Môi giới tự do: Nghề mới tại công ty chứng khoán

Không cần bằng cấp, không cần vốn, không cần kinh nghiệm…, bạn vẫn có cơ hội làm một nghề đang rất “nổi” tại Việt Nam: nghề môi giới chứng khoán.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) mới đang tìm cách mở rộng mảng môi giới của mình bằng việc phát triển hệ thống nhà môi giới tự do, hiện được gọi bằng những cái tên “tây” như remisier hay stock broker – những người không hưởng lương từ công ty, mà sẽ ăn chia khoản phí thu được giữa công ty với khách hàng.

Môi giới tự do – trợ thủ mới của các CTCK

Đơn vị tiên phong tuyển dụng và xây dựng đội ngũ môi giới chứng khoán tại Việt Nam là CTCK Đại Việt (DVSC). Thông điệp tuyển 50 trưởng phòng và 200 chuyên viên môi giới của công ty này được tung ra thị trường tháng 1/2008 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của dư luận.

Ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc DVSC cho biết, công ty đã nhận được hơn 80 hồ sơ dự tuyển vị trí trưởng phòng và hàng trăm hồ sơ dự tuyển vị trí chuyên viên môi giới. Có lợi thế của một nhà quản lý DN ngành bảo hiểm, ông Chánh cho biết, sẽ đào tạo và phát triển các nhân viên môi giới chứng khoán loại này theo cả chiều rộng và chiều sâu, để xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp kết nối khách hàng với các dịch vụ của DVSC.

Tại CTCK APEC (APECS), ông Nguyễn Mạnh Hào, Tổng giám đốc Công ty cũng đã đưa ra thông điệp mời gọi những người có kinh nghiệm về đầu tư chứng khoán hoặc có kiến thức về tài chính đầu quân cho nghề remisier. Theo ông Hào, những người môi giới OTC, tư vấn bất động sản hay tư vấn bảo hiểm sẽ có cơ hội trở thành remisier thành đạt.

Với đặc điểm là tính độc lập cao trong công việc, đồng thời có thu nhập cao theo hiệu quả công việc, ông Hào cho rằng đây sẽ là một nghề phát triển mạnh tại Việt Nam. Hiện nay, APECS đang nhận hồ sơ dự tuyển nghề remisier, trong đó không yêu cầu phải có những bằng cấp cụ thể về tài chính, chứng khoán cũng như kinh nghiệm đầu tư, mà nếu qua vòng sơ tuyển, ứng viên sẽ được công ty hỗ trợ bằng một loạt chương trình đào tạo chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao dịch… Sau đó, việc thành công trong nghề nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào sự cố gắng của cá nhân mỗi người.

Tại CTCK VNDirect, địa điểm giao dịch mới của công ty tại số 1 Nguyễn Thượng Hiền được thiết kế khang trang, rộng rãi, có thêm nhiều giao diện với nhà đầu tư. Đặc biệt, toà nhà cao tầng này dành riêng một phòng lớn với đầy đủ trang bị kỹ thuật chuẩn bị đón đội ngũ môi giới chuyên nghiệp vào hoạt động.

Theo lãnh đạo Công ty, phát triển hệ thống nhà môi giới chuyên nghiệp là xu thế tất yếu của các CTCK Việt Nam để tăng cường khả năng tìm kiếm và cung cấp dịch vụ chứng khoán đến khách hàng. Vấn đề đặt ra là các CTCK đang bắt đầu bước vào cuộc cạnh tranh mới: cạnh tranh về đào tạo và thu hút những nhà môi giới tốt để khơi dậy tiềm năng của một nghề đầy hấp dẫn và mới mẻ này.

Một CTCK tuy mới được cấp phép nguyên tắc, nhưng lãnh đạo công ty đã tính tới việc phát triển mạng lưới remisier để thâm nhập và chiếm lĩnh thị phần môi giới chứng khoán. Theo dự kiến của vị lãnh đạo này, phí môi giới mang lại từ những khách hàng do remisier tìm kiếm và quản lý sẽ được chia sẻ với CTCK theo tỷ lệ 30/70 hoặc 50/50, tuỳ theo độ lớn của giá trị giao dịch.

Với việc phân chia phí như vậy, vị lãnh đạo này hy vọng sẽ gắn lợi ích “sát sườn” của nhà môi giới với lợi ích công ty – đây là cái gốc để các remisier nhiệt tâm tìm kiếm, chăm sóc và khuyến khích khách hàng giao dịch.

Môi giới tự do có phải cấp phép?

Từ năm 2007 về trước, khái niệm nhà môi giới chứng khoán tự do hoạt động trên TTCK chính thức chưa xuất hiện tại Việt Nam, vì trong các văn bản pháp lý và quan điểm của nhiều thành viên thị trường thì chỉ có những người làm việc tại CTCK và được cấp chứng chỉ hành nghề mới được thực hiện chức năng môi giới chứng khoán. Trước khi Luật Chứng khoán có hiệu lực (từ ngày 1/1/2007), Nghị định 144/2003/NĐ-CP quy định, chỉ những người làm việc trong CTCK hoặc trong công ty quản lý quỹ, có đủ 3 chứng chỉ đào tạo của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán mới được thi cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Chính quy định này đã hạn chế sự phát triển của hệ thống nhà môi giới tự do, một nhân tố quan trọng hỗ trợ nghiệp vụ môi giới cho các CTCK.

Từ khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, quy định về việc thi cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán đã có sự thay đổi theo hướng cho phép những người làm việc ngoài CTCK, công ty quản lý quỹ cũng được thi để lấy chứng chỉ hành nghề chứng khoán nếu có đủ chứng chỉ đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay, quy chế về người hành nghề chứng khoán tại Việt Nam vẫn chưa được ban hành, nên cũng chưa có cách hiểu thống nhất về việc nhà môi giới tự do có phải có giấy phép hành nghề hay không. Trong bối cảnh này, những nhân sự được tuyển cho vị trí môi giới tự do thường được gọi với cái tên chuyên viên phát triển kinh doanh hoặc nhà môi giới chuyên nghiệp, chờ Quy chế về người hành nghề chứng khoán được ban hành.

Nghề môi giới tự do không mới tại TTCK nước ngoài, nhưng tại Việt Nam , đây là nghề mới và rất cần phát triển. Nói như một chuyên gia chứng khoán thì 300.000 tài khoản hiện nay không phải là tâm điểm để gần 100 CTCK giành giật, mà quan trọng là các công ty phải có chiến lược mở rộng mạng lưới khách hàng để tăng lượng người đầu tư, giúp thị trường lớn lên thì ai cũng có lợi. Remisier hay stock broker đang là một công cụ được nhiều CTCK lựa chọn để thực hiện mục tiêu này.

Theo Danong

Cùng chuyên mục