“Tôi không cho không ai cái gì bao giờ. 30 triệu USD không phải ít, hơn nữa, đây là tiền của của cổ đông chứ không phải của cá nhân tôi nên tất cả đều vì quyền lợi của cổ đông…” – Chủ tịch Cty Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức (hình) nói về việc đầu tư sang Lào.
Thưa ông, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa tài trợ không hoàn lại cho tỉnh Atapu (Lào) đến 30 triệu USD để xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh. Có người cho rằng, là chủ doanh nghiệp đầu tư qua Lào, bầu Đức đang “thả con tép để bắt con tôm”?
Tôi không cho không ai cái gì bao giờ. 30 triệu USD không phải ít, hơn nữa, đây là tiền của của cổ đông chứ không phải của cá nhân tôi nên tất cả đều vì quyền lợi của cổ đông. Có thể nói, việc tài trợ 30 triệu USD cho Lào cũng là một chiến lược kinh doanh dài hạn, là một cách đầu tư cho tương lai. HAGL xác định Lào là vùng đất đầy tiềm năng nên đầu tư hơn 450 triệu USD vào đây với nhiều dự án.
Theo kế hoạch, từ năm 2014, HAGL có doanh số từ các dự án này lên đến 300 triệu USD, nộp ngân sách cho nước bạn 50 triệu USD/năm. Chúng tôi tài trợ cho bạn 30 triệu USD cũng muốn chứng minh với Chính phủ Lào một điều rằng, chúng tôi làm ăn một cách nghiêm túc, đầu tư thật, làm ăn thật và chúng tôi đã lấy được niềm tin từ họ. Trong một số dự án, như việc giao hàng chục ngàn ha đất rừng cho chúng tôi trồng cao su, Quốc hội Lào đã thông qua.
Hôm tổ chức lễ khởi công bệnh viện 200 giường tại tỉnh Atapu, ông Xôm Xa vẹt Leng Xa Vat, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lào đã vượt gần 1.000 km đường bộ về dự. Xem ra, HAGL được ưu ái khi đầu tư vào Lào?
Chúng tôi gây ấn tượng, lấy được thiện cảm với Chính phủ Lào qua việc tặng không cho họ 4 triệu USD và cho họ vay 15 triệu USD để xây dựng làng vận động viên tại SEA Games vừa qua. Đây là công trình của một doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ Lào, đối chứng với Trung Quốc khi họ xây sân vận động tặng cho Lào.
Không chỉ Chính phủ Lào ghi nhận mà ngay cả chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm. Bằng chứng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm làng hai lần, rồi Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đến thăm.
Tỉnh Atapu là tỉnh nghèo nhất nước Lào, khi chúng tôi đầu tư vào đây hàng trăm triệu USD, gần như tất cả lãnh đạo cao cấp của Lào đều ủng hộ. Họ ưu ái với chúng tôi là đều dễ hiểu. Chúng tôi thuê đất trồng cao su với giá hợp lý, 7 USD/năm và thời gian thuê là 49 năm.
Thưa ông, phải chăng ông chọn đầu tư vào tỉnh Atapu vì nơi đây là quê hương của đương kim Chủ tịch nước Lào?
Cũng tình cờ thôi. Tỉnh Atapu là địa phương giáp với Gia Lai (cách Gia Lai 210 km), lại là nơi tài nguyên rừng và khoáng sản rất tiềm năng, phù hợp với chiến lược kinh doanh của HAGL. Tuy nhiên, công bằng mà nói, khi biết nơi đây là quê hương của Chủ tịch nước Lào, chúng tôi có cảm hứng hơn, quyết tâm hơn.
HAGL không chỉ đầu tư qua Lào mà còn cả qua Campuchia, Myanmar… Phải chăng, thị trường trong nước không còn hấp dẫn?
Ở trong nước, nhất là hai thành phố lớn TPHCM và Hà Nội, chúng tôi chỉ có thể phát triển kinh doanh bất động sản và tài chính, còn những lĩnh vực khác như tài nguyên khoáng sản thì không ở đâu tốt hơn, tiềm năng hơn ở Lào và một số nước lân cận. Có thể nói, đây là thời điểm tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư qua đây. Nếu chậm chân, chúng ta sẽ thua Trung Quốc, Nga… ở thị trường hấp dẫn này.
Hình như ông còn muốn vươn xa hơn nữa?
Nếu đã làm kinh tế thì phải có tầm nhìn xa. Tuy nhiên, cũng dựa vào lực, thế mạnh của mình. Ví dụ như, chúng tôi không thể sang Nga để khai thác dầu khí vì làm sao mình thắng họ được. Tóm lại, những nơi ấy là vùng nước trong, chỉ còn cá nhỏ.
Trước đây, nhắc tới Đoàn Nguyên Đức thì người ta nghĩ đến gỗ, sau đó, ông nổi tiếng làm bóng đá, rồi bất động sản… Và bây giờ?
Những lĩnh vực như trồng cao su, khai thác khoáng sản…, chúng tôi đã làm từ lâu nhưng bây giờ mới có cái để nói. Hiện tại, chúng tôi tập trung cao nhất là cao su, rồi đến khoáng sản, bất động sản, thủy điện…
Còn bóng đá?
Chúng tôi có thương hiệu như hôm nay cũng nhờ bóng đá. Hiện nay, bóng đá không phải ngành kinh doanh chủ lực nữa, nhưng chúng tôi quyết không bỏ bóng đá.
Thưa ông, tại đại hội cổ đông vừa diễn ra, có người đặt nghi vấn: Bầu Đức làm giá để bán cổ phiếu?
