Học theo tín chỉ: Học vượt thế nào cho hiệu quả?

Học theo tín chỉ, sinh viên được quyền học vượt để rút ngắn thời gian học của mình. Số sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn một năm, một học kỳ khá nhiều nhưng số bị buộc thôi học cũng không ít. Học vượt khó hay dễ và làm thế nào để “đi đường tắt” hiệu quả?

Học theo tín chỉ đòi hỏi sinh viên phải tự học nhiều qua sách, tài liệu ngoài những giờ lên lớp. Trong ảnh: Sinh viên tham gia một hội sách tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – Ảnh: Hà Bình

Năm học này, bạn Nguyễn Đình Phú – sinh viên năm 3 ngành quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM – vẫn chọn cách “ăn chắc mặc bền”, tức học theo tiến độ nhà trường chứ không học vượt như bạn bè cùng lớp. “Tôi nghĩ nếu tôi cố gắng cũng có thể học vượt được nhưng tôi muốn dành thời gian cho những hoạt động khác” – Phú chia sẻ.

Mỗi người một lựa chọn

Phú kể: “Bạn bè của tôi khi học vượt phải học ca sáng, ca chiều và tối học dự thính thêm 4-5 tín chỉ nữa. Nhiều môn học phải thức đêm thức hôm để làm bài tập, đồ án. Những bạn này có thể tích lũy sớm hơn một vài môn học để dành thời gian cho học kỳ sau. Tôi không có nhu cầu đó”. Hiện ngoài giờ học chính khóa ở trường, Phú dành thời gian học thêm tiếng Anh, tin học và tham gia những hoạt động mình yêu thích như đi chơi, nghe nhạc, xem phim… với bạn bè. “Đó cũng là một cách học” – bạn nói. Chàng sinh viên này cho rằng thời gian, kế hoạch học tập, năng lực của mỗi người khác nhau nên cách học theo tín chỉ cũng khác.

Trong khi đó, đã tốt nghiệp ra trường và đi làm được ba năm, bạn Phạm Thanh Bình – cựu sinh viên ngành điện – điện tử Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – kể khi còn là sinh viên, bạn cũng thường học vượt nhưng “chỉ vượt được 1-2 môn”. “Khi muốn học vượt, bạn phải quyết tâm và dồn hết sức chứ không học như bình thường được – Bình nói – Tôi nghĩ chương trình ở đại học đã được thiết kế dành cho sinh viên có sức học trung bình khá trở lên mới theo kịp. Do đó, tôi cũng như nhiều bạn ở lớp chọn cách học vượt theo cách của mình. Đó là chỉ học vượt một vài môn và dành thời gian tích lũy được đó tập trung làm đồ án tốt nghiệp”.

Thế nhưng, cũng có những sinh viên quyết tâm phải ra trường sớm một năm so với kế hoạch đào tạo của trường. Nguyễn Thị Bích Huệ, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, là một trong bốn bạn sẽ nhận bằng tốt nghiệp sớm hơn thời hạn một năm ở tháng 12 này. Trong khi những bạn cùng khóa đang học năm cuối thì Huệ đã ra trường, đi làm và tiếp tục những dự định khác của mình. “Học vượt không khó nếu bạn quyết tâm ngay từ đầu, lên kế hoạch học tập nghiêm túc và kiên trì thực hiện” – cô sinh viên quê Cẩm Mỹ, Đồng Nai, nói.

Tại Trường ĐH Tiền Giang, ĐH Vinh cũng có sinh viên tốt nghiệp ĐH chỉ sau ba năm học tại trường. Còn số sinh viên ra trường sớm một học kỳ tại các trường như ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nông lâm… cũng lên đến hàng trăm.

Để học vượt hiệu quả

Ưu điểm của học chế tín chỉ là để cho sinh viên tự sắp xếp kế hoạch học tập của mình, tự cân đối quỹ thời gian, xác định năng lực bản thân và được ra trường trước thời hạn. Nhưng để tận dụng ưu điểm này, sinh viên nên chú ý những gì?

