Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ quảng cáo đang phải tự xoay xở giữa thời buổi khó khăn hiện nay…
“Đến hết năm 2010, hoạt động kinh doanh của công ty vẫn có lời. Nhưng từ năm 2011 thì bắt đầu khó khăn và từ đầu năm đến nay, khó khăn trở nên cùng cực”, ông Nguyễn Thiện, Giám đốc Công ty Truyền thông Tiêu Điểm tại TPHCM, tâm sự. Ông cho biết công việc chính của ông bây giờ là chuyển sang truyền nghề viết lách để giúp mọi người tự trào, giải tỏa căng thẳng. Còn với hoạt động quảng cáo, ông cho biết là đang… “nín thở chờ thời” dù vẫn còn ấp ủ một số ý tưởng thú vị!
Công ty của ông Thiện là một trong nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ quảng cáo đang phải tự xoay xở giữa thời buổi khó khăn hiện nay. “Hàng tồn kho chất đống, nợ ngân hàng chồng chất, nợ lương công nhân không có trả… buộc các doanh nghiệp phải nghĩ đến việc đầu tiên là cắt giảm chi phí quảng cáo. Khi cắt giảm như vậy đương nhiên các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo sẽ là người “chết” trước!”, ông Thiện giải thích.
Đang dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp thực hiện chuyến caravan ra Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Sơn, Giám đốc Công ty Quảng cáo Phước Sơn, một doanh nghiệp chuyên về quảng cáo ngoài trời tại TPHCM, hồ hởi khoe là đợt này đi quyên góp được khá bộn tiền làm từ thiện và đoàn vừa đến đảo Lý Sơn tặng quà cho con em ngư dân bị nạn. Nhưng khi hỏi đến tình hình kinh doanh, ông Sơn buồn bã cho hay doanh thu của công ty từ đầu năm đến nay giảm chừng phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. “Chúng tôi đang có kế hoạch tuần tới mời chuyên gia để tư vấn tái cơ cấu công ty nhằm cắt giảm tối đa chi phí, trong đó không loại trừ khả năng sẽ tinh giản nhân sự…”, ông Sơn trao đổi với TBKTSG.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Duy Cường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quảng cáo ngoài trời, Giám đốc Công ty Quảng cáo Thái Bình Dương, chi phí quảng cáo bị cắt giảm trong năm nay có khả năng lên tới 40-50%. “Chi phí quảng cáo dành cho các mặt hàng xa xỉ hầu như bị cắt sạch vì doanh nghiệp sợ không bán được. Chỉ có các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn còn quảng cáo, tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng rất cân nhắc, dè sẻn”, ông Cường phân tích. Điều này gây nhiều khó khăn cho ngành quảng cáo nhưng theo ông Cường, khốn đốn nhất vẫn là quảng cáo ngoài trời. “Chưa có con số thống kê nhưng chắc chắn sẽ có một số công ty quảng cáo phá sản”, ông Cường khẳng định.
Cùng ý kiến trên, ông Đỗ Kim Dũng, Giám đốc Công ty Quảng cáo An Tiêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo quảng cáo Việt Nam, cho biết một số công ty như “Unilever cắt giảm tới 30% chi phí quảng cáo ngoài trời” và “anh Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, vừa mới nói với tôi hôm qua là sẽ cắt 10% chi phí quảng cáo”. Ngay công ty của ông, từ đầu năm đến nay cũng giảm gần 1 tỉ đồng doanh thu do bị cắt hợp đồng mặc dù rất may là công ty kiếm thêm được một số hợp đồng mới.
Ông Trần Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Quảng cáo Sài Gòn, dẫn chứng sự “bi đát” của quảng cáo ngoài trời bằng hàng loạt panô quảng cáo trắng, trống trơn nằm dọc trên xa lộ Hà Nội, quốc lộ 51 và các con đường ở nội thành TPHCM. “Chúng tôi nghĩ có tới khoảng 30-40% bảng trắng như vậy đang tồn tại”, ông nói. Ông Nghiệp kể có công ty thậm chí đã đầu tư 300-400 trụ quảng cáo trên địa bàn thành phố, nay đã phải gỡ bỏ do bị khách hàng đột ngột cắt giảm chi phí quảng cáo. Đã vậy, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với giá thuê mặt bằng dựng bảng quảng cáo liên tục tăng, mà theo ông Nghiệp, mức tăng so với trước đây lên tới 50-70%.
“Báo động đỏ” là cụm từ được ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Quảng cáo HTC, nhận định về tình cảnh của các doanh nghiệp quảng cáo hiện nay. Ông Thành cho biết không chỉ quảng cáo ngoài trời mà nhiều chương trình quảng cáo trên ti vi cũng bị cắt giảm, bỏ. Một số chương trình giải trí truyền hình (game show) dù vẫn được cố gắng duy trì, giữ sóng nhưng không có lợi nhuận và đang phải “mướt” mồ hôi tìm nhà tài trợ. Công ty HTC của ông Thành chuyên về sản xuất game show, nay phải chuyển sang làm dịch vụ quảng cáo về golf là lĩnh vực tiềm năng và ít bị cạnh tranh hơn.
Một số công ty quảng cáo ngoài trời như Sài Gòn, Thái Bình Dương… chọn giải pháp kiên quyết loại bỏ không thuê những mặt bằng quảng cáo kém hiệu quả, chỉ giữ lại những điểm thật chiến lược, đắc địa. Ngoài ra, theo ông Nghiệp, Công ty cổ phần Quảng cáo Sài Gòn còn tập trung đầu tư để nâng cao kỹ thuật và chất lượng các phương tiện quảng cáo, chẳng hạn như hệ thống quảng cáo xoay ba mặt… “Có phương tiện quảng cáo tốt thì mới thu hút được khách hàng”, ông Nghiệp giải thích.
Các cơ quan quản lý dường như vẫn chưa có cái nhìn thiện cảm đối với ngành quảng cáo. Ông Nghiệp dẫn chứng mới đây công ty ông đã phải chịu “án oan” khi bị chính quyền phạt 20 triệu đồng chỉ vì một lỗi khá lạ lùng là do ghi tên công ty trên một bảng trắng quảng cáo để khách hàng liên hệ. “Họ nói đó là quảng cáo trái phép và phạt mà không hề có nhắc nhở gì cả”. Việc xử phạt như vậy có vẻ khiên cưỡng và từ đó phát đi một thông điệp không hay, nhất là trong lúc ngành quảng cáo đang phải chật vật tìm cách vượt qua khó khăn.
Theo: Nín thở… quảng cáo – Nguyên Tấn (TBKTSG)