>Không mặc áo trắng trong phòng thí nghiệm hay cẩn trọng nghiên cứu với kính hiển vi, chỉ là nông dân chân lấm tay bùn nhưng với sự thông minh, sáng tạo, tính kiên trì, không ngại khó và không sợ thất bại, đã trở thành những “chuyên gia thực hành”, làm giàu cho mình và hỗ trợ thiết thực cho những nông dân khác. Đó là một “người hùng” của nông dân miền Tây, được bà con gọi trìu mến là “người nông dân số 1 miền Tây”.
Kỳ tích từ 8 hột lúa
Cái tên Võ Văn Chung (Hai Chung) đã quá quen thuộc với nông dân nhiều vùng ở miền Tây. Hình ảnh của ông được nhân vật hóa thành phim, được nhắc trong các bài hát, chập cải lương ca ngợi tinh thần lao động và cống hiến. Trong căn nhà ngói rộng rãi tại ấp Lương Phú B, xã Lương An Trà (H.Chợ Gạo, Tiền Giang), ông Hai Chung từ tốn lật lại từng trang sổ đã ngả màu thời gian. “Ông có tình yêu mãnh liệt với cây lúa”, ai đó đã viết vào quyển sổ lưu niệm của ông như vậy.
Ngay từ trước giải phóng, Hai Chung được nông dân trong vùng nể nang do trồng lúa giỏi. Cùng một giống lúa, nhưng cánh đồng của ông luôn cho năng suất vượt trội. Do vậy, ông được trường ĐH Cần Thơ mời đến chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của người nông dân trong việc đồng áng cho các sinh viên. Trong một lần như thế, nhà nông học Võ Tòng Xuân đã trao cho ông chiếc phong bì, bên trong có… 8 hột lúa giống IR36. “Đó là những hột giống IR36 cuối cùng, bởi số giống trước đây ĐH Cần Thơ phân bổ cho các tỉnh đã không còn giữ được sau trận lụt lớn. Đối với nông dân như tôi, được cho giống tốt là quý hơn cả cho hột xoàn nữa”, ông nói. (Ông Hai Chung bên quyển sổ lưu niệm của khách tới nhà – Ảnh: Tiến Trình)
8 hột giống quý đó được ông gieo trong chậu kiểng trước nhà, ngày đêm không rời mắt. Từ số này, 7 bụi lúa nảy lên. Khi chiết lúa ra đồng, ông lại theo “canh gác” như thể gìn vàng giữ bạc. Nhờ các nhà khoa học chỉ cho cách “nhân giống theo cấp số nhân” mà trong thời gian ngắn, lúa IR36 đã phủ kín diện tích 32 công ruộng của ông. Ngay mùa sau, dịch rầy nâu lan nhanh trên khắp các cánh đồng ở miền Tây. Những giống lúa truyền thống như sóc nâu, rắn mây, móng chim xanh, móng chim trắng… không trụ được. Nhiều nông dân chỉ còn biết nấu xôi chè, tổ chức múa lân, lập bàn cầu “giặc trời” rời khỏi đồng mình. Trên cánh đồng Lương Phú, sau khi “làm gỏi” các ruộng lúa bên cạnh, rầy nâu bắt đầu kéo qua phong tỏa ruộng lúa IR36 của Hai Chung. Nhưng kỳ diệu thay, đám rầy chỉ dừng chân ở đây một lúc rồi đồng loạt bỏ đi mà không hề để lại hậu quả nào. Việc rầy nâu “chê” đồng lúa IR36 của Hai Chung khiến nông dân khắp nơi kéo đến tìm hiểu. Họ đến đông quá, đến mức địa phương phải cử công an đến canh giữ đồng lúa quý này. Trong lịch sử mấy ngàn năm lúa nước của Việt Nam, có lẽ chưa có ruộng lúa nào “sướng” như ruộng nhà Hai Chung năm ấy: được công an canh giữ, được các nhà khoa học tới tìm hiểu như cơm bữa, được người trồng lúa khắp nơi đến thăm thú. Sau khi thăm đồng, hầu như người nào cũng nài nỉ gia chủ tới mùa chia cho họ ít lúa về làm giống. Các cơ quan nhà nước từ miệt Cà Mau lên tận Đồng Nai, Sông Bé cũng tới đặt vấn đề xin lúa về nhân giống. Hai Chung hứa tất. Lúa vừa ngả vàng, nhiều người đã xung phong xuống đồng gặt phụ. Lúa chưa kịp ví bồ, nông dân từ khắp nơi lặn lội đến đòi “chia”. Người đem đến vàng khâu, người kè kè túi tiền và cũng có người khi tới nơi đã rách túi… Bất kể giàu hay nghèo, Hai Chung đều tặng cho mỗi người 1 giạ lúa giống. Lúc ấy, mỗi giạ lúa tương đương 1 chỉ vàng. Trong vòng 3 năm (1977 – 1979), ông Hai Chung đã cho trên 3.000 giạ lúa giống kháng rầy, giúp vùng đồng bằng Nam Bộ thoát khỏi cảnh khủng hoảng lương thực.
