(Hiếu học). Hãy luôn tin vào chính khả năng bản thân mình. Bởi vì giữa người với người không có sự phân biệt năng lực tốt xấu, chỉ tồn tại cá tính khác nhau. Bất kỳ người nào, chỉ cần ở đúng vào vị trí thích đáng, thì đều có thể phát huy đầy đủ khả năng bản thân.
Ngày nay, chúng ta có thể thấy những chiếc ôtô, xe máy mang nhãn hiệu Honda khắp nơi trên các con đường tại Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… và Việt Nam. Để có được vị trí hàng đầu thế giới đó, Soichiro Honda – người khai sinh tập đoàn Honda đã phải đương đầu với biết bao thăng trầm trong cuộc sống và biến cố của lịch sử.
Thành công trong kinh doanh không chỉ là kết quả của việc kết hợp kỹ thuật siêu việt, ý thức cao về mẫu mã và chất lượng, mà còn phải trọng dụng nhân tài, biết lắng nghe ý kiến của cấp dưới. Quan trọng hơn cả là phải quyết tâm biến những giấc mơ của mình thành hiện thực. Với ông, không có thất bại sẽ không bao giờ có thành công và hãy luôn vững tin vào chính khả năng bản thân.
Học hành không đến nơi đến chốn
Soichiro Honda sinh năm 1906, tại một thị trấn nhỏ gần thành phố Hamamatsu ở miền Trung nước Nhật. Nhà đông anh em, lại rất nghèo khó, bố ông là một thợ rèn. Từ nhỏ ông đã tỏ ra hiếu kỳ và thích thú như muốn tò mò tìm hiểu tại sao cái máy lại chạy được.
Chưa đến tuổi đi học nhưng Soichiro đã tỏ ra rất sáng tạo và khéo tay, nhất là những thứ liên quan đến máy móc, kỹ thuật. Ông đã từng mày mò đục đẽo, cắt gọt, thiết kế cả một chiếc máy bay bằng tre nhưng có bộ phận như động cơ làm bằng dây cao su.
Nhưng khi đi học Soichiro lại không hề chăm chỉ, cần cù như cha mẹ mong muốn. Đã thế, ông còn bị đánh giá là một học sinh cá biệt. Soichiro đã từng khắc con dấu giả tên của cha mình để đóng dấu thay cho ký tên vào sổ liên lạc.
Nghịch ngợm là thế nhưng ngược lại Soichiro lại rất thông minh. Mới 8 tuổi nhưng Soichiro đã tự thiết kế và lắp cho mình một chiếc xe đạp. Khi xuất hiện những chiếc ôtô đầu tiên, Soichiro quan sát rất kỹ và tìm mọi cách cải thiện, sửa sang chiếc xe đạp của mình.
Thời niên thiếu Soichiro thoáng trông thấy một chiếc ôtô chạy trên đường. Vật chuyển động đó đã gieo vào lòng ông những suy nghĩ sau này mình phải thiết kế một thứ tương tự.
Năm 1922, Soichiro bỏ học lên Tokyo làm việc tại một cửa hàng sửa chữa ôtô. Ông muốn mình sẽ được làm thứ gì đó với máy móc ôtô nhưng vì quá bé và chưa học xong phổ thông nên ông chỉ được làm nội trợ và trông coi những đứa trẻ cho gia đình ông chủ.
Biến sắt vụn thành “vàng”
Năm 1923, một trận động đất bất ngờ xảy ra đã xóa sổ cả xưởng ôtô này cùng gần như toàn bộ chủ, thợ trong giây phút. Như một phép lạ, Soichiro là một trong hai người sống sót.
Đứng dậy từ sự đổ nát, Soichiro thành lập một cơ sở nghiên cứu, chế tạo xe máy mang tên Honda Technical Research Institute. Ông vừa là chủ, vừa là người nghiên cứu, vừa là thợ và cũng là người bán xe. Cơ sở vật chất ban đầu của Soichiro cũng chỉ có một nhà kho bằng gỗ rộng 24 mét vuông để chế tạo những chiếc xe mô tô từ xe đạp và những động cơ máy 50 phân khối.
Sau Thế chiến thứ II, cả nước Nhật chỉ là tro tàn và đổ nát. Với kế hoạch hỗ trợ Marshall, nền kinh tế được phục hồi rất nhanh. Thế nhưng lúc đó phương tiện giao thông lại thiếu trầm trọng. Với đa số người dân và các doanh nghiệp nhỏ, họ đang cần rất gấp những phương tiện đi lại có động cơ nhưng phải gọn nhẹ, tiện lợi và tương đối rẻ tiền.
Để chuẩn bị cho công ty của mình, Soichiro đã đi lùng sục khắp thị trấn nhỏ của mình để mua lại tất cả các động cơ hai kỳ đã hỏng. Lúc đó người ta nghĩ ông chỉ là một kẻ nghèo khó, chuyên sống bằng nghề buôn bán đồng nát, sắt vụn. Thế rồi cả thị trấn nhỏ coi ông như một người điên khi thấy Soichiro bỏ ra cả một bó tiền Yên không ít để mua lại một lúc 500 động cơ của một đơn vị quân đội. Nhưng tin vào mình, ông đã có cái mà ông đang tìm. Người đàn ông 40 tuổi khi đó rất tự tin về những việc mình muốn làm và quyết tâm làm bằng được.