Thạc sĩ Trần Minh Đức – Trường ĐH Thủ Dầu Một – nhắn nhủ: “Khi quyết định học vượt, sinh viên cần tìm hiểu tổng thể chương trình học. Việc này giúp bạn thấy được từng học kỳ mình phải học những gì để phân bố sức học. Bạn cũng nên tìm hiểu, tham khảo ý kiến của thầy cô, sinh viên khóa trước về những môn học sẽ đăng ký. Sau đó, bạn xác định sức học của mình để đăng ký những môn học phù hợp. Đăng ký môn học xong, bạn lên kế hoạch học tập và quan trọng là phải quyết tâm, kiên trì thực hiện kế hoạch này”.

Bên cạnh đó, điều quan trọng khác, theo thạc sĩ Đức là trong quá trình học vượt sinh viên cần thích ứng và điều chỉnh khi thấy quá sức, không nên “chịu đấm ăn xôi” dẫn đến đuối sức và ảnh hưởng toàn bộ tiến trình học. “Thực tế, có sinh viên tốt nghiệp trước một năm, một học kỳ nhưng số sinh viên bị buộc thôi học vì không theo kịp, lơ là trong học tập gấp nhiều lần số này. Đó là điều sinh viên nên chú ý xác định mình nên đứng ở đâu”- thạc sĩ Đức nói thêm.

Từ góc độ đào tạo, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính – Marketing – cho rằng thông thường các trường bố trí cho sinh viên bình thường học một buổi. Sinh viên học vượt phải học cả sáng, chiều và đôi khi cả tối vì phải học ở những lớp, ngành khác có môn học mà sinh viên đăng ký. “Các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM có nhiều cơ sở. Khi đăng ký học vượt, sinh viên cũng chú ý đến việc thuận tiện trong di chuyển giữa các cơ sở của trường. Bởi khi học vượt bạn phải học chương trình của lớp khác, khóa khác và đôi khi ở cơ sở khác của trường nên bạn cần lưu ý. Khi có thắc mắc nhưng không gặp được cố vấn học tập, bạn nên mạnh dạn đến khoa, phòng đào tạo để được hướng dẫn” – ông Tuấn nói.

Để sinh viên, phụ huynh dễ hình dung việc học vượt, TS Ngô Tấn Lực – hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang – giải thích như sau: “Học vượt cũng giống như trên cùng một đoạn đường, người chạy nhanh đến trước, người chạy chậm đến sau. Trên đoạn đường trong quá trình học ở ĐH, sinh viên tùy vào năng lực, sức học của mình để quyết định đến đích nhanh hay chậm”. Để học “chạy” hiệu quả, theo TS Lực, điều quan trọng là sinh viên đánh giá năng lực của mình. “Những sinh viên có sức học trung bình khá trở xuống muốn học vượt phải nỗ lực rất lớn. Bởi chương trình ĐH được thiết kế theo thời gian hợp lý dành cho sinh viên từ mức học này học bình thường. Còn những SV khá, giỏi trở lên thì nên đăng ký học vượt để tiết kiệm thời gian”.

Tránh học nhanh nhưng lớt phớt

Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, người có lâu năm trong nghiên cứu đào tạo theo học chế tín chỉ – cho rằng sinh viên hiện có tâm lý mong muốn học nhanh, biết nhanh nhưng nhiều cái nắm lớt phớt, không hiểu thấu đáo vấn đề. Do đó, kết quả học tập cũng làng nhàng và kiến thức quên ngay sau đó. “Khi đăng ký học vượt, sinh viên nên lượng sức mình và xác định đã học môn nào là chắc môn đó. Tôi chỉ khuyên các bạn một điều là tính toán sao cho vừa sức bởi học chế tín chỉ đòi hỏi ngoài giờ học ở lớp, sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu, đọc thêm tài liệu thì mới phát huy hiệu quả học tập” – GS Thiệp nói.

