(hieuhoc_hieuhoc.com): Khi nói về nghề CNTT, chắc các bạn sẽ nghĩ đến những người lập trình, chuyên viên quản trị và an ninh mạng, webmaster… những người có đầu óc luôn lơ lửng trên mây với những dòng code, những cấu trúc lệnh…, những người sống về đêm. Nhưng nghề giáo viên dạy CNTT thì lại hoàn toàn không phải vậy.
Tiềm năng của nghề dạy CNTT
Hiện nay, cùng với giáo viên dạy văn hoá thì giáo viên dạy CNTT cũng đang rất phát triển, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của xã hội.
Theo các suy nghĩ thông thường, người ta thường nói rằng nghề giáo là nghề “gõ đầu trẻ”, mang tính chất giáo huấn tư tưởng, đạo đức nhiều; là nghề cổ điển và chẳng có gì là hiện đại, năng động. Tuy nhiên, nghề giáo dạy CNTT thì lại rất khác. Dạy CNTT là dạy các chuyên đề về tin học, các ứng dụng, các phần mềm hỗ trợ cho công việc. Bởi vậy, nghề này rất hiện đại, chương trình học được cập nhật liên tục theo sự phát triển của CNTT và cũng rất năng động, thoải mái.
Theo truyền thống văn hoá Việt, nghề giáo luôn được coi trọng bởi đó là nghề “trồng người”. Vì vậy vị trí của nghề không bao giờ mất đi mà ngày càng được tôn vinh.
Nghề này có môi trường làm việc cũng khá thoải mái. Bạn có thể dạy học trong nhà trường phổ thông hay tại các trung tâm tin học. Tại các trung tâm này có lớp ban ngày, có lớp buổi tối, không như các môn văn hoá thông thường. Vì thế các bạn có thể linh động sắp xếp thời gian, công việc của mình mà công việc vẫn được đảm bảo.
Thu nhập của các giáo viên tin học cũng khá ổn định, không thua kém các nghề khác trong lĩnh vực CNTT. Cho nên các bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi chọn công việc này cho mình.
Làm nghề dạy CNTT bạn cũng có cơ hội tiếp cận với rất nhiều phần mềm, ứng dụng tiên tiến để có thể truyền đạt cho học trò của mình những kiến thức cơ bản và thú vị nhất về CNTT mà hiện nay người ta đang hướng tới.
Những công việc của giáo viên CNTT
Nghề giáo CNTT là nghề dạy các nội dung khái quát về tin học như khái quát về máy tính và nguyên tắc hoạt động, các thao tác sử dụng cơ bản…. và các ứng dụng tin học cơ bản như word, excel, power point, email, internet…Các em học sinh hay học viên sẽ được hướng dẫn từ những kỹ năng đơn giản đến phức tạp hơn nhằm có được những kiến thức nền cơ bản về CNTT.
Dạy CNTT có một thuận lợi vượt trội hơn so với dạy các môn văn hoá. Bạn không mất quá nhiều thời gian cho việc soạn bài, ghi chép. Bạn sẽ ứng dụng luôn CNTT của mình vào giảng dạy thông qua các power point các phần mềm. Nghề này mang tính thực tế, thực hành rất cao.
Bạn sẽ không chỉ dừng lại ở vai trò một người thầy nếu bạn am hiểu về CNTT. Bạn có thể làm việc khác liên quan ngoài việc dạy học mà công việc đó vẫn liên quan tới nghề của bạn như xây dựng website, cài đặt phần mềm, sửa lỗi của máy hay hệ thống máy… Đó chẳng phải là một cơ hội tốt cho bạn?
Những điều kiện để làm nghề CNTT
Có những tố chất của 1 nhà sư phạm và đam mê tin học sẽ giúp bạn hoàn thành tốt vai trò của 1 người thầy dạy CNTT. Ngoài kiến thức CNTT, bạn phải có khả năng truyền đạt thì mới có thể truyền các kiến thức của mình cho học sinh. Bên cạnh đó, sự chăm chỉ tìm tòi, học tập những phương pháp mới để nâng cao khả năng truyền thụ cũng là một yếu tố cần thiết. Sự tự tin, thoải mái và khả năng lôi cuốn người khác theo lời mình nói cũng rất quan trọng đối với một nhà sư phạm.
Là một giáo viên CNTT, bạn có thể có kiến thức chuyên sâu trong một vài chuyên ngành cụ thể của CNTT. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải nắm vững kiến thức cơ bản về CNTT và những điều tổng quát về các phân ngành khác trong lĩnh vực này. Bằng kiến thức tổng quát hết lĩnh vực CNTT này, bạn mới có thể truyền đạt cho học sinh của mình những kiến thức cơ bản về CNTT được. Còn nếu bạn rành một vài ngành chuyên sâu nào đó, bạn có thể làm thêm những lĩnh vực đó. Những kiến thức đi làm bên ngoài đó sẽ càng bổ trợ cho công việc giáo viên của bạn.
Kim Tuyến