Cương mơ được đi học ngành mà mình yêu thích là ngành công nghệ thông tin, được thỏa chí tò mà, và quan trọng hơn cả là được mọi người xem mình như một người bình thường…
Khi chúng tôi tìm đến nhà, Nguyễn Công Cương (Xóm 3, xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đang ngồi chơi cùng hai cháu bé, đó là con của người anh trai. Thấy chúng tôi, Cương đi nhanh vào nhà và ngập ngừng quan sát những vị khách lạ. Qua cuộc trò chuyện cùng bố mẹ, Cương dần trở nên mạnh dạn hơn.
Bố Cương – ông Nguyễn Công Hưng đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày đất nước thống nhất, chàng trai Nguyễn Công Hưng trở về quê hương sau khi đã gửi lại “Đất mẹ” một phần máu thịt của mình. Hành trang ngày về ngoài những chiến công anh dũng thì cơ thể ông đã ngấm một thứ chất độc ghê gớm khác. Đó là chất độc màu da cam (Dioxin). Ông là nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chất độc màu da cam, những người con của ông không tránh khỏi những di chứng.
Ông Hưng có 4 người con thì 3 người sau đều bị nhiễm chất độc da cam, nhưng nặng nhất là người con út Nguyễn Công Cương. Cương bị câm, hai tay bị teo nhỏ, người gầy yếu, duy chỉ có đôi chân nhanh nhẹn làm mọi việc thay đôi tay một cách thuần thục. “Nó là đứa kém may mắn nhất nhưng cũng nghị lực nhất”, ông Hưng nhìn con trai và nói.
Thứ chất độc màu da cam không chỉ gây ra dị tật, làm rối loạn chức năng của cơ thể, mà còn gây ra những cơn động kinh bất thường… và điều nguy hiểm là nó có thể xảy ra với “những đứa trẻ da cam” bất cứ lúc nào.
Bà Lê Thị Huệ, mẹ Cương kể lại, khi sinh Cương ra, ông bà vui mừng vì nhìn cậu con trai lành lặn và khuôn mặt trông sáng sủa, thông minh, sức khỏe bình thường. Nhưng năm lên 7 tuổi, Cương bỗng dưng mắc một chứng bệnh ngứa khắp người, rồi sau đó chân tay teo dần và không thể nói được nữa. Đến tuổi đi học, bạn bè Cương đều được đến trường, nhưng do mặc cảm với xã hội và sợ Cương bị bạn bè xa lánh, lo cho sức khỏe của con nên gia đình không dám cho cậu bé đi học.
Lớn lên một chút, nhìn bạn bè được đi học Cương buồn lắm, lúc nào cũng thui thủi ra đầu ngõ dùng chân quắp hòn sỏi hay hòn gạch, khi thì cái que, than củi để tập viết. Cương viết lên tường, lên nền nhà, sân gạch, bất cứ chỗ nào có thể viết được. Nằm trên giường, Cương cũng viết lên tường. Bây giờ, trên tường vẫn còn “bút tích” của lòng ham học từ Cương.
Tuy không nói được, Cương vẫn còn một chút may mắn là vẫn có thể nghe. Cậu bé giao tiếp với mọi người trong nhà bằng cách viết lên nền gạch. Khi ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, mẹ Cương đóng vai trò làm cầu nối, còn cậu bé dùng chân viết chay lên sàn nhà. Mẹ Cương hiểu ý con rất nhanh. Bà nói: “Lâu dần rồi cũng quen, lúc cần nói gì tiện đâu Cương viết đó. Ban đầu, phải dùng gạch hoặc phấn, sau thì chỉ cần dùng chân không người thân trong nhà đều hiểu”.
Những dòng chữ ngoằn ngèo, xiêu vẹo rồi cũng dần vào hàng lối và ngay ngắn nhờ sự miệt mài cố gắng của Cương. Những ngày đầu mới đi học, Cương còn ngần ngại khi bạn bè ít tuổi hơn cứ nhìn mình chằm chằm. Thầy cô thì ngại ngần khi nhận Cương vào lớp mình chủ nhiệm vì sợ tụt mất danh hiệu thi đua của lớp. Cương được ngồi ở chiếc ghế riêng và được nhà trường quan tâm đặc biệt. Một thời gian ngắn sau, Cương bắt đầu tiếp thu bài vở nhanh chóng, thậm chí còn khá hơn học sinh bình thường. Cậu bé thể hiện tinh thần ham học hỏi của mình bằng thành tích trong quá trình học tập.
Do đôi bàn tay bị teo lại, co quắp trước ngực, không thể tự mình làm tất cả mọi việc nên Cương thường dậy rất sớm, để vừa học bài, sau đó nhờ mẹ và anh chị mặc quần áo cho kịp giờ đến trường. Kể từ ngày được đến lớp, Cương chưa hề nghỉ học một buổi nào. Nếu trên lớp chép bài không kịp, Cương mượn vở bạn về chép cho đầy đủ. Nhìn những trang vở của cậu bé, ít ai có thể nghĩ, những dòng chữ thẳng đều tăp tắp, cẩn thận sạch sẽ đó lại được viết nên bởi “đôi chân da cam”. Bằng lòng kiên trì, say mê đã giúp Cương gặt hái được nhiều thành tích đáng kể trong học tập, được thầy yêu, bạn mến.
Hiện nay, Cương đã tốt nghiệp Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, Quỳnh Thuận, Nghệ An. Cương ước mơ được đi học nghề máy tính, vì em có niềm đam mê đặc biệt với công nghệ thông tin. Mặc dù gia đình đã cố gắng liên hệ để xin cho Cương được đi học nghề, nhưng vì Cương không thể tự lo cho bản thân mình, nên ước mơ của cậu bé vẫn còn rất xa xôi. Khi bà Huệ nói đến đây, đôi mắt thông minh của Cương chợt trùng xuống. Cậu bé nhìn đôi chân của mình, tỏ vẻ thất vọng. Cương bảo: “Em chỉ mong được đi học, không chỉ vì em yêu thích công nghệ thông tin, nếu được học em sẽ có cơ hội được đi làm kiếm tiền, bố mẹ sẽ bớt vất vả hơn”.
Chúng tôi chào tạm biệt Cương và gia đình, canh cánh theo bên mình ước mơ của Công Cương. Hy vọng trong thời gian không xa, điều Cương mong ước sẽ trở thành hiện thực.
Nguồn: Việt Báo