Bill Gates châu Á và bí quyết lập nghiệp

Con đường đưa Trương Minh Chính (Steve Chang) đến với vị trí Chủ tịch Trend Micro – một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên phát triển các phần mềm diệt virus máy tính, bảo mật lnternet.

Năm 1988, tên tuổi của Trương được biết đến khi chàng sinh viên thành lập Công ty Trend Micro với số vốn khiêm tốn là 5.000 đôla Mỹ thu được từ việc bán phần mềm diệt virus. Đến năm 2006, công ty của Trương đã đạt doanh thu 850 triệu đôla Mỹ và tạo ra hơn 4.000 việc làm tại hơn 40 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, chiếm 55% doanh số của thị trường phần mềm châu Á. Từ đây Trương được báo chí thế giới gọi là “Bill Gates của châu Á”. Ông đã từng lọt vào danh sách “25 nhân vật có ảnh hưởng nhất châu Á năm 2001 do ZDNET Asia bình chọn, được Business Week trao giải “Ngôi sao châu Á” năm 1999, được Asio Business LeoderAwards bầu chọn là “Người sáng lập của năm 2004”.

Là một tập đoàn xuyên quốc gia, Trend Micro có đội ngũ nhân viên với những quốc tịch, màu da và bản sắc văn hóa khác nhau. Để khắc phục khó khăn này, ban lãnh đạo đã nỗ lực không ngừng để tạo nên một môi trường làm việc thuận lợi, hòa đồng, tạo niềm hứng thú.

Từ những bài học kinh nghiệm quý báu của chính những người sáng lập Trend Micro, Xu thế không gì ngăn cản nổi sẽ giúp các doanh nhân hiểu được những khó khăn gian khổ trong bước đầu lập nghiệp cũng như những bí quyết dẫn tới thành công.

Phá kén xông ra

Lập nghiệp bằng còn đường kinh doanh là ước mơ của rất nhiều người. Nếu thành công thì nhìn bề ngoài mọi kết quả hầu như là giống nhau, đều phát tài, hưởng phúc, công thành danh toại. Còn như lý do ban đầu thúc đẩy ta lập nghiệp thì đó là ý đồ, hoài bão, ước mơ thậm chí là nỗi khổ tâm của mỗi người. Con người không ai giống ai, mà quá trình lập nghiệp thì gian nan vô kể, “người ngoài cuộc không ai thấu hiểu”, không kể sao cho xiết. Tại sao Minh Chính lại lựa chọn con đường kinh doanh? Một người bạn cũng là tác giả cuốn sách “Xu thế không thể cưỡng lại” đã nói về Chính như sau:

“Đối với những người trời phú cho tính không bao giờ chịu ngồi yên, mạnh dạn theo đuổi sự thay đổi như anh ấy, thật không thể tưởng tượng nổi nếu anh ấy trở thành một viên chức nhà nước rồi leo dần lên các nấc thang cao hơn trong sự nghiệp. Trái lại, tự mình khởi sự kinh doanh mới là lẽ sống tất yếu của anh ấy, là điều không ai có thể nghi ngờ được.

Lần đầu tiên chúng tôi quen nhau là khi anh ấy học đại học năm thứ tư, mới 22 tuổi, còn tôi đại học năm thứ hai, vừa tròn 20 tuổi. Lúc ấy, chúng tôi chỉ biết hưởng thụ cuộc sống, vui chơi thỏa thích, mơ ước viển vông rằng sau khi tốt nghiệp, chúng tôi sẽ cùng nắm tay nhau đi tới tận cùng trời cuối đất, tương lai là một màu hồng lãng mạn đầy ánh sáng tươi vui. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến cuộc sống mưu sinh sau này. Tôi cũng không nghĩ người chồng của mình là một doanh nhân. Những năm gần đây, Minh Chính giảng bài ở trường đại học, sinh viên thường hỏi anh:

“Chúng em cần phải làm gì để có thể sớm lập nghiệp?”