Bây giờ, khi ĐBSCL trở thành vựa gạo lớn của thế giới, người ta vẫn không thể quên hình ảnh ông Hai Chung vất vả nhân giống kháng rầy rồi mang đi cho không, giúp nông dân trong vùng thoát cảnh ngặt nghèo. Sau “công trạng” giải nguy khỏi nạn rầy nâu, giống lúa IR36 được “Việt hóa” bằng cái tên Nông nghiệp A3.
Nông dân “mẫu”
Câu chuyện “Hai Chung cho lúa giống” đã gây tiếng vang khắp nơi. Ông trở thành tấm gương nông dân được ngưỡng mộ nhất vào thời điểm đó. Nhiều người tìm đến thăm ông. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm HTX An Phú do Hai Chung làm chủ nhiệm đã nói với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang: “Nông dân như Hai Chung thì khó tìm lắm!”. Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì ghi trong quyển sổ lưu niệm của Hai Chung: “…Anh sẽ là hiệp sĩ chân chính của mọi cánh đồng trên đất nước Việt Nam”…
Nhưng có một người khách đặc biệt mà cho tới giờ ông vẫn nhớ như in. Đó là ông Sáu Dân (tức Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM). Ông Sáu Dân đã ở lại cùng Hai Chung ngồi lai rai rượu đế, nói chuyện đồng áng rồi cùng nhau giăng mùng trên bộ ván ngủ. Sáng dậy, ông hỏi mua lúa giống, nhưng ông Hai Chung không bán mà xúc tặng 3 giạ. Ông Sáu Dân hỏi: “Ông mần lúa hay quá, sao không chăn nuôi?”. Hai Chung nói do bận lo chuyện giúp bà con đối phó với rầy nâu nên chưa kịp tính. Vậy rồi 3 ngày sau, ông Hai Chung vô cùng ngạc nhiên khi thấy mấy cán bộ ngành nông nghiệp TP.HCM chở xuống cho ông cặp heo, nói của ông Sáu Dân tặng, khiến ông vô cùng xúc động.
Ít lâu sau, ông Sáu Dân cho xe xuống nhà đón Hai Chung lên TP.HCM truyền đạt kinh nghiệm trồng lúa cho cán bộ và nông dân trên đó. Trong suốt 3 tuần lễ, Hai Chung dẫn nhóm nông dân này đi khắp các cánh đồng của ngoại thành TP.HCM để hướng dẫn. Những lúc tranh thủ được thời gian, ông Sáu Dân cũng xắn quần lội ruộng cấy lúa như bao nông dân khác.
Nuôi heo cũng giỏi
Sau khi được ông Sáu Dân tặng cho cặp heo quý, Hai Chung bắt đầu chú tâm phát triển đàn heo và đến nay, trại heo của ông trở thành một trong những nơi cung cấp giống lớn nhất ĐBSCL.
Năm 2009, dịch heo tai xanh hoành hành dữ dội, khiến nhiều nông dân quanh vùng rơi vào cảnh trắng tay. Vậy mà trại heo nhà Hai Chung dù nằm trong rốn dịch, vẫn bình yên vô sự.
Một lần nữa, phương pháp “né” dịch của Hai Chung được mọi người “soi” rất kỹ. Hai Chung không giấu giếm “bí quyết” của mình, ai tới học hỏi kinh nghiệm đều được ông tận tình chỉ dẫn.
Bằng những việc làm cụ thể và cả tấm lòng, Hai Chung trở thành cầu nối hiệu quả nhất giữa nhà khoa học với nông dân. Ngược lại, từ lâu ông cũng là “giảng viên chân đất” cho nhiều sinh viên, kể cả cán bộ nông nghiệp bằng chính thực tiễn trên đồng đất của mình. Trong số họ, có những người giờ là cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp, lãnh đạo tỉnh.
Năm 1985, ông là nông dân Việt Nam đầu tiên được Tổng thống Philippines F.Marcos tặng bằng khen “chuyên gia nông nghiệp” do những đóng góp ở góc độ một nông dân cho cây lúa.
Theo: (Kinh tế/TNO)