10 bộ phận vô dụng trên cơ thể người?

Trên cơ thể người có tồn tại bộ phận nào thực sự vô dụng? Thực tế, không ai muốn “đèo bòng” ruột thừa cho tới khi nó “thể hiện”. Điều này cũng tương tự với răng khôn. Hãy cùng trang Discovery điểm lại 10 bộ phận bị coi là “vô dụng” nhất đối với cơ thể người theo mức độ tăng dần.

10. Nếp semilunaris (mí mắt thứ ba)

Bạn có thể không biết sự thật rằng bạn có một mí mắt thứ ba. Hãy kéo lật hai mí mắt dễ thấy hơn và nhìn kỹ: nó nằm ngay trong góc, cạnh ống dẫn nước mắt. Mí mắt thứ ba là phần còn lại của cái được biết đến như là một “màng nháy” – bộ phận vẫn còn hiện diện ở động vật như gà, thằn lằn và cá mập.

9. Lông trên cơ thể

Không có nghi ngờ gì về việc cơ thể con người từng lông lá hơn hiện nay rất nhiều. Cho tới tận cách đây khoảng 3 triệu năm, cơ thể chúng ta còn bị một lớp lông dày đặc bao phủ. Nhưng khi người đứng thẳng (tên khoa học là Homo erectus) bắt đầu hiện diện trên Trái đất thì khả năng toát mồ hôi đồng nghĩa với việc chúng ta có thể rụng bỏ lớp vỏ bọc lông lá.

8. Các xoang

Giới bác sĩ không thực sự biết nhiều về các xoang và chỉ chắc chắn rằng con người có rất nhiều xoang. Một số người cho rằng, xoang có thể đảm nhiệm các chức năng từ bảo vệ đôi mắt tới thay đổi âm sắc và âm vực của giọng nói của chúng ta.

7. Các hạch vòm họng

Các hạch vòm họng ngăn cản vi khuẩn nhưng chúng cũng dễ bị viêm sưng và nhiễm trùng. May mắn thay, cách hạch vòm họng của chúng ta teo đi theo tuổi tác và thường bị loại bỏ, cùng với amiđan.

6. Amiđan

Amiđan cũng dễ bị viêm sưng và nhiễm trùng. Nếu bạn vẫn “chung sống hoà bình” với nó khi bước vào độ tuổi ngoài 30 thì đây gần như là một kỳ tích.

5. Xương cụt

Phần xương sống dôi ra này là dấu vết duy nhất sót lại của chiếc đuôi mà các loài thú vẫn dùng để giữ thăng bằng hay giao tiếp. Khi tổ tiên của loài người học cách đứng thẳng, chiếc đuôi trở nên vô nghĩa và nó từ từ biến mất. Có nhiều tài liệu y học ghi lại rằng, khi phẫu thuật loại bỏ xương cụt, nó chẳng gây ảnh hưởng nào đáng kể.

4. Lớp cơ sợi mỏng erector pili

Thuở sơ khai, khi loài người còn lông lá hơn, lớp cơ sợi mỏng erector pili co thắt làm tóc và lông dựng dứng lúc họ cần khiến mình trông to lớn hơn và đáng sợ hơn. Hiện tại, lớp cơ này chỉ khiến tóc và lông dựng đứng khi chúng ta lạnh hay sợ hãi, và trên da nổi những hạt li ti mà ta gọi là “sởn tóc gáy” hoặc “nổi da gà”.

3. Răng khôn

Trước đây, khi con người còn gặm xương và ăn thịt voi ma mút mà không xỉa răng sau đó, răng của họ có xu hướng bị gãy rụng nhiều. Do vậy, sự hiện diện của các răng hàm dự trữ, hay còn gọi là “răng khôn”, rất được hoan nghênh. Tuy nhiên, ngày nay, việc bảo vệ hàm răng theo các thành tựu nha khoa chỉ khiến chúng trở thành những kẻ “ăn bám” vô dụng.

2. Ruột thừa

Nhà bác học Darwin từng tuyên bố rằng, ruột thừa chỉ hữu ích đối với việc tiêu hóa khi tổ tiên chúng ta còn ăn cây cỏ. Nó đã thu nhỏ tới mức hiện tại kể từ khi con người bắt đầu thu nạp các thức ăn dễ tiêu hóa hơn.

1. Núm vú nam giới

Núm vú ở nam giới được coi là một dạng dấu tích cổ xưa, có thể từng đóng vai trò nhỏ trong việc kích thích tình dục và một số rất ít đàn ông cũng có thể tiết sữa. Tuy nhiên, chúng hiện không có chức năng đầy đủ và khối u có thể mọc lên ở đó.

Theo: (Discovery/VNN)

Bài liên quan

Cùng chuyên mục