Không gục ngã

Khuyết tật, đau ốm, cô độc và đau đớn đến tận cùng, đối diện với cả cái chết nhưng nhiều cuộc đời bất hạnh đã kiên cường vượt lên mạnh mẽ, để lại những giá trị sống mãi lan tỏa.

Trần Trà My (phải), cô gái không thể nói, không thể đi, chưa từng đến trường nhưng đã trở thành nhà văn… Ảnh: TIỂU QUYÊN

Đã gần 5 năm kể từ khi được độc giả cả nước nhắc nhớ bằng hình ảnh “đôi chân thiên thần”, Trần Trà My – cô gái “không thể nói, không thể đi và cũng chưa từng được đến trường nhưng lại trở thành nhà văn” của miền gió Lào Quảng Trị – đã đi trên con đường hạnh phúc mà trước đây chưa từng bao giờ cô dám mơ đến.

Cô tiên của đời mình

Không còn là cô bé mỗi ngày lọc cọc xách theo chiếc ghế inox đi tập thể dục trên các cung đường của TP Đông Hà, nay My đã có một “chức danh” mới rất “oai” ở TPHCM: Nhân viên PR của Hub Coffee – CLB dành cho những người yêu sách. “My làm mỗi ngày ở đó, công việc chính là giới thiệu sách trên các trang mạng xã hội. Buổi tối, My đi học thêm.

Sống ở TPHCM vui lắm, My có nhiều bạn bè. Vậy là ước mơ hồi xưa giờ cũng đã thành hiện thực rồi” – cô gái từng khiến bao độc giả xúc động với tập truyện Giấc mơ đôi chân thiên thần không giấu được niềm vui.

Nhiều người quen biết My nói rằng giờ cô đã cười nhiều hơn, trang viết cũng không còn buồn bã như những dòng nhật ký thuở nào. Khi tập truyện ra mắt, My cứ “bị” độc giả vây lấy bởi những điều tưởng chừng không thể nhưng cô đã làm được. Làm sao có thể tin một cô gái bại liệt bẩm sinh, nói năng rất khó nhọc,diễn đạt rất chậm bằng những từ ngữ rời rạc và chưa đến trường một ngày lại có thể viết được bao trang chữ nao lòng người đến vậy?

Tập truyện ngắn đầu tay của My chưa hẳn đã hoàn thiện nhưng mong ước, nỗi đau và cả khao khát được viết từ nỗi niềm tận cùng trong trái tim của một người có lúc đã đi tìm cái chết. Tập truyện gói tròn nước mắt, niềm đau và còn là đánh cược với số phận của cô. “Làm sao để được nhiều người biết đến, để được sống và làm việc ở TPHCM, để thấy đời mình không vô nghĩa” là điều luôn khiến My trăn trở và quyết tâm thực hiện.

Một năm sau, cô có thêm Chúng ta chính là mùa Xuân. “Tháng 2 tới, My cũng sẽ cho ra mắt tập truyện thứ ba Yêu thương trên từng ngón tay. Truyện này My viết 3 năm rồi, không nói về nỗi buồn của mình nữa mà viết cho tình yêu, kể về chuyện của rất nhiều người” – My tiết lộ.

My từng mơ một ngày nào đó có ông bụt, bà tiên mang đến điều kỳ diệu “ngủ dậy là đi được, nói được”. Chính My đã ngày ngày trở thành cô tiên ban phép mầu cho chính mình khi tự mày mò học từng con chữ, gõ phím trên những ngón tay rướm máu và nhiều đêm thao thức trào nước mắt.

Vượt lên cái chết

Gặp lại tôi, Trương Thị Hồng Tâm (Tâm “si-đa”), nhân vật của tự truyện Vượt lên cái chết, cho biết hiện chị cảm thấy tự tin hơn, hạnh phúc hơn khi nhận được sự chia sẻ của nhiều người. “Bây giờ tôi chỉ chuyên tâm làm công tác tư vấn, giáo dục giới tính, HIV/AIDS. Những đau khổ đã qua hết rồi, giờ tôi thấy mình thật đáng sống vì đã làm được những điều có ích cho xã hội” – chị tâm sự.

