Mồ côi cha, học giỏi đáp đền ơn mẹ

Chúng tôi gặp ba tân sinh viên Quảng Ngãi mới đậu vào các trường đại học năm nay với số điểm khá cao. Điểm chung đầu tiên ở họ là đều mồ côi cha, nhà nghèo và học rất giỏi. Cả ba không hẹn mà cùng chọn ngành y để theo đuổi ước mơ đại học.

Các tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường do các thành viên CLB Tiếp sức đến trường Quảng Nam – Đà Nẵng trao tặng – Ảnh: Tấn Vũ

·Ước mơ của Nguyễn Thị Ngọc Phượng, 18 tuổi, thôn An Trường, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), là trở thành bác sĩ đa khoa để góp phần xoa dịu những nỗi đau, cứu sống người bệnh. Hào hứng thế nhưng Phượng lại thoáng chút buồn. Nhà làm ba sào ruộng, năm mất mùa thiếu ăn, mẹ hay đau ốm mà vẫn phải đi làm “thợ đụng” để nuôi ba chị em ăn học (chị gái học Đại học Quy Nhơn năm cuối, em trai học lớp 10) thì để Phượng bước tiếp lên giảng đường đại học không dễ dàng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh – mẹ Phượng, cho biết ba Phượng mất vì tai nạn giao thông năm 1997. “Sớm mồ côi cha nhưng con bé nghị lực và chịu khó lắm”. “Phượng không được đi học thêm hay bồi dưỡng, nhưng em là số ít các thí sinh thi ở cả hai khối A và B đạt điểm cao”- thầy giáo Nguyễn Văn Hải, chủ nhiệm năm lớp 12 của Phượng, nhận xét. Còn với Phượng, không có cách trả ơn nào cho người mẹ thân yêu bằng việc học giỏi và kết quả thi đại học với số điểm cao ngất vừa rồi.

·Ở xóm nhỏ trên quả đồi Lộ Thiên đất đai cằn cỗi (thôn 4, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức) những ngày này vui hẳn lên. Mọi người ai cũng mừng cho Nguyễn Hữu Ấn – cậu bé vốn nổi tiếng học giỏi và nghèo khó này vừa thi đỗ hai trường đại học. Bà Nguyễn Thị Thanh, mẹ Ấn, kể em mồ côi cha từ khi mới 1 tuổi, từ nhỏ đã thích làm bác sĩ. Ấn tâm sự: “Mẹ bị nhiều bệnh lắm. Em ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, cho những người nghèo vì không có tiền nên giấu bệnh giống như mẹ”.

Vui vì cánh cửa để có thể biến ước mơ trở thành hiện thực đã mở ra. Nhưng trong sâu thẳm đáy lòng, Nguyễn Hữu Ấn vẫn đau đáu nỗi niềm. “Em động viên mẹ cứ yên tâm sống, em ra trường chữa hết bệnh cho mẹ. Động viên cho mẹ vui chứ học y lâu quá, bệnh của mẹ ngày càng nặng, nhà lại không có tiền”, Ấn nói mà khuôn mặt buồn hiu. Bà Thanh nhìn con âu yếm bảo: “Con cứ cố lên, má nuôi con được đến đâu hay đến đó. Trước mắt, má bán hai bao lúa lấy tiền để con mua vé xe vào Sài Gòn nhập học, sau đó má đi vay mượn”.

·“Kết quả đậu thủ khoa là “quả ngọt” em tặng mẹ” – Võ Thị Huệ (tổ 4, phường Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi) tâm sự. Suốt nhiều năm liền Huệ đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mỗi lần báo cho mẹ tin vui đạt được thành tích cao trong học tập là mỗi lần Huệ cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì đó là món quà có ý nghĩa lớn lao em dành tặng mẹ. “Mới 5 giờ sáng mẹ đã thức dậy đi làm, mãi đến 10 giờ tối mới về nhà. Thương mẹ nhất là vào mùa đông, mẹ đi về sớm hôm trong cái lạnh buốt giá. Mẹ bảo cố gắng làm kiếm tiền để nuôi hai chị em con ăn học”, Huệ nói mà hai mắt đỏ hoe. Huệ mồ côi cha khi em chưa đầy 5 tháng tuổi, em lớn lên nhờ vào sự chăm bẵm của đôi bàn tay mẹ – bà Nguyễn Thị Thanh Hoa.

Tuy đỗ thủ khoa Trường ĐH Sư phạm, song Võ Thị Huệ lựa chọn ngành y để bước tiếp trên con đường hướng đến tương lai. Huệ bộc bạch: “Em sẽ nỗ lực hết sức mình học tập, nghiên cứu, để sau này giúp ích cho người bệnh, nhất là cứu chữa bệnh nhân nghèo”.

Trong số các tân sinh viên của Quảng Nam – Đà Nẵng năm nay còn có thí sinh Nguyễn Tấn Phong đỗ thủ khoa ĐH Y dược TP.HCM với 29,5 điểm, hay Tôn Nữ Thùy Linhđỗ thủ khoa Học viện Hành chính quốc gia và nhiều trường hợp mồ côi cha, mẹ… nhưng đã nỗ lực vượt qua những thiếu thốn, cực nhọc để thi đỗ vào các trường ĐH

Theo: (NHỊP SỐNG TRẺ/TTO)

Bài liên quan

Tôn Nữ Thuỳ Linh - Nữ thủ khoa đạt 9,5 điểm môn Lịch Sử

(Hiếu Học): Từ trước đến nay, qua mỗi kỳ tuyển sinh Đại học, chúng ta lại gặp lại những con số “đáng nhớ” từ khối ngành xã hội, nhất là môn Lịch sử. Và kỳ thi năm nay, cô bé Tôn Nữ Thuỳ Ninh đã khiến cho biết bao người nể phục với điểm thi môn lịch sử của mình: 9,5 điểm

Cùng chuyên mục