Ngoài “giắt lưng” một vốn ngoại ngữ dồi dào, bạn còn cần gì nữa nhỉ?
Tự thân vận động
Bước chân vào môi trường ngoại quốc, trước hết bạn cần nhanh chóng tạm biệt cách học có phần thụ động, an nhàn và làm quen với phương pháp “luôn tự học”. Ở nhiều trường, mỗi kỳ thường có ít môn nhưng khối lượng kiến thức rất nhiều, trên lớp thầy cô không giảng tất cả mọi thứ. Vì thế, bạn buộc phải tự giác và linh hoạt trong việc tiếp thu kiến thức, giải quyết một số lượng lớn các bài tập về nhà (problem sets), bài đọc (reading assignment), bài viết (papers), bài thuyết trình cũng như chuẩn bị cho các bài kiểm tra và kỳ thi.
Để làm được điều đó, bạn cần dành nhiều thời gian để tìm tòi và nghiên cứu. Vào thư viện, lên internet tìm hiểu thông tin để viết bài, đọc những tài liệu tham khảo dài dằng dặc là chuyện chẳng có gì phải kêu ca đâu nhé!
“Dính” thầy cô
Ở trong nước, một lớp học thường có mấy chục, thậm chí hàng trăm học sinh nên sự quan tâm của giáo viên đối với từng học sinh rất hạn chế. Hơn nữa, học sinh luôn có thói quen nghĩ rằng: thầy cô chỉ đơn thuần là… thầy cô, nên vô tình giữa học trò và thầy cô luôn tồn tại một khoảng cách nhất định.
Tuy nhiên, ở nước ngoài số lượng học sinh cực ít trong một lớp học nên giáo viên rất quan tâm tới từng thành viên, đặc biệt là du học sinh. Vì thế, đừng ngần ngại tiếp xúc và trao đổi với thầy cô về tất cả những vấn đề gặp phải trong quá trình học. Thầy cô sẽ nhiệt tình giúp đỡ bạn, không chỉ trong học tập mà còn cả cuộc sống nữa đấy!
“Chăm” kết bạn
Một thân một mình ở xứ người, chắc chắn bạn sẽ không thể nào sống tốt nếu thiếu những người bạn. Trong học tập cũng vậy, bạn cùng lớp, cùng nhóm sẽ là những người đồng hành cùng bạn trong suốt cả quá trình học “tha hương”.
Chương trình học ở nước ngoài luôn coi trọng phương pháp làm việc nhóm (team work). Ở đó bạn và những người bạn bản địa hoặc quốc tế khác sẽ là một tập thể thống nhất để giải quyết các vấn đề bài học. Vì thế, bạn sẽ không thể học tốt được với phương pháp này nếu như cứ “thu lu” một chỗ, không chịu hòa đồng với bạn bè. Hơn nữa, hòa đồng với bạn bè còn giúp bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp cực nhanh luôn.
Tự tin mọi lúc
Đừng để những tự ti về khả năng ngoại ngữ không tốt hay bất cứ điều gì khác trở thành rào cản khi thể hiện bản thân. Một ví dụ nhỏ, bạn phải thuyết trình trước thầy cô và tập thể lớp cực kỳ thường xuyên, nếu không rèn luyện sự tự tin, bạn sẽ không thể hoàn thành tốt phần thuyết trình.
Tự tin còn giúp bạn năng tiếp xúc với thầy cô, bạn bè và gây ấn tượng tốt với tất cả mọi người, từ đó nhiều cơ hội bất ngờ mở ra mà chính bạn cũng không ngờ tới!
Bạn đã “gói ghém” đủ những tip trên để sẵn sàng đi du học chưa nào?
Theo Tiin