Anh ấy không cần do dự trả lời ngay:

“Các em nên tranh thủ yêu đương hết mình, khiêu vũ, vui chơi, thỉnh thoảng hãy nhớ đến đọc sách, học bài là được, cần gì phải nghĩ đến lập nghiệp?”

Kiểu trả lời như thế luôn gây ra trận cười, nhưng những lời nói này không hề hài hước, mà chính là tâm sự thật lòng rút ra từ tâm can của anh ấy.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chúng tôi ra nước ngoài du học, cưới nhau rồi sinh con, mọi việc diễn ra chỉ gói gọn trong vòng hai năm ngắn ngủi. Công việc đầu tiên anh ấy lựa chọn có mục đích chính là “học cách khởi sự kinh doanh”. Đều này trái ngược với mục tiêu mà anh ấy đã xác định trong thời gian du học là tìm kiếm công việc đáp ứng được các yêu cầu: thu nhập cao và ổn định, phúc lợi ưu đãi, nghỉ phép nhiều ngày… Rất nhiều bạn bè thân thiết ở Mỹ đều cho đó là lựa chọn sai lầm khi anh ấy chọn một công ty nhỏ ở New York làm điểm khởi đầu lập nghiệp. Và ước muốn của Minh Chính đã trở thành hiện thực. Anh ấy đã phấn đấu hết sức, chấp nhận bị bóc lột sức lao động, không tính toán thời lượng làm việc, cũng không màng đến chức vị thăng tiến. Điều anh ấy quan tâm nhất là thách thức của công việc và các cơ hội học hỏi ông chủ.

Hai năm sau, trong sự tiếc nuối và khó hiểu của bạn bè, anh ấy từ bỏ mức lương cao và chức vị tiến sĩ đã ở trong tầm tay, trở về HP Đài Loan làm nhân viên marketing. Anh ấy muốn trở về quê hương (tiếp cận thị trường, tìm hiểu khách hàng) để nắm bắt ưu thế của việc lập nghiệp tại Đài Loan sau này. Lương lậu, chức vị, tiền thưởng, anh ấy hoàn toàn không để tâm đến. Chưa đầy hai năm, lo lắng sẽ bị mê hoặc bởi môi trường làm việc ổn định với nhiều đãi ngộ ở HP, và sợ mất cơ hội thực hiện mục đích cao cả, một lần nữa, Steve lại dấn thân vào bể khổ, sốt sắng vào chốn rừng gươm, vạc dầu, khi chuyển sang giữ chức tổng giám đốc cho một đại lý hệ thống máy vi tính mini. Anh nói với tôi rằng đây là một cơ hội tốt hiếm có để tích lũy kinh nghiệm. Tôi chỉ mỉm cười nói:

“Thiên đường có lối anh không đi, địa ngục không có cửa lại tự xuống.”

Qua hai năm, quả nhiên anh ấy đã học được rất nhiều điều từ các cổ đông, khách hàng, nhân viên… Cuối cùng, khi mọi thứ đã được chuẩn bị chu đáo, anh ấy quyết tâm bước trên con đường lập nghiệp. Từ năm 1983, anh sáng lập ra Asia Tek Imformation với mục đích phát triển hệ cơ sở dữ liệu tiếng Trung, tiếp theo đó là bộ lưu điện (UPS). Năm 1985, Steve đã sai lầm nhảy vào lĩnh vực giải trí khi sáng lập ra KTV. Năm 1986, anh ấy bán Asia Tek Imformation và tiến một bước sâu, rộng hơn nhằm khai thác thị trường nước ngoài. Năm 1988, sáng lập ra Trend Micro ở cả Los Angeles và Đài Bắc. Trải qua rất nhiều thất bại, bỏ ra vô số tiền của để mua lấy bài học kinh nghiệm, đến năm 1998, cổ phiếu của Trend Micro xuất hiện trên sàn giao dịch chứng khoán Nhật Bản, anh ấy mới thật sự được mở mày mở mặt, cảm nhận niềm hạnh phúc khi “lập nghiệp thành công”.

