Học phí tăng, tiền thuê nhà, giá cả thực phẩm leo thang khiến nhiều gia đình cân nhắc việc cho con du học tự túc. Với những người quyết tâm du học, các chuyên gia tư vấn khuyên nên chuẩn bị kỹ kế hoạch tiết kiệm trước khi lên đường.
Giá tăng, nhu cầu giảm
Cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã gây ảnh hướng cho nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó có dịch vụ giáo dục. Học phí, sinh hoạt phí, đủ các loại… phí tăng nhanh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của du học sinh nơi đất khách.
Theo bà Trần Thị Dần – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Du học Quốc tế Sunrise, do được quyền tự chủ, học phí của nhiều trường đại học tư ở Anh tăng khoảng 3 – 5% vì trượt giá.
Tại Úc, bà Nguyễn Trung Hà, Giám đốc chi nhánh IDP tại Hà Nội cho biết, các trường cũng đều có sự điểu chỉnh tăng học phí của năm sau so với năm trước, nhất là trong thời này.
Còn Nguyễn Thủy Tiên – Sinh viên Đại học Aix Marseille II, Pháp phàn nàn, giá thực phẩm như rau xanh, thịt, gạo… đắt lên từ hồi tháng 5/2008. Nếu như trước đó, một túi gạo 5 kg bán tại Marseille giá 5 Euro, thì giờ đã tăng lên 9,4 Euro. Tiền Ký túc xá tăng 20 Euro, Tiền vé xe bus tăng lên 280 Euro/năm (cách đây 2 năm là 200 Euro)…
Nắm bắt được thực trạng này, Nguyễn Quốc Huy – học sinh lớp 12 ở quận Long Biên, Hà Nội, cân nhắc: “Tìm hiểu trên diễn đàn, trang web của các trường và qua anh chị đi trước, em biết giá cả ở nhiều nước tăng lên chóng mặt. Chính vì thế, em xin ý kiến bố mẹ hoãn kế hoạch du học tự túc ở Anh lại một năm, vừa chờ giá hạ nhiệt, lại có thêm thời gian học ngoại ngữ”.
Còn bà Nguyễn Thị Hòa (quận Hoàng Mai, Hà Nội), sau khi tìm hiểu thông tin tại một hội thảo du học Anh, băn khoăn: Nếu cho con gái đi vào thời điểm này, có thể gia đình sẽ phải chi gấp 1,5 đến 2 lần khoản tiền so với thời điểm cách đây một năm.
Có nên du học thời khủng hoảng hiện nay cũng là câu hỏi được nhiều học sinh, phụ huynh nêu ra tại những cuộc hội thảo du học thời gian gần đây. Nó cũng là topic đang nóng trên một số diễn đàn về du học.
Sự dè dặt của gia đình và người trong cuộc phần nào đã ảnh hưởng đến thị trường du học trong nước. Số người thông qua trung tâm tư vấn du học du học giảm đáng kể, nhất là đối với những nơi có quy mô nhỏ, ít tên tuổi.
Lên kế hoạch tiết kiệm
Nhiều năm làm tư vấn du học Úc ở Việt Nam, bà Hà cho rằng, dù thị trường du học bị ảnh hưởng bởi lạm phát nhưng nhiều gia đình vẫn gửi con ra nước ngoài vì kế hoạch du học thường được hoạch địch trước từ nhiều năm, do đó thường có sự chuẩn bị kỹ về tài chính.
“Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều phụ huynh nhận định, khủng hoảng và khó khăn tài chính chỉ là tạm thời, việc đầu tư cho con em học tập là không thể trì hoãn, nên không ít gia đình sẵn sàng cắt giảm chi tiêu để tập trung cho con du học”.
“Tuy nhiên, thời gian tới, các gia đình sẽ cân nhắc hơn khi chọn địa điểm và trường học cho con. Họ sẽ ưu tiên lựa chọn những nơi chi phí sinh hoạt dễ chịu, những trường có mức học phí thấp hơn.
Bên cạnh đó, các khóa học có thời gian rút ngắn sẽ được nhiều gia đình chú ý vì giảm được đáng kể chi phí. Thời gian học tiếng Anh ở nước ngoài có thể cũng sẽ bị rút xuống, thay vào đó là học tiếng Anh trong nước để tiết kiệm” – Bà Hà nhận định.
Chia sẻ quan điểm trên, bà Trần Thị Dần cho rằng: “Để tiết kiệm, xu hướng của du học sinh sẽ là chọn những trường có chi phí thấp. Vì thế, trường công lập với học phí rẻ hơn sẽ thu hút được nhiều sinh viên quốc tế hơn”.
Bà Dần khuyên rằng, học sinh, sinh viên nên có kế hoạch tiết kiệm cụ thể ngay trước khi lên đường: nên truy cập vào trang web của trường đại học dự định theo học để tham khảo mức học phí, chương trình học, chi phí ăn ở, sinh hoạt, đi lại… để chủ động dự trù.
“Các em cũng nên lên kế hoạch chi tiết và đặt vé tàu, xe, máy bay qua mạng trước ngày lên đường nhiều tháng trước để mua được vé rẻ, vừa chủ động lại chắc chắn… Khi mới sang, nên hạn chế ăn ở nhà hàng mà tự nấu ăn ở nhà. Để tiết kiệm, nhiều du học sinh còn mang thức ăn tự nấu đến trường ăn trưa” – Bà Dần chia sẻ.
Theo những “ma cũ” đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, du học sinh nên liên hệ tìm chỗ ở trước khi đi. Phần lớn các trường đều có bộ phận tư vấn tuyển sinh, hỗ trợ sinh viên quốc tế, học sinh nên liên hệ với họ để tìm hiểu thông tin về dịch vụ nhà ở và những vấn đề khác.
Lần đầu xuất ngoại, không nên mang quá nhiều tiền, nên gửi tiền nhờ người thân giữ hộ hoặc gửi vào tài khoản của người thân. Trong trường hợp “thân cô thế cố”, các bạn nên lập tài khoản riêng ngay sau khi sang trường.
Nguyễn Quốc Định – Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Phòng vệ Nhật Bản nêu một thực tế, nhiều du học sinh được cấp học bổng, thả phanh mua sắm ngay khi nhận tiền, khiến thâm hụt ngân sách.
“Các bạn nên có kế hoạch chi tiêu cụ thể, tuỳ vào số tiền mình có mà mua sắm phù hợp. Khi mới sang, nên nhờ anh chị dẫn đi mua hàng ở những nơi bán giá rẻ. Các bạn cũng nên đọc sách, mượn tài liệu ở thư viện, internet để tiết kiệm…” – Định nói
Nguồn:Tiền Phong online