lực phù hợp với công việc để tránh tình trạng hao phí thời gian, sức lực giám sát nhân viên khi không biết rằng họ sẽ có thể làm những gì ở vị trí hiện tại
3. Suy nghĩ thiếu tin tưởng lẫn nhau
Một số nhà quản trị gặp phải vấn đề thiếu tin tưởng nhân viên của mình. Sự nghi ngờ này làm họ thấy bất an, khiến họ quản lý nhân viên một cách miễn cưỡng, máy móc. Tự các nhà quản trị tạo bầu không khí đầy rẫy sự nghi ngờ, từ đó kéo theo việc hạn chế tính linh hoạt, nhanh nhạy, hiệu quả của công ty và làm cho các nhân viên thiếu nhiệt tình hơn với công việc do đánh mất lòng tin từ người quản trị cấp cao hơn mình
Có thể các nhà quản trị của chúng ta đã gặp phải tình huống bị nhân viên làm cho thất vọng nhưng trường hợp này thường cá biệt thấy. Hầu hết ai cũng nhận biết rằng nếu bản thân tin tưởng những điều tốt đẹp ở người khác thì chính mình sẽ thường nhận được những gì tốt đẹp ở họ.
4. Không thể đánh giá kết quả
Doanh số, lợi nhuận hay kết qủa kinh doanh có thể đánh giá được dễ dàng nhưng làm thế nào để đánh giá sự hài lòng của khách hàng, ý chí nỗ lực của nhân viên? Trong trường hợp này một số nhà quản trị bỏ cuộc và thay vào đó là khuyến khích nhân viên quan tâm đến khách hàng. Cách làm này không xấu nhưng những nhà quản trị giỏi lại hành động khác vì lý do là các kết quả này khó quan sát và đánh giá chứ không phải là không đánh giá được. Những nhà quản trị này sẽ tìm và nhận ra được những mặt chìm các hoạt dộng của nhân viên, xem đó là kết quả. Do vậy họ không cần áp đặt những quy tắc xử sự theo khuôn mẫu.
5. Tỏ ra quá nghiêm nghị
Nếu như bạn có một chức vụ khá cao trong công ty và nghĩ rằng: “Phải tỏ ra nghiêm nghị trước mọi người thì mới chứng tỏ đẳng cấp của mình”. Cách nghĩ này không sai nhưng nó sẽ làm bạn cảm thấy công việc khô khan và cứng nhắc hơn nhiều.
Nếu như tỏ ra quá nghiêm nghị, cấp dưới hay cấp trên khi làm việc với bạn đều cảm thấy không được thoải mái, không khí làm việc sẽ tăng thêm phần căng thẳng, quan hệ đồng nghiệp vì thế cũng không được thân mật. Làm việc một cách nghiêm túc nhưng đừng quá nghiêm nghị sẽ tạo nên dấu ấn tốt trong lòng đồng nghiệp, làm cho công việc của bạn trở nên thoải mái và thú vị hơn nhiều.
Sau cùng, xin đơn cử một tình huống thế này: Một nhà quản trị nọ có một nhân viên hay đi làm trễ, anh ta nói rằng mỗi buổi sáng không thể sắp xếp được mọi thứ để đi làm đúng giờ được, nhưng công việc thì vẫn làm tốt do thức khuya để hoàn thành. Nhà quản trị này bảo rằng “Tôi không bắt anh từ giờ trở đi phải đi làm đúng giờ, nhưng anh nghĩ những người khác sẽ nghĩ gì về anh”, anh ta bảo chắc là họ cho rằng anh ta là một kẻ lười biếng, thiếu trách nhiệm, một người đồng nghiệp tồi. “Anh phải làm sao để những người làm chung có cái nhìn tốt hơn về anh, nếu không họ sẽ không tin tưởng anh và như vậy buộc tôi phải cho anh thôi việc” – nhà quản trị nói. Và kết quả là anh ta đã đi làm đúng giờ mà nhà quản trị đã không cần thêm một sự áp đặt nào!
Nghi Quân tổng hợp (theo: Tamnhin/Workcom)/(hieuhoc_hieuhoc.com)