Không bao giờ và không bao giờ có chuyện đó. Tôi đang nắm 54% cổ phiếu của HAGL và tôi không bao giờ bán cổ phiếu thì tôi làm giá để người khác hưởng lợi à? Với tôi, cách làm giá tốt nhất, đẹp nhất là: Hãy làm cho lợi nhuận của công ty năm sau cao hơn năm trước.
Ông là người giàu, ngày càng giàu. Tuy nhiên, cách ăn mặc của ông vẫn xoàng xoàng, ngay cả những lễ tân sang trọng cũng ít thấy ông comple cà vạt. Tại sao thế?
Tôi có tính cách đơn giản, thoải mái, tôi không nặng nề, cầu kỳ bề ngoài. Tôi không mặc comple vì cảm thấy vướng víu, bất tiện. Nhưng có phải vì thế mà bất lịch sự, thiếu tôn trọng người khác? Mà cả công ty tôi từ Bắc chí Nam, trong nước cũng như ngoài nước, gần 10 ngàn con người, không ai comple, cà vạt. Với chúng tôi, xe cộ, máy bay cũng chỉ là phương tiện làm việc mà thôi.
Nhắc đến máy bay, xin hỏi, ông bỏ tiền túi ra hơn 7 triệu USD để mua máy bay, sau hơn hai năm sử dụng, ông có thấy xa xỉ không?
Hoàn toàn không xa xỉ, tôi chưa bao giờ sử dụng máy bay cho việc đi du lịch. Mỗi tháng, chi phí cho lương phi công, xăng dầu, sân bãi lên đến 30.000 USD nhưng bù lại, tôi đang sử dụng máy bay cho mục đích cực lớn, thậm chí vô hình.
Do đặc thù công việc, tôi đi lại như con thoi, bất kể ngày đêm. 12 giờ đêm tôi còn ở Viêng Chăn nhưng sáng hôm sau tôi có thể chủ trì cuộc họp tại Hà Nội. Nếu không có máy bay riêng, điều này là không thể.
Hơn nữa, tôi có nhiều tiền, do vậy số tiền tôi bỏ ra mua máy bay cũng như một người có cuộc sống kinh tế bình thường mua chiếc xe máy. Có máy bay riêng, tôi tiết kiệm được thời gian, làm được nhiều việc, dễ dàng tiếp cận được nhiều dự án lớn. Máy bay cũng tạo nên hình ảnh tốt cho tôi trong thương trường. Hình như, khi đi máy bay riêng làm việc với đối tác, nhất là đối tác nước ngoài, công việc cũng được thuận lợi hơn. (Hình: Chủ tịch Cty Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức).
Một đồng nghiệp của tôi làm ở một đài truyền hình lớn than rằng: Chưa bao giờ phỏng vấn được bầu Đức. Hình như ông dị ứng với truyền hình?
Tôi không thích những phát ngôn của mình làm đề tài bình luận cho thiên hạ. Khi được người ta thích, lời mình nói dở cũng thành hay và ngược lại, khi bị ghét, mình nói hay cỡ nào cũng bị chê bai. Tôi không muốn mình bận tâm vì những việc này.
Ông tự nhận mình ít học, đi lên từ khó khăn, nhưng hiện tại ông làm chủ một doanh nghiệp lớn, đang vươn xa ra thế giới, chuyên làm ăn với đối tác nước ngoài. Vậy xin hỏi ông có bao giờ cảm thấy bất tiện vì sự học hành dở dang của mình không? Ông có biết ngoại ngữ không?
Tôi hai lần thi rớt đại học, buộc phải chuyển hướng cho cuộc đời của mình. Tất nhiên, được học hành là tốt nhưng không phải học cao là làm lãnh đạo công ty lớn dễ đâu. Tôi khuyên các bạn trẻ đừng bao giờ ngộ nhận điều này. Kinh doanh, quản lý giỏi phần lớn là nhờ năng khiếu và có phương pháp tốt. Tôi học không cao nhưng tôi đang quản lý gần 10.000 nhân viên, trong đó có hơn 8.000 người có bằng đại học, vậy mà mọi chuyện vẫn rất tốt.
Còn ngoại ngữ, tôi cũng biết tiếng bồi tí chút, có thể đi nước ngoài một mình được. Theo tôi, việc học ngoại ngữ đâu có khó, kinh doanh khó hơn nhiều chứ. Tôi không có thời gian và cũng không cần bỏ thời gian để học ngoại ngữ vì suy cho cùng, ngoại ngữ chỉ là phương tiện. Trong các cuộc làm việc với đối tác nước ngoài, tôi có nhân viên phiên dịch.
Ông không được học hành đến nơi đến chốn, còn các con của ông?
Cháu đầu đang học năm thứ hai khoa Quản trị kinh doanh ở ĐH Quốc gia Singapore. Cháu thứ hai đang học trung học và cháu út đang học mẫu giáo, cũng ở Singapore. Tôi bận tối ngày, tất cả việc nuôi dạy các con, tôi giao cho vợ.
Một ngày của ông thế nào? Ông có thường xuyên đi du lịch không?
Thời gian của tôi, tất cả đều dành cho công việc. Tôi không chơi thể thao, không đi du lịch trong hơn 20 năm qua. Với tôi, công việc là tất cả. Tôi đam mê công việc vô tận.
HAGL kinh doanh bất động sản nổi tiếng, vậy xin hỏi bầu Đức có được bao nhiêu căn biệt thự đắt tiền?
Tôi không có nhà và cũng không có nhu cầu có nhà ở TPHCM. Ở TPHCM, tôi sống dài hạn trong các khách sạn – nơi đó tiện lợi cho công việc của tôi. Còn ở Gia Lai, tôi có căn nhà nhỏ, đủ tiện nghi cho tôi làm việc, thế thôi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này.
Theo: “Tôi không cho không ai cái gì” (Lý Thành Tâm/TPO).