(hieuhoc_hieuhoc.com) Bước chân vào đời, bạn trẻ chúng ta cần học được cách làm chủ bản thân mình và không bao giờ chịu làm nô lệ. Nhưng nếu phải làm nô lệ cho công việc kể cả làm nô lệ cho công việc vì cơm áo thì sao?
Không sợ khi phải ứng phó hoàn cảnh:
Không muốn làm nô lệ cho nghề nghiệp, muốn được cống hiến nhưng không ai muốn đem tài năng, sức trẻ của mình để đổi lấy đồng lương thấp trong môi trường làm việc thiếu đãi ngộ và cạnh tranh thăng tiến không công bằng, đó là thực tế. Các triết gia cho rằng: “Sự giàu có và đầy đủ trong vật chất không đưa đến hạnh phúc cho con người”. – Ừ? Nhưng trong thực tế, ai cũng muốn có tiền, bởi không tiền thì… “nhục lắm!”. Vả lại, “tăng trưởng kinh tế” không làm tăng hạnh phúc cho con người thì “triết thuyết tăng trưởng kinh tế” để làm gì? Vì vậy, không phải chỉ có chối bỏ và phản kháng mới là biết tự chủ mà chính sự thích nghi với công việc, tự trọng ứng phó cho phù hợp hoàn cảnh và không sợ hãi cũng là tự chủ và đây là tự chủ thật sự.
Cam tâm chịu đựng làm bệ phóng cho người khác:
Khi bắt đầu một công việc mới, dù ít hay nhiều bạn cũng kỳ vọng vào nó. Nếu đó là công việc đầu tiên bạn đảm nhận thì sự lo lắng, sợ hãi chắc chắn sẽ cao, lúc đầu bạn có thể thấy quá tải nhưng nếu cố gắng bạn sẽ quen dần với yêu cầu công việc, nhanh chóng thích nghi và hoàn thành tốt mọi việc được giao. Bởi vì, điều ưu tiên của mọi doanh nghiệp cần vẫn là khả năng thích nghi với môi trường làm việc của bạn, sau đó mới tới các kỹ năng khác.
Trong thực tế, có nhiều tình huống phải cam tâm làm bệ phóng cho người khác. Bạn nên tự chủ, kiềm chế nỗi uất ức và tìm cách vượt qua. Đừng nghĩ rằng công việc của mình là nô lệ, cứ làm những gì người ta yêu cầu, tập trung vào công việc chứ đừng phân tích quá sâu, như vậy mới có thể học được nhiều điều và được tin dùng. Bạn nên nhớ, công việc thì rất dễ làm nhưng đối nhân xử thế thì rất khó, phải biết khi co, khi giãn. Để có thể dễ dàng thích nghi thì nên tránh tâm lý e dè, tiêu cực, cần phải biết chấp nhận thực tế kể cả đồng nghiệp không có tinh thần hợp tác mà vẫn tự tin khẳng định mình, đó mới thật sự là biết tự chủ (chứ không phải chỉ có chống đối mới là biết quyết đoán, biết tự chủ).
Nô lệ công việc hay không nô lệ công việc thì đã sao? Tránh xa các triết lý sống nhanh hay sống chậm, mà hãy sống đúng theo thực tế cuộc đời – Hãy đem tất cả những gì bạn có để vận dụng trong sự nghiệp của mình. Có lúc bạn thất bại và có lúc bạn thành công. Hãy đương đầu thách thức, chấp nhận thiệt thòi, học hỏi từ sai lầm của mình, không để chuyện quá khứ gây trở ngại và tiến lên. Đó mới chính là cách bạn nên quan tâm để cải thiện mình và có cơ hội thăng tiến khi bắt đầu sự nghiệp.
Chúc bạn nhiều may mắn và thành công.
Gia Nghi (hieuhoc_hieuhoc.com)