Cậu học trò mồ côi và ước mơ bào chế thuốc chữa trị cho người nghèo

“Sức khỏe con người là vốn quý, vào ĐH, em sẽ cố gắng học tập tốt để bào chế ra nhiều loại thuốc quý cứu người bệnh, đặc biệt là người dân ở các vùng quê nghèo”, tâm sự của cậu học trò nghèo, mồ côi xứ Nghệ vừa đỗ 27 điểm vào ĐH Dược HN.

Chuẩn bị nhập học sau khi trúng tuyển vào Trường ĐH Dược Hà Nội với số điểm cao (27 điểm), những ngày này, em Cao Huy Bình (SN 1994) ở xóm Trần Phú, xã miền núi Đồng Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) tất bật ra đồng làm cỏ cho 6 sào lúa, giúp mẹ đỡ phần vất vả.

Bình sinh ra trong một gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố và chị gái bị bệnh hiểm nghèo đã mất trước khi em vào bậc THPT, trước Bình còn có một người anh trai hiện đang học năm cuối Trường ĐH Vinh.

Chiếc xe đạp cà tàng gắn bó với Bình trên đường đến lớp.

Kể từ ngày chồng mất, một mình chị Ngô Thị Lan – mẹ của Bình nuôi 2 đứa con đang độ tuổi ăn học và gánh vác việc gia đình, sớm hôm tần tảo với 6 sào ruộng khoán. Thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình, ngay từ nhỏ Bình đã chăm ngoan, có ý thức trong học tập để mai sau giúp đỡ gia đình.

Suốt 12 năm học phổ thông, em luôn cần cù chịu khó trong học tập, là học sinh giỏi toàn diện, riêng năm học lớp 5, lớp 9 và lớp 12 em đã đạt giải nhì học sinh giỏi tỉnh các môn Văn, Toán và Vật lý. Ba năm học THPT, tuy nhà cách xa trường gần 10km, nhưng với chiếc xe đạp cà tàng, hàng ngày em vẫn đến trường đều đặn, là một lớp trưởng tận tụy và gương mẫu trong mọi phong trào, luôn được thầy yêu, bạn mến.

Góc học tập của Bình rất đơn sơ.

Không có điều kiện để đi học thêm, ngoài những kiến thức được thầy cô truyền thụ ở trường, về nhà Bình tranh thủ mọi thời gian rảnh rổi để dành cho việc học. Theo em bí quyết để học giỏi là phải thuộc bài ngay tại lớp và phải nắm thật vững kiến thức cơ bản ở sách giáo khoa, sau đó mới tham khảo các tài liệu nâng cao.

Sự thông minh sẵn có cùng với đức tính cần cù chịu khó giúp Bình đạt thành tích cao trong học tập. Không tự bằng lòng với những gì đã đạt được, cậu học trò nghèo này vẫn đang ấp ủ nhiều ước mơ khi khi cánh cửa giảng đường đại học đang chờ đón.

Em chia sẻ: “Trong cuộc sống hôm nay, sức khỏe con người là vốn quý nhất, khi vào đại học, em sẽ cố gắng học tập tốt để bào chế ra nhiều loại thuốc quý để cứu người bệnh, đặc biệt là những người dân khó khăn ở các vùng quê nghèo”.

Mừng khi con đỗ đại học điểm cao, mẹ Bình lại lo không biết rồi ra có lo nổi cho con học đại học hay không.

Trong căn nhà ngói 3 gian đã xuống cấp, tài sản không có gì đáng giá ngoài những tấm giấy khen treo kín ở góc học tập, chị Ngô Thị Lan đã không dấu nỗi niềm vui xen lẫn nỗi lo âu khi có thêm một đứa con đậu vào đại học. Chị tâm sự: “Cuộc đời cha mẹ đã quá nghèo khó và lam lũ với ruộng đồng, bây giờ dù có khó khăn đến mấy cũng phải lo cho con cái học hành cho đến nơi đến chốn”.

Dự tính khi Bình đã vào đại học, gia đình sẽ bán hết lợn, gà và trâu để trả phần nợ đã vay ngân hàng trong thời gian qua, ruộng vườn nhà cửa gửi lại cho bà con làng xóm trông hộ và chị sẽ ra Hà Nội một thời gian để tìm việc làm thuê, kiếm thêm tiền nuôi 2 đứa con đại học.

Thương cho gia cảnh nghèo khó của Bình, với tấm lòng sẻ chia, mấy ngày qua anh em nội ngoại, bà con làng xóm láng giềng và tập thể giáo viên Trường THPT Yên Thành 2, người nhiều, người ít đã quyên góp ủng hộ vật chất cho gia đình em, phần nào động viên, giúp đỡ và tiếp thêm nghị lực cho cậu học trò nghèo vươn tới ước mơ.

Hay tin Bình đỗ điểm cao vào ĐH Dược Hà Nội, bà con làng xóm, nhà trường nơi em Bình học tập đến chia sẻ người cho 50 ngàn, 100 ngàn đồng để em đi học.

Để có được kết quả đó ngoài sự nỗ lực cố gắng của bản thân, biết vượt lên hoàn cảnh để rèn luyện học tập còn có sự tận tình dạy dỗ của các thầy cô giáo, đặc biệt là sự quan tâm giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần của nhà trường để em duy trì việc học.

Dẫu phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với nghị lực, ý chí của mình cùng sự quan tâm của cộng đồng, tin rằng cậu trò nghèo quê lúa Yên Thành sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tích trong học tập ở giảng đường ĐH.

Nguồn: dân trí

Bài liên quan

Người cha 7 năm cõng con đi học

Từ khi con gái bị bại liệt lên cấp 2, ông Nghĩa ngày ngày cõng đến lớp học thêm rồi ngồi ngoài đợi con về. Hôm Linh thi đại học, ông lại cõng con lên tận phòng thi khiến nhiều phụ huynh, thí sinh rơi nước mắt.

Thủ khoa ĐH Tây Nguyên chủ yếu học trên mạng

 Đó là chia sẻ của tân thủ khoa Trường ĐH Tây Nguyên - Nguyễn Hải Linh (HS lớp 12A1, Trường THPT Buôn Ma Thuột, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) khi trò chuyện với PV Dân trí về bí quyết học tập đạt kết quả cao của mình.

Nỗi lo của cô học trò nghèo đỗ điểm cao 2 trường ĐH

  Kỳ thi ĐH vừa qua, Nguyễn Thị Hằng đỗ cả 2 trường trong đó ĐH Dược HN em được 26 điểm, còn ĐH Y HN em đạt 27 điểm. Thế nhưng đường đến giảng đường đại học của cô học trò nghèo ở xóm 1B xã Thanh Phong, Thanh Chương (Nghệ An) đang còn quá xa vời…  

Cô thủ khoa bảo mẫu

   "Cuộc sống gia đình khó khăn nên em phải cố gắng học để thoát nghèo, đền đáp công ơn của ba mẹ”, Hoàng Bảo Thy, tân thủ khoa khối C Đại học Quy Nhơn tâm sự. 

Cùng chuyên mục