Học cùng lúc hai ngành? – Hiện nay hầu hết các trường ĐH đều tổ chức cho sinh viên học song ngành hay còn gọi là ngành kép. Theo đó, sau học kỳ đầu tiên của năm thứ nhất (đối với sinh viên đang học ở hệ sử dụng quy chế đào tạo theo tín chỉ) hoặc đã kết thúc năm thứ nhất hoặc năm thứ hai của chương trình thứ nhất (đối với sinh viên đang học ở hệ sử dụng quy chế đào tạo theo niên chế) được phép đăng ký học ngành thứ hai. Tuy nhiên, theo quy định, sinh viên phải đạt điều kiện cần để đăng ký học ngành thứ hai. Theo đó, sinh viên đang học ở hệ sử dụng quy chế đào tạo theo tín chỉ không thuộc diện xếp hạng học lực yếu ở chương trình thứ nhất; sinh viên đang học ở hệ sử dụng quy chế đào tạo theo niên chế không thuộc diện tạm ngừng học và có điểm trung bình chung học tập cả năm từ 7,0 trở lên mới đủ điều kiện đăng ký. Ngành thứ hai phải cùng nhóm ngành, khối ngành với ngành thứ nhất. Một số trường “mở” hơn khi cho phép sinh viên đăng ký sang ngành khác khối thi đầu vào của ngành thứ nhất nếu có một đến hai môn thi trùng nhau (chẳng hạn thi đầu vào khối A có thể đăng ký học ngành có đầu vào khối B, D).

Để đảm bảo sinh viên có thể theo học hai ngành, thường khi đăng ký, các trường yêu cầu sinh viên phải có kế hoạch học tập chi tiết của ngành thứ hai. Thực tế nhiều ngành (chẳng hạn các ngành khối kinh tế) có chương trình đào tạo giống nhau khoảng 60% nên sinh viên sẽ được miễn các môn học trùng nhau và chỉ phải học thêm 40% kiến thức cho ngành 2. Một điểm đáng lưu ý nữa là sinh viên chỉ được cấp bằng tốt nghiệp ngành 2 khi đã tốt nghiệp ngành 1. Sau học kỳ đầu tiên học ngành 2, nếu xếp loại học lực yếu (theo tín chỉ) hoặc điểm tổng kết 6.0 (theo niên chế) của chương trình thứ nhất, sinh viên sẽ bị buộc dừng học ngành thứ 2. Do đó, khi muốn đăng ký học ngành 2, sinh viên phải lưu ý đến khả năng thực tế của bản thân (học lực, thời gian, điều kiện kinh tế…) tránh đăng ký học ngành 2 một cách cảm tính. Phải ưu tiên hơn một chút cho việc học ngành 1 vì các bạn chỉ được xét tốt nghiệp ngành 2 nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ngành 1. Khi các bạn đã chuẩn bị được tâm thế học tập và lượng sức mình tốt mới nên học vượt hoặc học hai ngành cùng lúc để có kết quả tốt nhất.

Theo: Áo Trắng (TTO)

Bài liên quan

Phương pháp hiệu quả khi học theo hệ tín chỉ.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Nhiều trường chuyển số đơn vị học trình thành số tín chỉ nhưng vẫn tổ chức kiểu dạy học theo cuốn chiếu, không xác định rõ được vai trò của sinh viên trong tiến trình dạy học. Tuy nhiên, theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, từ năm 2010: Tất cả các trường ĐH-CĐ phải áp dụng chương trình đào tạo theo tín chỉ. Vì vậy, làm thế nào để học theo hình thức tín chỉ đạt hiệu quả là băn khoăn của không ít sinh viên hiện nay.

Cách học tín chỉ hiệu quả

(hieuhoc_hieuhoc.com): Hiệu quả của mô hình đào tạo theo học chế tín chỉ (HCTC) đã được nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thừa nhận. Tuy nhiên, nhiều SV Việt vẫn chưa hiểu hết những thuận lợi của mô hình đào tạo này để có được một kết quả học tập tốt hơn.

Cùng chuyên mục