Honda là người rất giàu óc sáng tạo. Khi động cơ của ông gây ra tiếng ồn lớn, ông đã có một giải pháp độc đáo là lắp thêm một chiếc động cơ nhỏ để có thể đi nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn. Sáng kiến và sản phẩm của Soichiro đã được hưởng ứng mãnh liệt. Từ đó cơ sở chế tạo xe máy của Soichiro Honda luôn sôi động và phát triển không ngừng. Năm 1948, Công ty Honda Motor Co. Ltd được thành lập và trở thành một tập đoàn số 1 thế giới về sản xuất xe máy.
Kết quả quan trọng hơn bằng cấp
Khi còn đang theo học Trường Kỹ thuật Hama -Matsu, ông chỉ quan tâm đến những môn có liên quan đến bạc pít-tông, ngoài ra chẳng chịu ghi chép các môn khác và bỏ cả dự thi. Hiệu trưởng đã phải cảnh báo về vấn đề bằng cấp, thì ông đáp lại rằng một tấm bằng có giá trị thua một cái vé xem phim. “Vé giúp cho ta có chỗ ngồi trong rạp chiếu bóng, còn tấm bằng chưa chắc giúp ta kiếm được việc làm!”. Từ bỏ bằng cấp, ông quyết định làm giàu theo cách của mình.
Khi là người đứng đầu của một tập đoàn lớn ông luôn đối xử các nhân viên của mình như người trong gia đình. Đặc biệt từ kinh nghiệm bản thân, ông khuyến khích và động viên những người không có đầy đủ bằng cấp nhưng có khả năng thật sự. Với ông, cơ hội là như nhau với mọi nhân viên. Kết quả làm việc là trên hết chứ không phải là bằng cấp.
Với việc đánh giá con người trong công việc, Honda không dùng từ “năng lực”. Ông cho rằng giữa người với người không có sự phân biệt năng lực tốt xấu, chỉ tồn tại cá tính khác nhau. Bất kỳ người nào, chỉ cần đặt họ vào vị trí thích đáng, thì có thể phát huy đầy đủ thực lực của mình. Mặt khác, không nên chọn lựa những người phù hợp với mong muốn của mình, bởi vì những người không vừa mắt mình có thể là người có tài.
Tôn trọng nhân viên, ưu đãi nhân tài
Kỳ tích mà Honda tạo ra còn do việc ông tôn trọng nhân viên, cổ vũ khả năng tư duy sáng tạo độc lập của họ. Ông luôn tạo ra môi trường làm việc để tất cả công nhân đều có cơ hội thể hiện mình, làm cho họ cảm thấy mình đã và đang liên hệ chặt chẽ với một công việc quan trọng trong công ty. Nếu không giao cho nhân viên quyền lực, rõ ràng họ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào, và như vậy sẽ không bảo đảm được chất lượng sản phẩm. Với phương cách giao trách nhiệm cho công nhân, Honda có thể loại những sản phẩm không hợp quy cách ngay từ khâu chọn lựa nguyên liệu, linh kiện, cả đến các giai đoạn lắp ráp mà không cần đến người kiểm nghiệm.
Honda rất chú trọng việc bồi dưỡng nhân tài, mời người mới. Khi khai thác phát triển loại xe máy mới, ông luôn tín nhiệm sử dụng một cách có ý thức những nhà nghiên cứu trẻ. Mặc dù nếu chỉ kiểm tra riêng về mặt kỹ thuật thì lớp kỹ thuật lâu năm đương nhiên là có, song họ cũng dễ đi vào con đường mòn nghiên cứu trước đây, không thích ứng kịp với sự thay đổi của thị trường. Vì vậy, khi chế tạo một thế hệ sản phẩm mới, Honda luôn sử dụng một loạt người mớithực hiện cho kế hoạch của mình.
Đồng thời để cổ vũ lòng say mê sáng tạo và tích cực trong công việc, ông cũng đưa ra nhiều chế độ ưu đãi đối với công nhân. Khi nhân viên đề xuất một ý tưởng hợp lý được đưa vào sử dụng, sẽ cho điểm căn cứ vào mức độ quan trọng của ý tưởng mà họ đưa ra. Nếu ý tưởng đó đạt 300 điểm, sẽ được nhận “giải thưởng Honda” gấp 10 lần.
Ngoài ra hàng năm, công ty còn phát hai lần tiền thưởng và nhiều mặt hàng phúc lợi cho nhân viên. Cán bộ, công nhân viên trên 70% có xe máy và xe ôtô do công ty sản xuất. Honda cũng rất quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân viên, ông cho rằng: con người không phải là cái máy, nếu một nhà máy đem con người đặt ngang bằng với máy móc, thì xí nghiệp đó không thể phát triển lâu dài….
Nếu như người Mỹ tự hào có Henry Ford thì người Nhật lại tự hào có Honda. Sự thành công của Soichiro Honda đã đánh thức thế hệ trẻ luôn tin vào chính những khả năng bản thân mình để dũng cảm vượt qua bằng ý chí như một kỳ tích.
Lược theo: Soichiro Honda: Không thất bại sẽ không bao giờ thành công
TỰ LẬP (tổng hợp)/(TuanVietNam)