Beatbox: Chỉ cần một chiếc míc, họ vẫn có thể tạo được những giai điệu dồn dập, sôi nổi. Giới trẻ gọi họ là phù thủy nhạc miệng
Khởi nguồn Beatbox: Beatbox được cộng đồng đường phố của người Mỹ da đen sáng tạo cách đây 30 năm. Sau này nó được đông đảo giới trẻ khắp thế giới đón nhận và phát triển.
Từ lúc tòa nhà C (ĐH Hà Nội) khánh thành, đại sảnh ở tầng 9 trở thành nơi xả stress của sinh viên (SV) sau những tiết học căng thẳng. Trong số những câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt ở đây có L8Z với những bạn trẻ đam mê nhạc miệng.
Cuối giờ chiều, gần 20 bạn trẻ dồn về một góc đại sảnh. Họ quây quanh chiếc loa nhỏ được kích hoạt bằng nguồn điện 12 V, dẫn từ chiếc ắc quy xe máy đặt cạnh đó. Chiếc loa nhỏ, nhưng những giai điệu phát ra cũng đủ cho những người đứng quanh nhún nhẩy theo. Tiếng chát, xịch, bụp bùm… có tiết tấu dồn dập nghe như một nghệ sĩ đang chơi solo. Tất cả giai điệu đó được phát ra từ miệng của Lê Minh Thắng và Đức Anh, SV ĐH Hà Nội, thành viên CLB nhạc miệng L8Z.
Hai bạn đang biểu diễn đoạn nhạc vừa tập được từ videoclip của nước ngoài cho các thành viên khác của CLB xem và học theo. “Beatbox là nghệ thuật tạo ra những bản nhạc bằng miệng. Người chơi có thể dùng miệng, môi, lưỡi, giọng và nhiều khẩu âm khác để bắt chước âm thanh của trống điện tử, trống cơ, tiếng đàn… và sắp xếp thành đoạn nhạc có tiết tấu, giai điệu”, Vinh Hiển, SV ĐH Mở Hà Nội, thủ lĩnh L8Z, cho biết.
Thắng, Hiển và Đức Anh biết beatbox từ hồi phổ thông qua diễn đàn www.beatboxingclub.com do những chàng trai chơi beatbox đầu tiên tại Hà Nội lập ra. “Lúc đầu tập, bố mẹ bảo thằng này bị ấm đầu, suốt ngày chat chat, bụp bụp. Em toàn phải chui vào nhà vệ sinh để tập. Sau này em làm được những đoạn nhạc dài, nghe thấy hay nên bố mẹ ủng hộ”, Đức Anh kể.
Các thành viên L8Z tâm sự beatbox đem lại cảm hứng, sự thư thái sau những giờ học tập căng thẳng. Chơi beatbox giúp bạn trẻ có hơi thở, lá phổi khỏe hơn so với người bình thường. Đặc biệt, nó còn giúp người chơi cảm thụ tốt về âm nhạc.
Từ diễn đàn, Thắng, Hiển và Đức Anh biết nhau qua những video nhạc miệng do chính họ thể hiện. Lúc đó Vinh Hiển (học sinh trường Phan Đình Phùng) đã nổi tiếng qua những giáo trình dạy beatbox bằng tiếng Việt đầu tiên tại Việt Nam được đăng tải trên nhiều diễn đàn.
Hiển quay clip quá trình tập luyện của mình, hướng dẫn bằng tiếng Việt cách tạo âm thanh bằng miệng từ dễ đến khó… rồi đăng tải trên mạng. Mùa hè năm 2009, Hiển cùng những người bạn lập CLB Echo, sinh hoạt tại ĐH Y Hà Nội.
Do không có địa điểm cố định, thành viên chủ chốt lại bận việc nên sau hơn 1 năm, CLB gần như không có hoạt động gì. Đầu năm học 2010, Hiển gặp những người bạn cùng sinh hoạt trên diễn đàn và lập ra L8Z.
Chỉ sau ít ngày ra đời, L8Z đã tập hợp được hơn 20 người, trong đó có những thành viên nhí, trẻ nhất một học sinh lớp 8. Tài sản của L8Z chỉ là 3 chiếc míc, 1 chiếc loa 12 V, 1 bình ắc quy xe máy. Khó khăn về địa điểm được khắc phục khi L8Z mượn được đại sảnh trên toà nhà C.
Hàng tuần L8Z tập 2 buổi vào chiều thứ 3 và Chủ nhật. Ngoài ra, họ vẫn sinh hoạt trên diễn đàn cùng với các nhóm beatbox khác. Diễn đàn thường tổ chức thi đấu online. Thành viên tự đăng tải lên mạng những clip do mình trình diễn để mọi người bầu chọn.
Mục tiêu của L8Z là tạo ra sân chơi lành mạnh, đưa beatbox đến được với nhiều bạn trẻ hơn. Cả ba chàng thủ lĩnh của L8Z mong muốn sẽ sớm có thành viên tham dự các giải đấu beatbox do quốc tế tổ chức.
“Tại Việt Nam, khoảng năm 2003, beatbox mới được du nhập vào và có những người chơi tiên phong như Minh Kiên; Tùng con, Hùng KA… Đây là những bạn trẻ đầu tiên tại Hà Nội chơi beatbox và góp công lớn trong việc giới thiệu, quảng bá nó tới công chúng”, Vinh Hiển cho biết.
Theo Tiền Phong