Khi nhìn lại, xem ra việc cổ phần hóa là lẽ đương nhiên, nhưng trước, chúng tôi đã phải trải qua vô vàn đau khổ, trăn trở mà những người ngoài không thể hiểu được. Chỉ vì phân vân không biết có nên thay đổi mọi thứ đang diễn ra một cách hoàn hảo, từ bỏ cuộc sống rất ổn định để tự chuốc lấy ưu phiền hay không, năm lần bảy lượt suy nghĩ về mục đích của việc lập nghiệp, ý nghĩa cuộc sống, rất nhiều điều có thể xảy ra cùng lúc, khiến chúng tôi có lúc do dự băn khoăn, trằn trọc cả đêm không chợp mắt.

Tồn tại hay không tồn tại

Đó là vào năm 1996, cũng gần được tám năm kể từ khi sáng lập ra Trend Micro, chúng tôi đang tập trung phát triển phần mềm diệt virus ở Đài Loan. Đối với người sử dụng cá nhân, phần mềm Pc-cillin của chúng tôi đã có chút danh tiếng trên thế giới và nhanh chóng dẫn đầu thị trường Nhật Bản và Đài Loan. Đối với các phần mềm phòng chống virus mạng, chúng tôi đang có mối hợp tác rất tốt đẹp với bộ phận ứng dụng mạng của Intel. Intel phụ trách bán hàng ở thị trường châu Âu và châu Mỹ, chúng tôi phụ trách thị trường ở châu Á. Hàng năm, trừ phần doanh thu, chúng tôi còn kiếm được một khoản tiền trị giá gần năm triệu đôla Mỹ từ quyền sở hữu trí tuệ do các hãng sản xuất chip lớn chi trả. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của chúng tôi đạt trên 80%, tỷ suất lợi nhuận gộp là 95%, hệ số lợi nhuận ròng duy trì xấp xỉ 40%. Tất cả mọi việc đều thuận buồm xuôi gió. Minh Chính tràn đầy niềm tin vào viễn cảnh của công ty, nguồn sáng tạo của Di Hoa thì luôn dồi dào, nội lực của nhân viên trong công ty sôi sục mãnh liệt khiến các công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực phải ghen tị, tỷ suất lợi nhuận cao đến mức không cổ đông nào có thể phàn nàn.

Tôi không còn phải lo lắng đến kinh tế gia đình nữa, không còn phải lo sợ lập nghiệp không thành, cũng không hối tiếc vì không được tiếp tục theo đuổi nghệ thuật và văn học nữa.

Chúng tôi đều rất hài lòng và mãn nguyện vì sớm có mối hợp tác chiến lược với Intel, mang lại nguồn lợi nhuận to lớn, cho phép công ty có thể chuyên tâm phát triển công nghệ. Chúng tôi luôn cho rằng sách lược liên minh là một nước cờ cao tay, là công thức thành công. Nhưng Peter Wolff, anh bạn gốc Do Thái, người nhiều năm quản lý quỹ đầu tư kỹ thuật cao cho công ty lại cười giễu cho rằng chúng tôi khờ khạo:

“Các bạn chẳng khác nào một miếng thịt mỡ béo ngậy trên thị trường, ai cũng muốn cắn một miếng để tẩm bổ. Các bạn đã không nhận thức được giá trị đích thực của mình, để cho người khác thả sức cắn mình mà vẫn thấy thích thú, vui vẻ.”

Những lời chế giễu này phần nào đã làm nhụt ý chí của chúng tôi.

“Hiện nay chúng tôi kiếm được nhiều tiền lại không phải lo lắng nhiều, có gì là không tốt chứ? Đã là miếng thịt mỡ cho người khác ăn thì có sao đâu.”

Tính tôi vốn thanh bạch, không ham danh lợi, rất nhút nhát trên thương trường, hài lòng với những gì mình đang có. Đối với tương lai, tôi không có tính toán ngông cuồng gì, thường chỉ mỉm cười mỗi khi có ý kiến phản bác. Còn Minh Chính lại rất thích thảo luận với anh ta về sự phát triển, mở rộng của công ty và những vấn đề về nguồn vốn, mục tiêu của các cổ đông. Bất chấp sự ngốc nghếch và tính thỏa mãn của chúng tôi, Peter Wolff, người đã tận mắt chứng kiến những thăng trầm của công ty, luôn cố gắng thuyết phục bằng những lập luận tha thiết nhất rằng chúng tôi nên rời xa Intel, tạo ra những bước đột phá: chuẩn bị vốn liếng bằng con đường phát hành cổ phiếu, chỉ có như vậy mới có thể tiếp tục bước lên những đỉnh cao mới và khám phá được tiềm năng của chính mình.