Trong căn nhà nhỏ ở quận Gò Vấp – TPHCM, Tâm “si-đa” sống cùng 4 người con. Ngoài thời gian tư vấn, như bao phụ nữ tần tảo khác, chị tranh thủ lúc rảnh rỗi đi giúp việc theo giờ để nuôi con. Viết Vượt lên cái chết, can đảm phơi bày hết những ô trọc đời mình, Tâm đã tự mở ra cho chị một cánh cửa khác tươi sáng hơn, dù đã có lúc “không còn gì để mất, cái chết đã là cận kề”.

Tâm “si-đa” từng nói rằng một đứa trẻ nếu sinh ra trong lành lặn, bình an thì cuộc đời sẽ rất khác. Còn chị, sinh ra đã là một đứa trẻ con nhà nghèo thiếu ăn,vì ăn cắp một bát cơm mà chịu đòn roi. Tuổi thơ thiếu tình thương đã khiến Tâm lạc mất đường về, trở thành con nghiện, bị cưỡng hiếp, làm gái bán dâm, sống lang bạt… Cả một quãng đời dài khổ ải chỉ muốn “sống để bụng, chết mang theo” nhưng cuối cùng, chị quyết định kể hết, như một giải thoát những u uất đớn đau dồn nén trong lòng.

“Vượt lên cái chết đã thật sự làm thay đổi cuộc đời tôi. Sau này, tôi rất xúc động khi đọc sách về những cuộc đời bất hạnh, vượt lên số phận vì tôi biết, khi kể được câu chuyện đời mình cũng là lúc họ đã được chia sẻ. Tôi đang viết tiếp, có thể lại là một cuốn sách mà cũng có thể không, quan trọng là sẽ kể về cuộc sống của mình như một cách để trả ơn người, ơn đời” – chị bày tỏ.

Nhọc nhằn tỏa sáng

Phút chốc một chiều bỗng đôi tay tôi đã không còn. Cuộc đời của tôi bao năm qua giờ tan biến rồi. Từ trong giấc mơ tôi trở về ngày xưa, tôi sung sướng đưa tay ôm mọi người. Ước chi được trở lại trong giấc mơ… Tiếng hát da diết, thổn thức của Dương Quyết Thắng trên sân khấu cuộc thi Vietnam’s got talent khiến nhiều người rơi nước mắt. Không còn đôi tay, Thắng vẫn có thể tự mình đệm organ thuần thục và cũng tự viết ca khúc kể lại câu chuyện buồn của cuộc đời anh.

“Yêu thích và học đàn từ trước nhưng chỉ khi mất đi đôi tay, tôi mới nhận ra mình có một cảm xúc âm nhạc mạnh mẽ” – Thắng cho biết. Ba năm trước, Thắng bị điện giật ở quê nhà Nghệ An. Tai nạn bất ngờ đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chàng trai chỉ vừa bước sang tuổi 22. Thắng lao vào học đàn, xem âm nhạc là điểm tựa, như anh bộc bạch: “Đàn hát giúp tôi giải tỏa nỗi đau”.

Con người của tôi cha mẹ sinh ra không tàn phế. Trong tim tôi giờ đây bao đắng cay… Ca từ được viết ra từ chính nỗi lòng của Thắng đã nhận được nhiều sự đồng cảm, an ủi của khán giả cộng đồng mạng khi phần dự thi của anh được phát lên YouTube. Khán giả có nickmame truongtam viết: “Có lẽ, khi một người trải qua quá nhiều biến cố, đau đớn của cuộc đời, họ luôn được số phận trả về sức mạnh ý chí thật kiên cường”.

Vietnam’s got talent đã mở ra cơ hội cho nhiều mảnh đời khuyết tật. Cô bé xương thủy tinh Nguyễn Phương Anh với chất giọng trong trẻo, cuốn hút từ mùa thi trước cũng đã trở thành biểu tượng của nghị lực. Rồi Trần Anh Tuấn vẽ bằng chân, cô bé bại liệt Lai Ngọc Duyên với tài năng ca hát thiên bẩm, nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Thanh Bình có khả năng chơi nhiều nhạc cụ… “Đôi khi tôi cảm thấy nhàm chán mình, giận mình, muốn bỏ cuộc, thậm chí không muốn làm gì cả nhưng những giai điệu, những sự lựa chọn và tâm hồn của các bạn đã khiến cho tôi thấy cuộc đời này đáng sống biết bao” – nghệ sĩ Thành Lộc cảm nhận.

