Thủ khoa ĐH Tây Nguyên chủ yếu học trên mạng

Đó là chia sẻ của tân thủ khoa Trường ĐH Tây Nguyên – Nguyễn Hải Linh (HS lớp 12A1, Trường THPT Buôn Ma Thuột, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) khi trò chuyện với PV Dân trí về bí quyết học tập đạt kết quả cao của mình.

Hải Linh cho biết em rất bất ngờ khi nghe tin mình đạt thủ khoa Trường ĐH Tây Nguyên. “Hôm đó một người bạn em xem điểm trên báo điện tử rồi thông báo cho em là đã đỗ thủ khoa nhưng thú thực khi đó em không tin cho đến khi lên mạng gõ SBD, tên tuổi để tận mắt dò điểm. Thật là một kết quả bất ngờ bởi kết thúc ngày thi em có dò đáp án và chỉ áng là sẽ đủ điểm đỗ vào trường…”.

Nguyễn Hải Linh vừa đỗ thủ khoa Trường ĐH Tây Nguyên với tổng điểm 27. Linh cho biết phương pháp học tập của em chủ yếu là “săn” đề trên mạng Internet về giải.

Kỳ tuyển sinh ĐH năm nay, Linh dự thi khối A vào ngành Tài chính Ngân hàng và khối B ngành Y đa khoa – Trường ĐH Tây Nguyên. Trong đó, ngành Y đa khoa Linh đạt tổng điểm 27 (làm tròn) với điểm số từng môn là: Sinh 8,75 điểm; Hóa 8,75 điểm và Toán 9,25 điểm. Với điểm số này, Linh đã vượt qua hơn 20 nghìn thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tây Nguyên để trở thành thủ khoa của trường trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Linh là em út trong một gia đình có 3 anh em trai, 2 anh trai của Linh đã tốt nghiệp ĐH. Được biết, cả hai bố mẹ Linh đều công tác trong ngành Y. Mẹ Hải Linh nguyên là kỹ thuật viên xét nghiệm tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Bố Linh là bác sỹ hiện đang công tác tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện này. Theo thời gian, một phần được bố mẹ “truyền lửa” cộng với sự thích thú, đam mê muốn được khám phá, tìm tòi thế giới y học phong phú, Linh đã quyết định thi vào ngành y từ khi mới vào học THPT.

Sớm chọn ngành, Linh càng quyết tâm học tập để thực hiện dự định. Ba năm theo học tại Trường THPT Buôn Ma Thuột, Linh là một trong những HS có tiếng tại trường này về thành tích học tập khi em đều đạt HS khá giỏi. So với cách học truyền thống, Linh có phần khác biệt và “hiện đại” hơn khi em dành phần lớn thời gian “săn lùng” các bộ đề thi trên mạng Internet để học.

“Sau khi nắm vững kiến thức cơ bản, hoàn thành các bài tập được thầy cô giáo giao về nhà thì phần lớn thời gian em tìm kiếm các bộ đề thi Online trên trang Moon.vn rồi chuyển khoản một số tiền để mua về giải. Nội dung các bộ đề có phạm vi kiến thức sâu rộng, phong phú nên việc giải bài tập thông qua các bộ đề thi này sẽ giúp người học càng nắm vững, nắm chắc và không ngừng nâng cao kiến thức…”, Linh chia sẻ về cách học tập của mình.

Bố của Linh – bác sỹ Nguyễn Hai cho biết: “Cháu Linh cũng mê game, nên khi cháu xin tiền, tôi hoài nghi nó sẽ dùng vào việc game. Sau này cháu mới cho biết là xin tiền để mua đề thi trên mạng để giải. Có hôm chợt thức giấc 2 giờ sáng, tôi thấy cháu vẫn loay hoay giải bài tập…”.

Hải Linh (thứ 2, bên phải) cùng bố mẹ và 2 anh.

Nói về cậu học trò là tân thủ khoa Trường ĐH Tây Nguyên, thầy Nguyễn Anh Dũng – GV chủ nhiệm của Hải Linh nhận xét ngắn gọn: “Linh là một HS có năng khiếu và tư duy rất tốt về các môn tự nhiên. Toán, Lý, Hóa và đặc biệt là Sinh học em học rất trội so với các HS khác. Không chỉ thuyết phục bằng kết quả học tập khá giỏi, Linh còn sống hòa nhã, chân thành với bạn bè. Các đồng nghiệp của tôi vẫn thường xuyên khen em về đức tính này…”.

Chia sẻ về dự định tương lai Linh cho biết: “Em nghĩ chặng đường phía trước sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách. Em sẽ cố gắng đạt kết quả tốt trong thời gian theo học ngành y đa khoa tại Trường ĐH Tây Nguyên. Nắm vững chuyên môn trước khi tốt nghiệp ra trường cùng với đó sẽ trang bị tốt vốn tiếng Anh để sau này sẽ tiếp tục thi Cao học…”.

Nguồn: dân trí

Bài liên quan

Thủ khoa ĐH Bách khoa mê Lịch sử

Là thủ khoa đại học công nghệ lớn, chọn ngành Công nghệ Thông tin với mong muốn trở thành lập trình viên nhưng cậu học trò nghèo Lưu Thế Anh lại cực kỳ mê Lịch sử và thành thạo việc băm rau, quấy cám, đi cấy...

Cô thủ khoa bảo mẫu

   "Cuộc sống gia đình khó khăn nên em phải cố gắng học để thoát nghèo, đền đáp công ơn của ba mẹ”, Hoàng Bảo Thy, tân thủ khoa khối C Đại học Quy Nhơn tâm sự. 

Nữ sinh đậu thủ khoa hai đại học lớn

   Từ quê lên Hà Nội học cấp 3, Ngọc thấy "choáng" khi bạn bè đều học giỏi, nói tiếng Anh như gió. Cô tự nhận mình không có gì nổi bật, chỉ đến khi lọt vào top 10 học sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất thủ đô.

Cùng chuyên mục