Cột mốc mới của từ điển Việt & Anh

Theo giới từ điển học thì từ trước đến nay, số từ điển Việt – Anh nổi bật ở Việt Nam chỉ có vài quyển, mà Từ điển Việt – Anh của ban biên soạn Gia Vũ vừa phát hành là một.

Nếu so với hai Từ điển Việt – Anh của Nguyễn Văn Tạo (2.000 trang, tháng 4.1975) và của Bùi Phụng (xấp xỉ 320.000 từ, 2004) thì quyển này đồ sộ hơn cả về số trang (hơn 2.700 trang, khổ 19 x 27cm) và cả số từ.

Điểm khác biệt duy nhất và cũng là ưu điểm của quyển này ở chỗ: nó là từ điển ngôn ngữ, trong khi nhiều quyển khác đều là từ điển phổ thông. Từ điển phổ thông chỉ liệt kê từ vựng (các mục từ – entry) và cho từ tiếng Anh tương đương vào, không giải thích nghĩa tiếng Việt, cũng như chỉ dẫn cách dùng.

Từ điển ngôn ngữ, phong phú và chu đáo hơn, cung cấp mọi thông tin có thể có về ngữ học, trước khi trình bày nghĩa tiếng Anh tương đương. Cụ thể là, nó có thông tin về từ loại, chức năng ngữ pháp và từ nguyên của mỗi mục từ (entry), sau đó là định nghĩa và cách dùng cho entry đó. Ngoài ra, nó còn phần note (ghi chú) để giải nghĩa những từ khó, từ cổ, các trường hợp đồng nghĩa hay phản nghĩa…

Ban biên soạn từ điển Gia Vũ (khoảng 20 người thường xuyên và mấy chục cố vấn) kế thừa, mô phỏng bố cục, hình thức và cách trình bày nội dung cuốn Oxford Advanced Learner’s Dictionary, do đó nó đã đạt được những tiêu chuẩn và tầm cỡ mà các từ điển Việt – Anh trước đây chưa có. Nó có thể trở thành tài liệu học tiếng Việt cho người nước ngoài vốn đã quen dùng tự điển tiêu chuẩn; trước khi vào chính văn, quyển này có phần hướng dẫn sử dụng từ điển rất chi tiết.

Nói nôm na, đây là quyển từ điển kết hợp, bao gồm từ điển tiếng Việt và từ điển Việt – Anh. Do đó, độc giả có thể dùng nó như từ điển tiếng Việt để học tiếng Việt (hiểu rõ hơn các từ Hán – Việt, văn ngôn dẫn chứng, tiếng lóng… chẳng hạn), song song với việc học tiếng Anh.

Quyển này còn có phần phụ lục khá công phu, dày dặn về nhân danh và địa danh Trung Quốc theo mã hoá pinyin (bính âm), nhằm giúp độc giả tra được tên trong tiếng Anh, vốn rất khó khăn và chẳng có quy luật gì. Ví dụ: Lương Khải Siêu (Liang Qi Chao), Tiết Nhân Quý (Xue Ren Gui), Thạch Gia Trang (Shijiazhuang Shi)…

Phải mất hơn mười năm, bộ Từ điển Việt – Anh (NXB Khoa học xã hội, 2011) của Gia Vũ mới thực hiện xong (*), do Nguyễn Lương Ngọc, Tô Vân Sơn và Vũ Đình Thân chủ biên. Dĩ nhiên, khi đi vào chi tiết, với hơn 2.700 trang sách, sai sót là điều khó tránh khỏi, nhưng có thể xem đây là viên đá nền tảng ở Việt Nam để xây dựng phong cách làm từ điển khoa học, đạt tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Theo: Khoa giáo/SGTT.VN (*)
Vào lúc 9 giờ ngày 28.5 tại đại học Hoa Sen
(93 Cao Thắng, TP.HCM) sẽ diễn ra hội thảo giới thiệu công trình này.

Bài liên quan

Ai đã làm ra quyển từ điển tiếng Anh đầu tiên?

Bạn có biết từ điển ra đời khi nào không? Trong tiếng La Tinh có từ "diccionarius" có nghĩa là "sưu tập các từ". Một thày giáo người Anh tên là Jonh Garland đã tuyển tập một số từ tiếng La Tinh vào "diccionarius" để bắt buộc các học sinh của mình phải học thuộc.

Cùng chuyên mục