Ngoài ra, Tổng giám đốc Quản lý mạng của Intel là Ed Ekstrom có mối quan hệ tình cảm rất sâu đậm với chúng tôi, hiểu rằng chúng tôi luôn có quan niệm thuận theo vô vi, thường nửa đùa nửa thật nói:

“Sao không bán công ty cho Intel, ba người các bạn cầm lấy một số tiền mặt lớn đi tắm biển Caribe hưởng thụ cuộc sống, như vậy há chẳng phải tuyệt vời hơn sao? Hà tất phải nhọc nhằn theo đuổi công việc kinh doanh?”

Đây thật sự là những điều trong tâm gan của chúng tôi. Bầu trời trong xanh, nước biển hiền hòa ở Hawaii, những ngọn sóng dường như đang dập dìu trước mắt tôi. Anh ấy nói đùa mà lại hóa thật. Những lời xác nhận của anh ấy không khác nào dâng lên cho tôi bản hợp đồng để thỏa thuận giá cả. 8 triệu đôla. Bấy giờ, số tiền đó là quá hào phóng khi mà Trend Micro còn chưa đủ lông đủ cánh, huống hồ quá nửa lợi nhuận kinh doanh của Trend Micro có nguồn gốc từ chính Intel. Minh Chính không có chút hứng thú nào với việc này, Di Hoa càng cương quyết phản đối mạnh mẽ việc ký vào bản “văn tự bán thân” để trở thành người làm công ăn lương cho Intel.

Vấn đề đặt ra là tiếp tục một mình kinh doanh, mong muốn hiện tại tốt đẹp sẽ kéo dài mãi mãi? Hay là hợp nhất với Intel để đảm bảo lợi ích? Hoặc là bứt lên một tầm cao mới, phát hành cổ phiếu ra thị trường? Đây là con đường sinh tồn mà công ty cần phải lựa chọn. Vấn đề cơ bản nhất bây giờ là tồn tại hay không tồn tại. Cuối cùng chúng tôi mong muốn đạt được cái gì? Mục đích lập nghiệp là gì? Một cuộc sống ra sao đây?

Mục đích của việc khởi sự kinh doanh

Vì vận mệnh của công ty, ba người chúng tôi lần đầu tiên cùng nhau thảo luận về động cơ ban đầu của việc lập nghiệp và những khát vọng trong tương lai.

“Em có thể vượt qua thách thức với giới hạn năng lực cao nhất của mình, dẫn dắt một đội ngũ gồm những con người thông minh, biến những suy nghĩ sáng tạo trong đầu thành những sản phẩm trong thực tế, kiếm tiền từ việc kinh doanh. Đây là niềm đam mê lớn nhất và cũng là điều em trân trọng nhất.”

Là một trong những người sáng lập ra Trend Micro đồng thời là giám đốc kỹ thuật, tuổi còn trẻ mà đã đạt giải thưởng của tạp chí Secure Computing, hiển nhiên Di Hoa muốn dấn thân vào con đường khởi nghiệp nhằm phát huy khả năng của mình.

“Tôi thì chỉ đi theo chồng, giúp gia đình cải thiện kinh tế. Lập nghiệp có thể không phải là nguyện ước đầu đời của tôi. Đây là câu trả lời công khai tôi hay nói. Cách nói này có phần thực lòng, nếu như không phải vì cùng với Minh Chính cho tròn giấc mộng, người học văn như tôi sao có thể dấn thân vào ngành thông tin. Hơn nữa, thời kỳ đầu lập nghiệp, kinh tế gia đình rất khó khăn. Tôi cũng không phủ nhận câu trả lời đó có một chút giả dối. Sự biến động của việc kinh doanh cuốn hút tôi hơn nhiều so với việc trở thành nhà văn, kinh nghiệm cuộc sống cũng phong phú và đa dạng hơn. Vì lý do này nên tôi thật sự đam mê kinh doanh. Đã có vài lần tôi có cơ hội trở về với giới xuất bản, nhưng cuối cùng tôi vẫn lựa chọn tiếp tục con đường phát triển Trend Micro.”

