(hieuhoc_hieuhoc.com). Những phát minh giống như khoa học viễn tưởng giờ đây đã thực sự có mặt ngoài đời thực. Thời gian đã chứng tỏ con người dần dần có thể đạt được mọi thứ tưởng chừng như chỉ có thể tồn tại trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng.
Du hành vượt thời gian (Giống trong các phim như Back to the Future, Doctor Who)
Liệu đội ngũ chuyên gia của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã thực sự chứng tỏ được rằng chuyện du hành vượt thời gian là điều có thể xảy ra? Phần nào là như vậy – nhưng hiện con người vẫn chưa thể ngồi được lên một chiếc xe kiểu DeLorean để trở về năm 1955 giống như phim Back to the Future. Máy thời gian lượng tử cho phép các nhà khoa học tác động lên các hạt trong quá khứ (và về mặt lý thuyết là có thế tác động lên cả con người). Tuy nhiên, ngay cả khi MIT có thể tạo ra được một chiếc xe như thế, nó cũng sẽ không thể dịch chuyển vật thể ngược thời gian, mà thay vào đó là chỉ đơn giản thay đổi lịch sử của những vật thể đó.
Hiện con người vẫn chưa thể ngồi được lên một chiếc xe kiểu DeLorean để trở về năm 1955 giống như phim Back to the Future
Xe bay (Giống trong các phim như Back to the Future, Minority Report, Star Wars)
Chiếc xe bay Terrafugia Transition, vừa mới được Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ gật đầu thông qua kế hoạch sản xuất, có thể được xem là chiếc xe có thể bay đầu tiên trên thế giới.
Có giá gần 200.000 USD, nó hoàn toàn được phép lưu thông trên đường phố, và khi cần có thể cất cánh với tốc độ trung bình khoảng 185 km/giờ, và có thể nhét vừa ga-ra khi gấp cánh lại.
Người bạn robot (Giống trong các phim như AI, I, Robot, Lost in Space)
Paro, một loại robot có vẻ bề ngoài như món đồ chơi nhồi bông hình hải cẩu, được chế tạo để chuyên chăm sóc người già.
Nó có các thiết bị cảm ứng dưới lớp da bằng bông, cho phép phản ứng lại với sự đụng chạm, và microphone cũng như hệ thống loa cho phép Paro “trả lời” khi được hỏi. Nó mở mắt khi được hỏi tới và vặn vẹo thân với sự thích thú khi bị đánh yêu.
Paro là một trong những loại robot đang kéo gần ranh giới giữa đồ chơi và một người bạn. Chỉ cần bỏ ra 125.000 USD, bạn có thể tậu hẳn một chiếc đầu robot có cá tính theo ý thích.
Súng laser (Giống trong các phim như Star Trek, Star Wars, Independence Day)
Trong lúc hệ thống phòng thủ không gian “chiến tranh giữa các vì sao” manh nha từ thời Tổng thống Ronald Reagan vẫn chưa thực sự trở thành hiện thực, các vũ khí laser giờ đây đã xuất hiện trong thực tế.
Lầu Năm Góc hồi tuần rồi đã tung ra hình ảnh các máy bay không người lái bị tia laser bắn hạ tại một bãi thử ngoài khơi California. Và trong các tài liệu vừa được tiết lộ, Mỹ đã sử dụng các vũ khí bắn tia laser lần đầu tiên trên chiến trường.
Còn “hệ thống từ chối chủ động”, được biết đến với cái tên bình dân hơn là “tia gây đau”, là một chiếc xe tải bắn ra tia vi sóng nhằm mục đích giải tán đám đông.
Dịch chuyển tức thời (Giống trong phim như Star Trek)
“Dịch chuyển tôi đi Scotty” là câu thường thấy trong phim Star Trek. Cụm từ dịch chuyển lượng tử tức thời nghe có vẻ rất hay ho, nhưng qui trình trong thực tế lại khô khan hơn. Nó cho phép các nhà vật lý học truyền thông tin về trạng thái của các hạt hạ nguyên tử. Nếu 2 hạt như vậy vướng vào với nhau, việc đo một hạt đồng thời có thể xác định được trạng thái của hạt kia, nơi nó đang hiện diện trong vũ trụ, cho phép thực hiện sự truyền dẫn các thông tin lượng tử. Điều này có thể mở ra khả năng “dịch chuyển” các vật thể phức tạp hơn thông qua một thiết bị tương tự như máy fax 3 chiều: tập hợp mọi thông tin về một vật thể và truyền sang nơi khác, nơi nó có thể hoàn nguyên trở lại.
Đáng buồn là phương pháp này chưa cho phép di chuyển 1 người đến hành tinh xa xôi nào đó.
Ba lô phản lực (Giống trong các phim như Star Wars, James Bond, The Rocketeer)
Thật ra những thiết bị này đã xuất hiện từ cuối những năm của Thế chiến thứ 2, khi quân đội Đức Quốc xã chế tạo ra Himmelstürmer, một thiết bị dùng để nâng binh lính vượt qua những vùng đất bị đặt bom mìn.
Sau khi chiến tranh kết thúc, thiết bị này được chuyển cho Bell Aerosystems, hãng đã cho ra đời Đai phản lực Bell vào những năm 1960. Mặc dù nó có thể thực sự nâng một người lên không trung, nhưng thời gian bay mỗi lần chỉ được 20 giây, và nhiệt lượng phát ra từ ba lô phản lực nóng đến nỗi người sử dụng buộc phải mặc đồ bảo hộ.
Gần đây, kỹ sư Glenn Martin của New Zealand đã phát minh ba lô phản lực Martin, dùng quạt ống thay vì động cơ phản lực, và có thể bay đến 30 phút. Chỉ có điều ba lô này nặng hơn 200kg.
Ván trượt bay (Giống trong phim như Back to the Future)
Ván trượt bay, ước mơ thời niên thiếu của cả một thế hệ, cuối cùng đã tồn tại ngoài đời thực, kể từ khi nó xuất hiện trong phim Back to the Future hồi thập niên 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, nếu bề ngoài của nó hết sức hoàn hảo, y chang như trong phim, ván trượt chỉ có thể bay lơ lửng được trên không nếu chẳng phải gánh thêm một ai nữa. Ván trượt này hiện chỉ chở được vật thể nặng 2kg trở xuống, và chỉ di chuyển lên xuống chứ không linh hoạt như trong phim.
Theo nhận xét của nhà phát minh, việc tạo ra được chiếc ván trượt trong mơ đã là thành công ban đầu và đây cũng là phiên bản thực tế gần nhất với thiết bị trong phim.
Theo: (Telegraph/UPPA)