Nghề báo và bản lĩnh của những người đưa tin

(hieuhoc_hieuhoc.com): Mỗi ngày, khi bình minh ló dạng, mọi người trên khắp Trái Đất thức dậy đón chào ngày mới, phải chăng đều giống nhau ở chỗ cùng chung câu hỏi: “Hôm nay có gì mới?”.

Và ai nấy đều mong ước được trả lời ngay, được biết lập tức. Nhu cầu chung ấy của nhân loại gọi là nhu cầu cần được thông tin, môt nhu cầu tinh thần thiết yếu của con người.

Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ làm thỏa mãn nhu cầu ấy? Đó chính là các nhà báo với sản phẩn của họ là báo chí.

Nhà báo – anh là ai?

Nhà báo là người làm nghề đưa tin chuyên nghiệp. Nhiệm vụ đặc thù của nhà báo là tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin về tất cả những sự kiện mới mà công chúng cần được biết mỗi ngày mỗi giờ, thậm chí mỗi phút mỗi giây.

Nhà báo có thể làm việc ở nhiều nơi, với nhiều vị trí. Tuy nhiên, các vị trí này đều liên quan đến vấn đề thông tin – truyền thông.

– Làm việc tại các tòa soạn báo, đài phát thanh, truyền hình. Đây là nơi làm việc mà các nhà báo làm nhiều nhất.

– Làm việc trong lĩnh vực chỉ đạo hoặc quản lý Nhà nước về báo chí.

– Làm việc trong các phòng thông tin – báo chí.

– Làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo báo chí.

– Làm việc trong các tổ chức quốc tế, tùy viên báo chí tại các Đại sứ quán trong và ngoài nước.

Tiềm năng của nghề báo

Một nghề năng động và luôn luôn mới:

Báo chí luôn là một trong những nghề nghiệp tạo cho bạn nhiều cảm giác năng động và mới mẻ nhất. Đơn giản là vì bạn là người đưa tin về cái mới. Nếu bạn chán ghét sự lặp lại đơn điệu thì nghề báo rất đáng để bạn lưu tâm.

Dòng sự kiện đang trôi chảy liên tục ngoài kia, và còn gì tuyệt vời hơn khi chính bạn – nhà báo luôn là người tới trước, biết trước để rồi chuyển đến công chúng.

Bạn luôn có cơ hội với báo chí nếu bạn thật sự đam mê

Bản thân báo chí là môt nghề nghiệp đặc thù. Không phải chỉ khi có một chỗ ngồi thật ổn định ở một cơ quan báo chí, bạn mới là nhà báo thực thụ. Các tòa soạn báo luôn cần những cộng tác viên nhiệt tình, hăng hái. Thêm vào đó, với sự phát triển của báo chí internet tại nước ta hiện nay, cánh cửa cơ hội với bạn luôn rộng mở.

Bạn có điều kiện khẳng định mình

Bạn hoàn toàn có thể dựng lên “chân dung” riêng biệt của mình, không lẫn vào ai trên trang báo, làn sóng phát thanh, màn ảnh truyền hình và trong lòng công chúng.

Bạn nắm trong tay sức mạnh công luận

Là người tạo lập và hướng dẫn dư luận xã hội, bạn là người đại diện cho tiếng nói của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhưng cũng chính vì vậy hãy cẩn thận lời ăn tiếng nói của bạn trên các mặt báo.

Khó khăn cũng luôn đi kèm với cơ hội

Nghề báo là 1 nghề khá khắc nghiệt. Bởi vậy trên thế giới có không ít nước xếp nghề báo là nghề nguy hiểm. Những nhà báo đi tác nghiệp trong điều kiện thời tiết xấu như lũ lụt, gió bão, đi thâm nhập vào các tổ chức xã hội đen, các vụ mua bán phi pháp hay các cuộc bạo động… đều có nguy cơ cao đeo dọa đến tính mạng. Chẳng vậy mà thỉnh thoảng bạn vẫn có thể thấy có tin nhà báo này nhà báo kia bị đánh đập, đe dọa, bị bắt hay sát hại… bởi những thế lực ngầm. Tuy nhiên, đó là trên thế giới, ở Việt Nam thì tình hình dịu hơn nhưng cũng không ít nguy cơ rình rập.

Bên cạnh đó, áp lực về tốc độ cập nhật thông tin mới khiến cho các nhà báo luôn phải “vắt chân lên cổ mà chạy” để đến trực tiếp hiện trường hay liên hệ gấp được với nhân vật để lấy được thông tin kịp thời.

