Hiền một mình cắt rừng, băng suối, leo núi, mắc võng dựng lều trong rừng sâu, ăn ở với đồng bào dân tộc thiểu số…chỉ vì niềm đam mê đặc biệt với những cây dược liệu.
Khi học năm thứ hai ĐH DượcHà Nội, Trần Thị Hiền làm quen với môn đa dạng sinh học. Từ đó, những hình ảnh trong bài giảng như rừng nguyên sinh, những cây dược liệu quý… được Hiền dành sự quan tâm đặc biệt. Vào các dịp cuối tuần, nghỉ hè hoặc có thời gian rảnh, Hiền vác balô một mình đi tìm kiếm và nghiên cứu về các loài cây dược liệu ở những vùng rừng núi.
Khi nghe ở Phong Nha, Kẻ Bàng có cây thất diệp đởm mọc, Hiền lặn lội một tuần ở đó quyết tâm tìm được loài cây này. Người ta ví cây này là sâm phương nam vì chữa được khá nhiều bệnh và có tác dụng bổ dưỡng như sâm, và điều đặc biệt là thường mọc ở Nam bán cầu.
Đây là khám phá bất ngờ vì từ trước đến giờ trong sách vở cây này chỉ có ở vùng ôn đới núi cao, nhưng Hiền tìm thấy ở vùng khí hậu nhiệt đới như Quảng Bình. Hiền cho biết: “Đây là loại dược liệu rất quý nước ta phải nhập khẩu từ Trung Quốc tới 99%. Việc phát hiện thất diệp đởm ở Quảng Bình sẽ mở ra khả năng nhân giống và trồng trên diện rộng để đáp ứng nhu cầu sử dụng cao ở trong nước. Vì ở đây có nhiều yếu tố về điều kiện sống mà loài cây này thích nghi như có nước và đá vôi”.
Gần đây, Hiền hoàn tất chuyến đi 36 ngày xuyên Việt qua hơn 20 tỉnh, thành với quyết tâm có một cái nhìn tổng thể và khái quát hơn về sự phân bố của các loài cây dược liệu trên nước ta.
Mỗi chuyến đi, Hiền tự xác định cho mình một thể loại cây nhất định rồi tìm kiếm và nghiên cứu như: cây giảm đau, cây chữa đau dạ dày, cây có độc tính mạnh… Đến nay, Hiền đã mang trên dưới 400 mẫu tiêu bản về phòng lưu trữ cũng như vườn cây thuốc của trường.
Kinh nghiệm bốn năm đi điền dã từ vùng Tây Bắc, miền Trung, Tây nguyên… bây giờ Hiền có thể giao tiếp bằng tiếng Dao, tiếng Tày, Nùng, Sán Chay… nhờ ăn ở, ngủ cùng người dân.
Qua những chuyến đi, Hiền phát hiện nhiều điều lý thú trong văn hóa sử dụng cây thuốc của người dân tộc thiểu số. Họ có những cách sử dụng độc đáo nhưng đơn giản và rất có lợi cho sức khỏe.
Hiền trăn trở là bà con chỉ biết vào rừng khai thác thuốc, không biết trồng nhân giống. Hiền và tiến sĩ Trần Văn Ơn (ĐH Dược Hà Nội) nhiều lần vào rừng tìm lấy những giống cây thuốc quý, đem về chỉ dẫn cho bà con cách ươm trồng, chăm sóc; vận động và hướng dẫn kỹ thuật để bà con phát triển cây dược liệu ngay trong vườn nhà.
Biết thông tin người Dao Đỏ (SaPa) có thuốc tắm bằng cây thuốc lá cho phụ nữ sau khi sinh có tác dụng hồi phục sức khỏe, chữa phù, đau thần kinh, cảm cúm…, Hiền lặn lội đến tận các bản của họ ăn ở hàng tháng trời để nghiên cứu sâu về loại dược liệu độc đáo này.
Từ bài thuốc của người Dao, các khu du lịch, khách sạn đã tận dụng để đưa thành một dịch vụ kinh doanh. Hiền giúp đồng bào dân tộc xây dựng cho mình một thương hiệu thuốc tắm lá để nâng cao chất lượng sản xuất cũng như thu nhập. Hiền cùng với các sinh viên và giảng viên của ĐH Dược đã cô đọng thành công những vị thuốc lấy từ các lá cây trong bài thuốc tắm lá của người Dao thành dạng cao rất dễ sử dụng.
Hiền vừa nhận được học bổng toàn phần đi nước ngoài hai năm làm luận án thạc sĩ với đề tài “Đưa thành phần hóa học của cây thuốc thành dạng bào chế hiện đại”. Cô gái trẻ cho biết ra nước ngoài học tiếp là bước đệm để sau này về nước thực hiện ước mơ xây dựng thương hiệu cho dược liệu dân tộc Việt Nam.
(Theo Tuổi Trẻ Online)