Phát triển ngành Sư phạm từ 2011 đến 2020

(Hiếu học) Mục tiêu chung của chương trình là phát triển ngành sư phạm Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp từ năm 2011 – 2020

Đại học Sư Phạm Hà Nội – nôi đào tạo giáo viên lớn nhất cả nước.

“Đến năm 2015, 100% giảng viên trường đại học sư phạm đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 25% đạt trình độ tiến sĩ và phấn đấu năm 2020, ít nhất 50% giảng viên các trường đại học sư phạm đạt trình độ tiến sĩ”.

Đây là một trong những nội dung nằm trong 7 đề án trọng tâm nhằm thực hiện chương trình “Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020”, được đề cập đến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc các trường sư phạm diễn ra vào ngày 27/8 ở đầu cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Tính đến nay, cả nước có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; gồm 14 trường ĐH sư phạm (4.400 giảng viên), 49 trường ĐH có khoa/ngành sư phạm, 39 trường CĐ sư phạm (4.462 giảng viên), 24 trường CĐ có khoa/ngành sư phạm, 3 trường trung cấp sư phạm và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó giáo sư chiếm 18%, phó giáo sư (5%), tiến sĩ và tiến sĩ khoa học 12,84%, thạc sĩ 46,5%. So với năm 2006, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư tăng 0,5%, tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng 4,06%; nhưng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ giảm 1,24% và tỷ lệ sinh viên/giảng viên trung bình là 31 sinh viên/giảng viên. Riêng ở 2 trường sư phạm trọng điểm, các tỷ lệ này cao hơn. – ĐHSP Hà Nội: tỷ lệ GS, PGS là 20%, TS là hơn 33%. – ĐHSP TP. Hồ Chí Minh, GS, PGS là 6,25% và TS là 28,4%.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Những năm qua, quy mô đào tạo khối ngành sư phạm tăng nhưng không được giám sát chặt chẽ về chất lượng.

Ông Nguyễn Vinh Hiển chỉ rõ, sự phát triển này phần lớn do nhu cầu nội tại của các trường chứ không phải được định hướng bởi một quy hoạch tổng thể và thật sự xuất phát từ nghiên cứu, khảo sát nhu cầu nhân lực giáo dục xét cả ở tầm địa phương và cả nước.

Vì thế, mục tiêu chung của chương trình là phát triển ngành sư phạm Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp từ năm 2011 – 2020. Xây dựng các trường đại học sư phạm trở thành trung tâm sáng tạo và đổi mới của ngành sư phạm cả nước. Tăng cường sự gắn kết giữa hệ thống các trường, khoa sư phạm với hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông và các cấp quản lý giáo dục để đảm bảo sự đồng bộ trong việc xây dựng và triển khai chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, PGS. TS. Hoàng Văn Cẩn đề xuất việc tuyển sinh tất cả các ngành cần thêm các môn bắt buộc như Văn học, và tiếng Việt nhằm đảm bảo trình độ chuyên môn của giáo viên sau này, đồng thời gìn giữ ngôn ngữ dân tộc. Việc này nhằm phát triển bền vững trong đào tạo, giáo dục ngành sư phạm. Đồng thời tăng cường rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên ngay từ học kỳ 2 của năm 1 cho đến khi kết thúc khóa học…

Theo ông Phạm Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không kiếm được việc làm phổ biến ở tất cả các địa phương. Có giáo viên 10 năm đi dạy vẫn không được vào biên chế. Bà Đoàn Thị Minh Công, Phó Giám đốc sở GD-ĐT Hải Dương, cho biết ở Hải Dương, sinh viên sư phạmra trường rất thừa, nhiều người tốt nghiệp loại khá vẫn không tìm được việc làm. Ông Phạm Minh Hùng cho biết thêm, do giáo viên có thu nhập thấp so với mặt bằng chung nên học sinh giỏi không chọn thi ngành sư phạm, chất lượng đào tạo thấp.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến cần đổi mới cách đào tạo nghề ở trong đó đào tạo giáo viên vừa có thể dạy được mầm non lại dạy được bậc tiểu học và giáo viên bậc tiểu học vẫn có thể dạy tại trung học cơ sở… Điều này sẽ giúp cho giáo viên có thể bám sát đối tượng dạy trong quá trình giảng dạy.

·Dự thảo chương trình phát triển ngành Sư phạm và các trường Sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020.

Đó là các đề án: Củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất cho các trường sư phạm; Phát triển đội ngũ giảng viên các trường đại học sư phạm; Đổi mới cụng tỏc quản lý và điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên; Nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của các trường sư phạm; Kiểm định chất lượng các trường sư phạm; Nâng cao vai trò của các trường sư phạm trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; Tăng cường vai trò của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.

Dự kiến, quý II/2011 sẽ thành lập Ban chỉ đạo Thực hiện Chương trình Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 và các Ban chủ nhiệm Đề án thuộc Chương trình; xác định tổng kinh phí thực hiện Chương trình từ năm 2011 đến năm 2020.

Quý II/2011 sẽ Xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt các đề án thuộc Chương trình; lập và duyệt dự toán cho việc thực hiện các đề án thuộc Chương trình. Triển khai các đề án thuộc Chương trình gắn với các hoạt động thường xuyên của quá trình xây dựng, phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm. Tổ chức sơ kết giai đoạn 2011-2015 vào cuối năm 2015.

Giai đoạn 2016-2020 sẽ tiến hành điều chỉnh các nội dung cần thiết của Chương trình và của các đề án thuộc Chương trình. Tiếp tục triển khai các đề án thuộc Chương trình gắn với các hoạt động thường xuyên của quá trình xây dựng, phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm. Tổ chức tổng kết thực hiện Chương trình vào cuối năm 2020.

Tuấn Phong (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Tuyển sinh 2010: Ngành Giáo dục – Sư phạm.

(Hiếu học). Hàng năm số thí sinh đăng ký dự thi vào ngành Sư phạm – Giáo dục khoảng hơn 20.000 hồ sơ. Khối Sư phạm gồm các môn: Toán, lý, hóa, sinh, ngữ văn, tin học… và khối Khoa học Giáo dục gồm: Giáo dục học, tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tâm lý…

Nhu cầu nhân lực ngành sư phạm mầm non

(Hiếu học) Đề án Phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2010-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu chung là bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng, miền được đến lớp. Với kinh phí gần 15 nghìn tỷ đồng, ngoài phần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, đề án sẽ thực hiện đào tạo mới và bồi dưỡng cho 22.400 giáo viên phục vụ việc chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non 

Ngành Sư Phạm đã qua thời kỳ vàng son?

Ngành Sư Phạm đã qua thời kỳ vàng son? Phải chăng vì sự quay lưng của học sinh giỏi khiến điểm chuẩn đầu vào của các trường sư phạm thả dốc dần? 

Cùng chuyên mục