(hieuhoc_hieuhoc.com) Tập trung khi nghe giảng bài ở trên lớp giúp bạn “thuộc bài” mà không phải dành nhiều thời gian để ôn lại môn học, và chỉ cần xem lại chỗ nào chưa hiểu.
Rất nhiều bạn nghe giảng nhưng do thiếu tập trung nên không hiểu bài, không nắm bắt được thông tin bài học dẫn tới việc học tập kém hiệu quả. Vậy làm thế nào để có thể nghe giảng một cách hiệu quả?
Đế nghe giảng một cách có hiệu quả là một quá trình cần có những kỹ năng nhất định, bạn cần phải luyện tập thường xuyên để có một thói quen nghe giảng tốt nhất.
Kỹ năng tập trung : Việc trước tiên cần làm là gác hết những việc không liên quan đến bài học hiện tại lại. Nếu làm việc riêng, nghĩ ngợi những việc không liên quan đến bài học sẽ làm đầu óc của bạn phân tâm. Hãy gạt những suy nghĩ vu vơ ra khỏi đầu, đừng để những cảm xúc vui buồn bất chợt chi phối sự tập trung của bạn. Khi có một nguyên nhân nào đó khiến bạn mất tập trung, hãy nỗ lực dừng những suy nghĩ ngoài luồng đó lại và kéo sự chú ý của bản thân vào bài học trở lại một cách nhanh nhất có thể. Việc tập trung sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề của bài học nhanh chóng hơn rất nhiều.
Ghi chép trong quá trình nghe giảng giúp bạn tập trung hơn: không phải chỉ ngồi nghe chăm chú những lời thầy cô giáo nói là đã nghe hiệu quả. Ghi chép là một việc rất quan trọng trong quá trình nghe giảng của bạn. Nghe, nhìn vào người giảng và ghi chép là ba hoạt động gắn bó mật thiết trong quá trình nghe giảng.
Khi giảng bài, thầy cô giáo ghi bài trên bảng theo cấu trúc bài học, bạn cần ghi theo cấu trúc và bổ sung những ý chính theo cách của bạn chứ đừng ghi chép toàn bộ bài giảng. Bạn cần chú ý đến những điểm sau đây:
+ Tập trung theo dõi bài giảng, nói chung chưa nên nghĩ đến việc sẽ làm gì vì điều đó sẽ phá vỡ logic của quá trình nghe giảng.
+ Tập trung nghe, hiểu vấn đề rồi ghi theo ý hiểu của mình. (Cần lưu ý các chữ viết tắt để có thể đọc được sau này)
+ Chú ý ghi dàn bài để nhìn được khái quát cấu trúc chung của bài giảng.
+ Tập trung vào những nội dung chính, những điểm quan trọng nhất mà giảng viên thường nhấn mạnh qua ngữ điệu, qua việc nhắc lại nhiều lần.
+ Chú ý đến các bảng tóm tắt, các sơ đồ và các tài liệu trực quan khác mà giảng viên đã giới thiệu, vì đây là lúc người thầy hệ thống hóa, so sánh, phân tích… để đi đến kết luận và rút ra cái mới.
+ Không bóp méo các dữ kiện khi tóm tắt chúng.
+ Khi gặp chỗ khó, không hiểu hãy tạm thời gác lại và sẽ cố gắng tìm hiểu những điều đó sau để quá trình nghe giảng không bị gián đoạn.
+ Khi bài giảng dừng lại, có thể nêu câu hỏi để đào sâu kiến thức, liên hệ thực tiễn và làm rõ những chỗ chưa hiểu, việc này làm củng cố sự chú ý nghe giảng.
Bạn đừng nghĩ rằng chỉ nghe, không cần ghi chép vì tất cả đã có trong sách. Nhưng như vậy thì chưa đủ để tạo lập sự liên kết giữa giáo trình và lời giảng. Bạn phải tạo ra sự liên kết đó, bởi điều gì được viết ra thì sẽ ghi nhớ sâu đậm hơn. Ngoài ra, để trên lớp hiểu bài hơn, bạn hãy xem trước bài học. Điều này giúp bạn định hình được nội dung kiến thức sẽ học, khi lên lớp những điều thầy cô giảng không hoàn toàn mới mẻ với bạn và chuẩn bị câu hỏi, những vấn đề bạn chưa hiểu; hoặc bạn có cách lý giải khác về bài học để đến lớp đặt câu hỏi nhờ thầy cô giáo giải đáp.
Tóm lại, để mau thuộc bài, bạn phải tập trung nghe giảng:
– Đừng ngại đặt câu hỏi cho thầy cô; bạn cần ra khỏi lớp với sự hiểu bài đến mức tối đa.
– Nên ghi chép trong quá trình nghe giảng, việc này giúp bạn luôn ở trạng thái tập trung.
– Để lên lớp hiểu bài hơn, bạn hãy nghiên cứu nó trước.
Nghe giảng là một kỹ năng trong rất nhiều kỹ năng học tập trên lớp bạn cần phải có, tập trung nghe giảng không chỉ giúp ích cho việc học tập của bạn trên lớp mà còn giúp bạn rất nhiều trong quá trình học tập, làm việc và cả trong đời sống.
Chúc bạn thành công
Khải Quân tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)