(hieuhoc_hieuhoc.com) Thế nào là tinh thần đại học? Trước nhất, tinh thần đại học là tinh thần tư duy, bao gồm tinh thần hiếu học. Nhưng còn có điều cần thiết hơn tinh thần tư duy, tinh thần đại học cần tinh thần tự lập của sinh viên trước nhất.
Tinh thần tự lập không phải chỉ có ở những thiên tài, chỉ có ở bậc thánh nhân mà nó là tinh thần tự nhiên trong bản năng sinh tồn của con người theo đúng nghĩa tự lập của nó. (Hình: John Stuart Mill – Bàn về tinh thần tự do)
Thế nào là tinh thần đại học? Trước nhất, tinh thần đại học là tinh thần tư duy, không định kiến, biết chọn lọc từ những điều muốn học, được học (dù là học thuộc lòng) để phát kiến những điều mới mẻ hơn (không cần huyênh hoang gọi là sáng tạo làm gì! ). Điều này hiển nhiên với mọi đối tượng sinh viên, cả những người muốn trở thành nhà nghiên cứu hoặc có thể chỉ là những sinh viên học để chuẩn bị một nghề nghiệp sau này. Nhưng còn có điều cần thiết hơn tinh thần tư duy, tinh thần đại học cần tinh thần tự lập của sinh viên nhiều hơn hết.
Có tinh thần tự lập, sinh viên sẽ biết cách tư duy thật sự, suy nghĩ về các vấn đề của chính mình, về hiện tại và tương lai của mình, không rập khuôn, không sợ hãi, không thiết tha trông chờ ai đó nắm tay dẫn dắt bước đi.
Nếu như phải học và nắm bắt các kiến thức là để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi ra trường, để chuẩn bị đối diện và giải quyết các vấn đề trong thực tế và hơn thế, để suy nghĩ và xây dựng một cuộc sống thực sự xứng đáng với mong muốn thì ai khác, nếu không phải là chính mình? Bởi sẽ chẳng có một nhà giáo dục nào, chẳng có một đạo sư nào cũng chẳng có một diễn giả hoặc chính trị gia nào… có thể cung cấp phương sách hoàn hảo cho bạn. (Các vị ấy đã “uýnh” nhau, “cãi” nhau từ mấy ngàn năm nay rồi, và sẽ tiếp tục “dữ dội” như thế mà có triết lý nào là “thống nhất giang hồ” đâu!)
Tất cả các sự việc đang diễn ra trong đời sống cộng đồng ở mọi phương diện (kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, quân sự…) đều liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến mỗi người. Nhưng chẳng ai có thể suy nghĩ giùm bạn, họ có thể thảo luận, bàn bạc với bạn và chỉ đề cập vấn đề với bạn thôi chứ làm sao họ tư duy về các vấn đề ấy thay bạn được? (Người ta có thể đưa quần áo, cung cấp thực phẩm cho bạn, và dù có thương yêu bạn hết lòng thật sự đi chăng nữa thì cũng không làm sao mặc áo, ăn cơm giùm bạn được).
Cho nên tinh thần đại học cần tinh thần tự lập của mỗi sinh viên để tự khai mở khả năng tiềm tàng riêng mình. Trường đại học chỉ tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển các tài năng mà thôi. Thiếu tinh thần tự lập, đòi hỏi nhất thiết phải có điều kiện này, điều kiện kia mới thể hiện được tài năng thì ai chẳng làm được? (Ai cũng sẽ là thiên tài nếu mọi yêu cầu “giá như” được thỏa mãn). Vì thế, đừng quá đòi hỏi, khoan hẳn đổ thừa… “thầy dở, trường kém”, nếu có tinh thần tự lập, mọi người đều có thể phát triển trí tuệ tới một mức độ nhất định. Chẳng phải chính tinh thần tự lập đã hình thành nên những cá nhân xuất sắc đó sao?
Gia Nghi (hieuhoc_hieuhoc.com)
Tài liệu tham khảo: “John Stuart Mill: Bàn về tự do” (NXB Tri Thức 2005)