Mục đích của bất kỳ công ty nào là tạo ra lợi nhuận cho cổ đông. Minh Chính là đầu tàu dẫn dắt mọi người và cũng là người chịu trách nhiệm về sự thành bại của công ty. Bình thường, anh ấy vẫn cười vui hay la mắng nhân viên, không chấp chuyện nhỏ nhặt. Nhưng nếu là chuyện quan trọng thì anh ấy rất nghiêm khắc. Theo anh, không cần biết động cơ lập nghiệp ban đầu là gì, trong môi trường định hướng tư bản chủ nghĩa, chúng ta cần phải thông hiểu, mục đích của công ty là tạo ra lợi nhuận lớn nhất cho cổ đông, thứ đến mới là phục vụ khách hàng, sau cùng mới là đem lại việc làm cho người làm công. Tận hưởng hay hoàn thành hoài bão ước vọng của chúng ta kỳ thực đều là thứ giá trị phụ của mỗi người.

Từ khi sáng lập ra Trend Micro đến nay, cùng với sự trưởng thành của công ty, ba người chúng tôi cùng tích lũy được nhiều kinh nghiệm và học vấn. Sau khi đã tốt nghiệp chuyên ngành toán ứng dụng Đại học Fu-Jen, Minh Chính học tiếp thạc sĩ chuyên ngành thông tin máy tính ở Đại học Lehigh, Pennsylvania. Di Hoa sau khi tốt nghiệp khoa Triết của Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan, đã học tiếp bằng thạc sĩ về quản trị quốc tế và quản lý thông tin ở trường Đại học Dalas, bang Texas. Còn tôi sau khi tốt nghiệp khoa Trung văn Đại học Đài Bắc, liền theo Minh Chính đến Mỹ để học những khóa học cơ bản về công nghệ thông tin. Những điều được học ở trường lớp đương nhiên là không đủ cho công việc kinh doanh. Cho dù chúng tôi thường xuyên nghiên cứu tìm đọc rất nhiều cuốn sách về quản trị, cũng như thường xuyên nghe những bài giảng và lời khuyên của các bậc tiền bối trong giới kinh doanh, nhưng trường học tốt nhất là thực tế hoạt động kinh doanh. Dần dần từng bước một, chúng tôi đã tích lũy những kinh nghiệm phong phú đa dạng về thương mại, khởi nghiệp thậm chí là cuộc sống, và đương nhiên cách suy nghĩ thay đổi.

Minh Chính thường suy nghĩ xem bước đi tiếp theo như thế nào. Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, chúng tôi trông chờ vào nỗ lực của bản thân, cũng là do một phần để thỏa mãn thú vui, một phần để kiểm tra khả năng chịu đựng, nắm được vận mệnh của bản thân. Nhưng rồi trách nhiệm cứ lớn dần lên từng ngày – trách nhiệm với khách hàng, đội ngũ nhân viên, cổ đông. Đôi lúc bạn phải chấp nhận một thực tế: cái gì đến sẽ đến. Thực tế đã vượt ra ngoài hứng thú cũng như ý chí, tầm kiểm soát của bất kỳ cá nhân nào. Hơn nữa, gia đình nhỏ của chúng tôi cũng đang dần dần lớn lên, hai đứa con trai lớn dần. Chúng tôi cảm thấy trách nhiệm trên vai càng thêm nặng nề. Chúng tôi phải bước trên một nấc thang mới của cuộc đời, không thể tiếp tục sống tùy tiện, như trước.

(Trích cuốn ‘Xu thế không thể cưỡng lại’ do Công ty Alpha Books phát hành)

Cùng chuyên mục