Gian khó không chùn bước

Dừng lại ở sân khấu Giọng hát Việt trước khi chương trình về đích nhưng câu chuyện về nghị lực sống, khát khao nghệ thuật của Hà Văn Đông, thí sinh khiếm thị đến từ Hải Dương, vẫn còn lan tỏa.

Ba năm trước, lần đầu tiên gặp Đông ở Mái ấm Thiên Ân (TPHCM), tôi đã thấy được quyết tâm theo đuổi niềm mê của anh rất mãnh liệt, dù biết rằng sẽ rất gian nan. “Ca hát là ước mơ từ nhỏ của tôi. Quyết định một thân một mình vào TPHCM theo đuổi ước mơ cũng không dễ dàng gì nhưng càng khó khăn, tôi càng nỗ lực. Nếu thấy gian khổ, rào cản mà chùn bước thì đó không phải là con người tôi” – Đông quả quyết.

Suốt hơn 5 năm học nhạc ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, Đông mong sẽ trở thành giảng viên thanh nhạc. Giọng hát Việt đến như một sự tình cờ, một món quà bất ngờ của số phận khiến Đông có thêm niềm tin mạnh mẽ vào con đường anh đã chọn. Đông cho biết: “Sau cuộc thi này, tôi nhận được nhiều lời mời biểu diễn và đang tham gia hát thường xuyên ở bar Acoustic. Trong năm nay, tôi sẽ thực hiện một album nhạc cho riêng mình”.

Với Phương Dung, bẵng đi rất lâu kể từ sau album Lấp lánh ước mơ (thực hiện cùng ca sĩ Đông Quân năm 2009), khán giả mới thấy gương mặt nổi tiếng từ bộ phim Xe lăn này trở lại trên sân khấu Giọng hát Việt. Dung bảo giấc mơ của đời cô là được hát, dù hiểu rất rõ những rào cản gặp phải với đôi chân khuyết tật.

Khán giả nếu theo dõi sẽ thường thấy Dung xuất hiện trong những chương trình ca nhạc từ thiện. Hình ảnh Dung dịu dàng như một cô tiên – dù từng nhiều lần bị “đuổi” không thương tiếc khi đi xin hát ở các nhà hàng…

Cổ tích đẹp cho đời

Nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng số phận luôn sắp xếp cho người không gặp may mắn những sứ mệnh, mang đến nhiều thông điệp quý giá truyền lại cho người khác. Thật vậy, câu chuyện về nghị lực của những cuộc đời bất hạnh luôn đủ sức lan tỏa các giá trị đẹp. Đã từng có người khuyết tật làm được những điều kỳ diệu cho cuộc đời mình bằng nghị lực kiên cường. Có lẽ nhiều người sẽ chẳng thể quên được ca sĩ dị tật môi Thủy Tiên hát nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ mất một tay Lương Thế Vinh hay nhạc sĩ – ca sĩ khiếm thị Hà Chương của đất Hà thành…

Không đầu hàng số phận, những cuộc đời bất hạnh đã cùng nhau viết nên những câu chuyện cổ tích thật đẹp cho cuộc đời. “Người khuyết tật có rất nhiều rào cản, luôn gặp sự e dè, nghi ngại. Tuy nhiên, tôi sẽ chứng minh rằng người khuyết tật có thể làm được nhiều chuyện, có khi còn hơn cả người bình thường nữa” – Hà Văn Đông bộc bạch.

Theo: Tiểu Quyên (Báo NLĐ)

Bài liên quan

Cội rễ của sự trưởng thành

 “Sức mạnh của con người được định hình trong chính sự yếu đuối của người đấy.” Ralph Waldo Emerson

Cùng chuyên mục