(hieuhoc_hieuhoc.com) Nghề dược là nghề liên quan đến dược phẩm (thuốc), được phân thành nhiều lĩnh vực như: nghiên cứu, sản xuất, lưu thông phân phối, đảm bảo chất lượng, quản lý dược, hướng dẫn sử dụng thuốc cho mọi người… Dược học dựa trên nhiều ngành khoa học khác nhau, trong đó cơ bản nhất là hóa học và sinh học – hai ngành trọng yếu mà người ta dùng kiến thức của nó để bào chế ra các dược phẩm phục vụ cho sức khỏe con người.
Đa phần các công việc trong ngành dược khá nhẹ nhàng, dành nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm hoặc quầy thuốc, ít phải đi lại, khá phù hợp với phái nữ. Tuy nhiên, cũng như trong ngành y, công việc trong ngành dược đòi hỏi chính xác cao độ. Sự nhầm lẫn trong bất cứ giai đoạn nào đều rất nguy hiểm cho người sử dụng thuốc.
Công việc của dược sĩ:
– Phân phối thuốc, bán thuốc theo đơn bác sỹ hay người hành nghề y kê và cung cấp thông tin cho bệnh nhân về thuốc và cách dùng.
– Dược sĩ lâm sàng là người tư vấn cho bác sỹ và những người hành nghề y về sự lựa chọn, liều lượng, tác dụng và tác dụng phụ của các loại thuốc, giúp bác sĩ lựa chọn thuốc phù hợp với bệnh nhân. Đồng thời, giám sát tình trạng sức khỏe và biến chuyển của bệnh nhân phản ứng với phương pháp điều trị dùng thuốc để đảo đảm tính an toàn và hiệu quả trong việc sử dụng các loại thuốc. Được đào tạo đa khoa, chỗ đứng của dược sĩ lâm sàng là trong các khoa dược của bệnh viện (dược sĩ lâm sàng có vai trò rất lớn trong việc thiết lập mối quan hệ điều trị bằng thuốc giữa bác sĩ -điều dưỡng và bệnh nhân, đồng thời, tư vấn cho bệnh nhân khi xuất viện cách thức dùng thuốc).
– Điều chế dược phẩm. Việc trộn lẫn các thành phần để tạo ra thuốc bột, thuốc viên, thuốc con nhộng, thuốc mỡ, dung dịch là một phần nhỏ trong công việc của người dược sỹ, vì hầu hết thuốc được sản xuất bởi các công ty dược phẩm với một tiêu chuẩn nhất định về liều lượng và quy trình phân phối dược phẩm.
Nơi làm việc của dược sĩ:
– Tùy vào điều kiện và trình độ, bạn có thể làm việc ở tổ chức cộng đồng, cửa hàng bán lẻ thuốc, trung tâm chăm sóc sức khỏe như bệnh viện, bệnh xá, bệnh viện tâm thần, hay trung tâm y tế sức khỏe cộng đồng… trong ngành dược:
+ Công nhân dược: làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy dược phẩm; lao động kỹ thuật hoặc giản đơn trong dây chuyền sản xuất, cung ứng vật tư thiết bị….
+ Dược sĩ trung học: được phép tham gia làm việc ở tất cả các lĩnh vực khác nhau của ngành dược với vai trò trợ lý của dược sĩ đại học. Dược sĩ trung học ra trường làm việc tại khoa dược bệnh viện, xí nghiệp sản xuất dược phẩm, nhà thuốc… (Muốn biết thông tin về các khóa đào tạo dược tá ở địa phương, bạn có thể hỏi tại phòng Nghiệp vụ dược tại Sở y tế của địa phương mình để tìm hiểu những thông tin cần thiết).
+ Dược sĩ đại học : Ở Việt nam hiện nay để trở thành dược sỹ sinh viên phải vào các trường đại học đào tạo về dược thuộc hệ thống đào tạo nhân lực ngành Y tế: Học 5 năm đối với sinh viên đào tạo chính quy dài hạn; 4 năm với sinh viên đã có bằng trung cấp Dược; 2 năm đối với người có bằng đại học chính quy dài hạn các ngành bác sỹ y khoa, sinh học, hóa học. Và với tấm bằng dược sĩ đại học (được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hành nghề), bạn có thể tham gia vào toàn bộ thế giới rộng lớn của nghề dược.
Phần lớn dược sĩ làm việc trong các bệnh viện, chương trình chăm sóc sức khỏe, các công ty dược như những dược sĩ tư vấn về thuốc. Một số là chủ sở hữu hoặc cộng tác (đứng tên) ở các hiệu thuốc bán lẻ. Thu nhập trung bình của dược sĩ tương đối cao, cơ hội làm việc phong phú. Đây là một nghề rất linh hoạt, có nhiều cơ hội phát triển, công việc nhẹ nhàng và tao nhã, lại có lợi cho sức khỏe, rất phù hợp với phái nữ bởi tính ổn định, ít di chuyển.
Khánh Hoa tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)