Phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học, công nghệ

(Hiếu học) Phát huy tốt nguồn lực con người thì hoàn toàn có thể thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá rút ngắn. Trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, Chính phủ sẽ đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học công nghệ; hướng trọng tâm hoạt động khoa học công nghệ vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nhất định chúng ta sẽ thực hiện tốt ba đột phá chiến lược, tạo tiền đề có tính quyết định thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KT-XH 2011 – 2020 – Ảnh Chinhphu.vn/Nhật Bắc

Sau khi được Quốc hội khóa XIII tín nhiệm bầu tiếp tục giữ cương vị Người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã nêu nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 – 2016:

THỰC HIỆN TỐT 3 KHÂU ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC MÀ ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI ĐỀ RA LÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ 2011 – 2016

I. Xác định đúng các đột phá chiến lược – bài học từ tiến trình đổi mới

II. Tập trung giải quyết các đột phá chiến lược, tạo tiền đề tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng – Nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 – 2016

1. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính

2. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ

3. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn

oOo

Hiếu học trân trọng trích giới thiệu Phần 2: – “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” trong bài viết của ông.

* Chúng ta đang sống trong một thời đại với ba đặc điểm kinh tế lớn chi phối sự phát triển của mỗi quốc gia. Đó là: (i) Khoa học công nghệ phát triển rất nhanh, rất mạnh, hơn bất kỳ một thời đại nào trước đó. Chính sự phát triển này tạo ra làn sóng công nghiệp hóa lần thứ ba và hình thành nền kinh tế tri thức; (ii) Toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, các liên kết kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều, thúc đẩy sự phân công lao động ngày càng sâu sắc và hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu; cạnh tranh kinh tế diễn ra ngày càng quyết liệt và mỗi quốc gia phải giành cho được ưu thế trong cuộc cạnh tranh đó; (iii) Tình trạng khan hiếm các loại nguyên liệu, năng lượng do sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên không tái tạo được, đòi hỏi con người phải tìm kiếm các dạng nguyên liệu, năng lượng mới, bảo đảm phát triển bền vững.

Những đặc điểm nêu trên làm nổi bật vai trò ngày càng tăng của nguồn lực con người – lợi thế cạnh tranh động trong quá trình phát triển và là nhân tố làm chuyển dịch lợi thế so sánh giữa các quốc gia. Tình hình đó vừa đặt ra yêu cầu vừa tạo điều kiện cho việc thay đổi mô hình phát triển, từ chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác các tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực rẻ nhưng chất lượng thấp sang sự phát triển dựa vào các nhân tố năng suất tổng hợp bao gồm khả năng áp dụng các thành tựu mới nhất của khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý hiện đại. Chìa khóa của sự chuyển đổi, nhân tố trung tâm của quá trình này là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chiến lược 2011 – 2020 xác định: Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Xét đến cùng, đây là khâu quan trọng nhất trong ba khâu đột phá, có vai trò chi phối việc thực hiện các đột phá khác, vì chính con người tạo ra và thực thi thể chế, xây dựng bộ máy, quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng. Thực hiện tốt đột phá này sẽ làm tăng sức mạnh mềm của quốc gia, tạo ra sức mạnh tổng hợp, có ảnh hưởng quyết định đến việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng – một quan điểm quan trọng mà Đại hội XI đã xác định.

Phát huy tốt nguồn lực con người thì hoàn toàn có thể thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá rút ngắn – Ảnh minh họa

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy quốc gia nào xây dựng và phát huy tốt nguồn lực con người thì hoàn toàn có thể thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá rút ngắn. Những năm qua, chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề không hợp lý. Chúng ta đang thiếu cả cán bộ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp; thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế kỹ thuật và công nhân có tay nghề cao. Đây là những trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Chiến lược nhấn mạnh, phải đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề. Thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức.

Phát triển nguồn nhân lực vừa là yêu cầu cấp bách vừa là nhiệm vụ lâu dài theo tiến trình phát triển của tri thức nhân loại. Trong 5 năm tới, phải tập trung chỉ đạo xây dựng vàtriển khai chương trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt. Đặc biệt coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Lấy nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo làm trục xoay chính, kết hợp với mở rộng quy mô hợp lý. Quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp. Đổi mới cơ chế tài chính; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các bậc học. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội.

Điểm nhấn mới trong khâu đột phá này là đặt việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự gắn kết với việc phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Điều này thể hiện tính hướng đích của sự phát triển khoa học, công nghệ, bảo đảm chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học công nghệ – động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững.

Trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, Chính phủ sẽ đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học công nghệ; hướng trọng tâm hoạt động khoa học công nghệ vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ban hành các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ưu tiên sử dụng các công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xanh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo đúng vai trò nhân dân là chủ nhân của quá trình phát triển, nhất định chúng ta sẽ thực hiện tốt ba đột phá chiến lược, tạo tiền đề có tính quyết định thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020./.

Theo: Cổng TTĐT Chính phủ

Bài liên quan

Dành những gì tốt nhất cho giáo dục

(Hiếu học) “Giáo dục là một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước. Vì thế, cái gì tốt nhất thì dành cho giáo dục vì không có kiến thức thì không thể xóa nghèo, không thể làm giàu, không thể phát triển nhanh, bền vững…”.

Cùng chuyên mục