Những người trong cuộc đã đưa ra nhiều lý giải để giải thích cho kỷ lục tốt nghiệp THPT trong kỳ thi năm nay.
Không có cảnh bắc thang trèo tường nhảy vào khu vực thi ném bài, trường thi yên ả nhìn từ bên ngoài. Nhưng bên trong thì sao? Chỉ những người coi thi, chấm thi mới hiểu rõ nhất.
Từ áp lực nặng nề
Thừa nhận tỉ lệ tốt nghiệp cao sẽ khiến nhiều người vui mừng, ông Đinh Quang Hảo – hiệu trưởng Trường THPT Petrus Ký (Bình Dương), nguyên trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT TP.HCM – cho rằng: “Ai cũng đặt mục tiêu cố gắng dạy để HS đậu cao, đậu 100%. Đây không còn là chuyện của ngành giáo dục mà đã thành chuyện tâm lý xã hội ăn sâu rồi. Xã hội đặt áp lực đỗ đạt cao. Không chỉ thí sinh, giám thị, giám khảo mà ngay chính những người ra đề cũng bị áp lực từ phía xã hội, họ không dám ra những đề yêu cầu cao hơn. Ra đề khó lỡ tỉ lệ đậu chỉ 70% phải chịu áp lực xã hội nặng nề.”
Tuy nhiên, ông Hảo cũng thẳng thắn cho rằng nếu bằng mọi cách chạy theo tỉ lệ 100%, sau này đàn em sẽ trách mình. Những nhà làm giáo dục cần suy nghĩ xem ngoài tỉ lệ cao, chúng ta đã dạy dỗ, trang bị gì cho HS mình những phẩm chất cần thiết cho một người lao động tương lai?
Ông Trần Thanh Đức, giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang., tâm sự: “Việc thả lỏng trong khâu coi và chấm thi được xem vì thương HS, nhưng thương thì ít mà hại HS thì nhiều”. Ông Đức đánh giá kỳ thi năm nay bộ đã giao quyền chủ động cho địa phương. Tuy nhiên, thực tế một số nơi không vượt qua chính mình.
Thầy H. – một giáo viên ở Bắc Kạn từng tham gia coi thi trong kỳ thi năm nay – cho biết: “Chuyện giải bài, ném bài thành dây chuyền trắng trợn như Đồi Ngô (Bắc Giang) thì không có nhưng việc thả lỏng cho thí sinh, tôi tin ở nhiều nơi như vậy. Một phần vì thương HS, một phần là do quan điểm thả lỏng của lãnh đạo nên nhiều giám thị làm ngơ cho thí sinh quay cóp. Nếu mình chặt chẽ, thiệt thòi cho thí sinh, trong khi nơi khác họ để thoải mái” – giám thị H. phân trần.
Đến “làm ngơ tập thể”
Trong khi đó, một giáo viên dạy toán tại Bình Phước, tham gia công tác coi thi trong kỳ thi năm nay, kể: “Dù được dặn dò nghiêm túc trong coi thi nhưng nhiều giám thị vẫn cứ thả. Trong một hội đồng có nhiều người lơi lỏng, số ít những người nghiêm túc cũng “nhắm mắt làm ngơ” thôi. Nhiều đồng nghiệp của tôi bức xúc trước những cảnh tương tự như ở Đồi Ngô, nhưng đã chọn giải pháp không công bố chứng cứ đó bởi khi số đông đã chọn việc nới lỏng, có mấy ai đơn độc làm điều ngược lại?”.
Cô N., một giám thị coi thi tại điểm Trường THPT Quảng Oai, Hà Nội, thừa nhận thí sinh quay cóp nhiều nhất là môn sử. “Tôi đã nhắc nhở các em trước giờ thi và nhắc một lần nữa trước khi tính giờ làm bài. Nhưng các em chỉ ngồi yên khoảng nửa giờ đầu rồi có một vài em loay hoay giở tài liệu. Nói thật, tôi cũng phân vân có nên bắt hay không. Nếu là năm 2007, chắc chắn không còn cách nào khác, vì nếu không làm thì mình sẽ bị đình chỉ, kỷ luật. Nhưng tình hình giờ đã khác, ai cũng ngầm hiểu là nên phiên phiến. Tôi đã làm ngơ. Khoảng 40 phút cuối, số thí sinh quay cóp nhiều hơn. Hầu hết các em sử dụng cuốn tài liệu photo cỡ nhỏ bằng bàn tay” – cô N. kể lại.