Những tố chất giúp bạn thành công trong nghề báo

– Có năng khiếu phát hiện thông tin. Năng khiếu này thể hiện ở việc bạn quan tâm đến các sự kiện và cuộc sống luôn mới mẻ dù ở những góc quen thuộc nhất. Bạn nhanh nhạy và tháo vát hơn mọi người trong việc tiếp nhận và xử lí thông tin

– Có năng khiếu truyền tin. Phát hiện thông tin chưa đủ, bạn còn phải quyết định thông tin đó có nên đưa tời công chúng không và đưa tới ở mức độ nào. Bạn phải biết cách chọn lọc thông tin, chi tiết, biết cách khiến nó trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu và thực sự cần thiết với công chúng.

– Đam mê nghề thông tin. Dòng chảy bất tận của thông tin đầy ma lực nhưng cũng dễ vắt kiệt sức lực của bạn. Làm nghề báo bạn rất dễ bị căng thẳng về thần kinh trước áp lực của công việc và sự kiện. Chính vì vậy, hãy tự xem bạn có đam mê nghề thông tin không?

– Có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất chính trị trong sáng. Báo chí là nghề hoạt động chính trị – xã hội, là người nắm trong nay sức mạnh công luận, chỉ cần 1 bài báo cũng có thể khơi dậy tinh thần tích cực hay là làn sóng phản đối của công chúng. Chính vì vậy, các nhà báo phải có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất chính trị trong sáng, đạo đức nghề nghiệp cao độ, có trách nhiệm với thông tin mình đưa đến công chúng.

– Nhà báo phải có một vốn văn hóa, vốn sống phong phú.

– Nhà báo phải là người có bản lĩnh cao để có thể vượt qua những nguy hiểm rình rập, những áp lực thông tin.

– Có trình độ ngoại ngữ, tin học vững vàng để dễ dàng tác nghiệp ở mọi nơi, với mọi đối tượng.

– Ưa vận động. Với nghề báo, bạn thường phải bôn ba nhiều nơi. Chẳng ai có thể ngồi một chỗ để làm báo. Bởi vậy thích đi và biết cách đi là một trong những yếu tố quan trọng của nghề báo.

Học nghề báo ở đâu?

– Học viện Báo chí – Tuyên truyền:
Ðịa chỉ: 36 Xuân Thuỷ, Q.Cầu Giấy, Hà Nội
Tel: 04. 8330963 – Fax: 04. 8333949
Email: hvbctt@ajc.edu.vn
Website: www.ajc.edu.vn

– ĐH KHXH&NV Hà Nội – Khoa Báo chí:
Địa chỉ: 336 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội
Tel: 04.8583799; Fax: 04.858382
Email: contact@ussh.edu.vn
Website: http://www.ussh.edu.vn

– ĐH Khoa học Huế:
Địa chỉ: 77 Nguyễn Huệ, TP.Huế
Điện thoại: 054. 826767 – Fax: 054. 824901
Website: www.husc.edu.vn

– ĐH KHXH&NV TP.HCM – Bộ môn Báo chí & Truyền thông:
10 – 12 Đinh Tiên Hoàng, P.Bến Nghé, Q.1, Tp.HCM
Điện thoại: 08.8293828 – 08.8221909 ; Fax: 08.8221903
Email:ussh@hcmussh.edu.vnphongdaotao@hcmussh.edu.vn
Website: www.hcmussh.edu.vn

Như Tâm (tổng hợp từ tủ sách “Nhất nghệ tinh” của NXB Kim Đồng)

Bài liên quan

Nghề Báo, Chỉ Cần Mê Đọc Sách Báo Là Đủ?

Hỏi: Em rất mê đọc các tác phẩm văn học, những truyện ngắn, tiểu thuyết và ngay cả sách báo. Hầu như tin tức ở đâu, em cũng biết. Em thiết nghĩ nếu đọc nhiều như vậy thì khả năng viết văn của em sẽ khá hơn. Thế nhưng, mỗi khi làm bài, thầy giáo chỉ phê vào giấy kiểm tra là “câu què cụt, thiếu hình tượng, nghèo ý tưởng”. Em muốn thi vào khoa Ngữ văn- Báo chí (ĐH KHXH & NV) thì phải làm sao?

Cùng chuyên mục