Không ít trường danh tiếng tổ chức những khóa học không theo tiêu chuẩn giáo dục và vô cùng kỳ lạ như “Niềm vui của rác” hay “Khóa học về thây ma”.
Rất nhiều khóa học chỉ nghe đến tên đã khiến nhiều người bật cười và cảm thấy thú vị, ví dụ như khóa học “Nghệ thuật… đi bộ” của trường Centre College thuộc ĐH bang Kentucky. Nghe có vẻ như vô cùng đơn giản nhưng môn đi bộ lại được các giáo sư Centre College giảng dạy với sự nhiệt tình và nghiêm túc. Khóa học bao gồm nhiều bài giảng và tất nhiên có các cuộc đi dạo quanh khu vực Danville, Kentucky, vừa đi vừa lắng nghe về bảo tồn thiên nhiên, lịch sử các trận chiến, các khu nghĩa trang, các trang trại… Sinh viên cũng được giao các bài tập đi bộ tự do thay vì đọc sách và làm tiểu luận trên giấy. (Hình: Đi bộ cũng phải học).
Cũng kỳ lạ không kém, ĐH Santa Clara đã mở khóa học mang tên “Niềm vui của rác”, cho phép sinh viên thực sự đi sâu vào khoa học thông qua các loại rác thải. Tham gia khóa học này, sinh viên được nghiên cứu về sự phân hủy của tác, điều gì làm cho đất bị mục nát, các hóa chất có trong rác… Không chỉ tìm hiểu về rác thải sinh hoạt, khóa học này còn cho sinh viên cái nhìn tổng quát về rác thải hạt nhân, sinh viên còn được đến khu vực các nhà máy và bãi rác thải để tìm hiểu thực tế.
Ngoài những khóa học mang tính thực tế kể trên, nhiều ĐH lại tổ chức những lớp học mang hơi hướng viễn tưởng, xuất phát từ những bộ phim và trò chơi không có thật. Một trong số đó phải kể đến khóa học “Khoa học của Harry Potter” của ĐH bang Frostburg. Lớp học thảo luận về các chủ đề như liệu Fluffy có phải là chú chó ba đầu theo cách giải thích về gene; hay việc nghiên cứu chống trọng lực có thể tạo ra… chổi bay được không. Khóa học này lấy hình mẫu từ cuốn sách: “The Science of Harry Potter: How Magic Really Works” (Khoa học của Harry Potter: Phép thuật thực sự hoạt động như thế nào) của Roger Highfield. (Hình: Có môn học lấy cảm hứng từ bộ truyện Harry Potter).
ĐH Berkley, California, lại mở khóa học “Chiến lược trong StarCraft”, một trò chơi chiến thuật phổ biến. Lớp học sử dụng StarCraft để dạy sinh viên về nghệ thuật chiến tranh, thảo luận chiến lược, chiến thuật trong trò chơi.
Ngoài ra còn rất nhiều khóa học “có một không hai” khác trên thế giới. ĐH bang Iowa có khóa học chuyên về Elvis Presley, khám phá những bài hát của ông và những nhân tố đã giúp ông nổi tiếng. Trường Bucknell có khóa học nghiên cứu về mối liên hệ giữa ma thuật và… chính trị. Williams College thậm chí còn cung cấp khóa học mang tên “Shopping, sự khao khát mua bán”, chuyên nghiên cứu về lịch sử của shopping, của các cửa hàng nhỏ đến các trung tâm lớn, nghiên cứu vì sao con người thích mua sắm…
ĐH Indiana lại cung cấp khóa học về “Nghệ thuật và khoa học về Bia”. Sinh viên theo học sẽ học về lịch sử của bia và những ứng dụng của bia trong cuộc sống và khoa học. “Văn hóa học đường và đồ uống” là khóa học của ĐH Duke, chuyên nghiên cứu những lý do văn hóa và xã hội vì sao học sinh sinh viên thích tham gia vào các hoạt động có đồ uống có cồn. Còn ĐH bang Oklahoma có khóa học nghiên cứu về các loại đồ uống riêng của mỗi quốc gia và những định kiến xã hội đi kèm. (Uống bia cũng có thể trở thành một môn học).
ĐH bang Ohio có một khóa học rất kì lạ: khóa học dành cho các… khán giả. Khóa học này sẽ giúp các sinh viên trở thành những khán giả thông thái nhất. Nó cung cấp cho các sinh viên luật lệ và những điều thú vị của bốn môn thể thao có khán giả xem đông nhất của nước Mỹ: hockey, bóng bầu dục, bóng chày và bóng rổ.
ĐH Michigan thì có khóa học “Làm thế nào để trở thành… gay?”. Tham gia khóa học này sinh viên sẽ biết thêm rất nhiều về âm nhạc, phim ảnh và thời trang bên cạnh các kiến thức sinh học. Bên cạnh đó là các khóa học về “Cách nghỉ ngơi và những phương pháp chống stress” tại trường ĐH Iowa, “Lịch sử các kiểu tóc của người Mỹ gốc Phi” của ĐH Stanford, “Cách phòng chống cháy nổ dưới nước” tại ĐH Louisiana-Monroe.
ĐH Baltimore mở khóa học về… thây ma. Các xác chết được phù phép sống lại sẽ trở thành nhân vật chính trong khóa học tiếng Anh của ĐH Baltimore. Sinh viên sẽ được khám phá thế giới của quỷ dữ trong văn hóa dân gian hiện đại.
Giáo sư Arnold Blumberg cho biết, sinh viên sẽ được xem 16 bộ phim thây ma kinh điển, đọc truyện tranh về thây ma và có cơ hội viết kịch bản cho chính bộ phim về ma quỷ của riêng mình.
Jonathan Shorr, Chủ tịch Hội thiết kế truyền thông của ĐH Baltimore, cho hay trường muốn tạo ra một sự thay đổi cho các khóa học để thu hút sự hứng thú của sinh viên về văn hóa. Khóa học thây ma sẽ tạo ra rất nhiều chủ đề thú vị, là nơi sinh viên có thể học về văn học và các công việc liên quan đến truyền thông đa phương tiện.
Quả thực là những khóa học kỳ lạ!
Tổng hợp theo (Baltimore Sun/DatViet)