Một giáo viên khác coi thi ở quận Long Biên, Hà Nội khi đề cập vấn đề tiêu cực thì nhận xét: “Chuyện thí sinh mang tài liệu vào phòng thi thì có, giám thị cũng biết. Nhưng biết để nhắc các em chứ không đình chỉ. Với tình hình thi cử cả nước như hiện nay, mình nghiêm quá, khắt khe quá, tội HS”.
Và gạn đục, tìm điểm
Là người đã nhiều năm chấm thi, một giáo viên dạy văn tại Đồng Nai tâm tư: “Thực tế chấm thi nhiều năm hé lộ chuyện buông lỏng trong khâu coi thi. Chẳng hạn như việc giám khảo thấy những đoạn văn na ná nhau. Nhiều đồng nghiệp của tôi ở môn khác, tỉnh khác cũng gặp tình trạng này, chấm chéo hay tự chấm bài của HS mình cũng vậy. Các hội đồng chấm chỉ có thể lập biên bản những trường hợp sai giống nhau, chứ giống nhau nhưng đúng làm sao xử lý?”.
Một giáo viên văn từng nhiều năm tham gia chấm thi của Hà Nội cho biết cách chấm ở Hà Nội là “ăn đấu làm khoán”, ai chấm nhiều bài thì được nhiều tiền. Mọi người chấm miệt mài để có số lượng bài chấm nhiều nhất, được nhận mức thù lao nhiều nhất. Tâm lý chung của giám khảo là mong cho HS đỗ tốt nghiệp, nên chấm để làm thế nào các em đỗ nhiều hơn trượt. Cố gắng ưu ái bài làm của HS ở mức độ tối đa, “gạn đục khơi trong” để làm sao các em luôn có điểm. Trường hợp không thể cho điểm nào mới cho điểm 0.
Cũng vì tâm lý “gạn đục khơi trong” của những giám khảo chấm thi mà ở một tỉnh phía Bắc đã có chuyện phải chỉnh lại điểm thi môn sử cho bớt… cao quá. Theo một giám thị chấm thi môn sử của tỉnh này thì sau buổi chấm thi đầu tiên, kết quả 99% bài thi của thí sinh THPT và 100% bài thi của thí sinh hệ giáo dục thường xuyên đạt điểm từ trung bình trở lên, trong đó số bài thi có điểm khá trở lên khá nhiều. Lãnh đạo hội đồng chấm thi cho rằng kết quả như thế thì “lộ” quá, sau này công bố thì xấu hổ nên đã yêu cầu giám khảo chấm chặt hơn. Vì “chấm chặt lại” nên tỉ lệ tốt nghiệp của tỉnh này chỉ đạt trên 98%, thua hẳn các tỉnh miền núi phía Bắc.
Xét tốt nghiệp còn rớt nhiều hơn
Hơn 10 năm đi dạy, làm giám thị, chấm thi, tôi đã hiểu thế nào là nghiêm túc, tính trung thực của ngành mình công tác. Nếu coi thi nghiêm túc, chấm nghiêm túc, tôi đảm bảo tỉ lệ tốt nghiệp chỉ dừng ở mức 80-85%. Không có kỳ thi nào không xuất hiện phao thi. Vẫn còn sờ sờ ra đó những nơi thí sinh tự do trao đổi và chỉ bài cho nhau thì kết quả gần 100% là có thật. Chúng tôi nói với nhau coi thi như thế này, chấm như thế này thì xét tốt nghiệp tại trường thí sinh còn rớt nhiều hơn thi.
Hiện tại kỳ thi này tốn kém bao nhiêu tiền của, công sức của nhân dân! Nhưng với sự thiếu trách nhiệm của bộ, của sở, của ban giám hiệu các trường, các thầy cô giáo đã làm vừa lòng UBND các tỉnh thành và kể cả vừa lòng nhân dân. Nhưng thử hỏi sản phẩm của chúng tôi ra lò là gì? Chúng tôi còn dạy ai, dạy được nữa sao?
Nguồn: tuổi trẻ