Thế nào là rét đậm, rét hại? Căn cứ vào đâu để chia rét đậm, rét hại?
– Rét đậm: Khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 13 đến 15 độ C.
– Rét hại: Khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực giảm xuống dưới 13 độ C.
Trong các bản tin dự báo thời tiết thường đề cập đến hiện tượng rét đậm, rét hại. Hiện tượng này chủ yếu được hiểu cho vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nơi có các hoạt động sản xuất nông nghiệp nhiều nhất vào mùa lạnh. Các thuật ngữ này không áp dụng đối với vùng núi vì ở đó rét đậm, rét hại không phải xảy ra từng đợt mà hầu như xảy ra suốt tháng. Ví dụ: tại Sapa (Lào Cai), rét đậm hầu như xảy ra suốt tháng 12, tháng 1 và tháng 2.
Trên thực tế, sản xuất ở Việt Nam với cây lúa là cây lương thực chủ đạo. Thuật ngữ rét đậm, rét hại được sử dụng chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Các nhà khoa học đã tính toán được rằng khi nhiệt độ trung bình ngày dưới ngưỡng rét đậm, rét hại sẽ ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây lúa.
Nếu rét đậm, rét hại xảy ra trong một ngày thì cây lúa vẫn có khả năng quang hợp và phát triển bình thường. Nếu kéo dài từ 2 ngày trở lên thì cây lúa sẽ không còn khả năng quang hợp và tự bảo vệ mình dẫn đến không còn khả năng đề kháng và bị chết.
Một điều chú ý là nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ C và 13 độ C phải gắn với hiện trạng thời tiết nhiều mây, đầy mây và có thể có mưa nhỏ, khi đó mới được coi là rét đậm, rét hại. Trong thực tế, vào những ngày trời quang mây về đêm, nhiệt độ xuống rất thấp, nhưng ban ngày trời nắng nhiệt độ lên rất cao, nhiệt độ trung bình ngày vẫn có thể dưới 15 độ C nhưng không được coi là rét đậm.
Theo: GS Lê Đình Quang (Trung tâm KHCN KTTV và Môi trường)/(Khoa-hoc)