Thi xong đại học, kết thúc môn thi cuối cùng, thí sinh các khối mỗi người một vẻ: người vui, kẻ buồn. Và trong số những sĩ tử ấy, có bạn dù kết quả khá tốt nhưng vẫn còn lo lắng và căng thẳng rất nhiều, chịu áp lực bởi những tác động bủa vây… Làm thế nào giải tỏa những nỗi lo để có thể thoải mái khi kỳ thi kết thúc?
Sự căng thẳng thường thấy sau khi thi xong…
– Hồi hộp 2 lần
Thi đại học là kì thi quan trọng nhất trong đời, điểm chuẩn chỉ được công bố sau khi bạn biết được điểm thi của mình. Vì vậy, bạn lo lắng không biết mình làm bài ổn không, đúng đáp án nhưng biết đâu còn thiếu sót điều gì đó, bị chấm nhầm, hoặc kết quả không như mong đợi đối với những môn không có khung điểm cố định (ví dụ môn Văn, Vẽ, các môn năng khiếu…). Khi biết kết quả rồi, bạn lại tiếp tục lo lắng… Sự căng thẳng diễn ra trong một thời gian dài và rồi bạn bỏ lỡ rất nhiều niềm vui chỉ vì nghĩ đến những điều chưa xảy đến…
Lời khuyên: Dù gì thì bạn cũng đã thi xong rồi, “tha” cho bộ não đi chứ! Suy nghĩ mãi thì kết quả cũng không thể thay đổi. Thay vì ngồi chống cằm suy nghĩ bi quan kiểu: “Ôi rớt chắc rồi, nguyện vọng 2 vào trường nào bây giờ” thì bạn hãy đứng dậy và ra ngoài đi chơi cùng bạn bè.
– Sẽ ra sao nếu gia đình thất vọng?
Khi bạn thi, cả gia đình đều hồi hộp và đặt niềm tin, hy vọng vào đó… Bạn đi thi, có thể cha mẹ cùng thức, cùng ngủ với bạn, cùng chờ đợi bạn làm bài để đưa đi đón về, cùng trông mong kết quả… Có thể nói, dù bạn đi thi, nhưng chính bạn đã có ảnh hưởng đến mọi người trong gia đình, và họ chỉ có một ước muốn duy nhất: bạn đậu. Nhưng, có thể bạn sẽ không thực hiện được điều đó… Bạn lo lắng, áp lực, bạn thở dài thườn thượt khi ngày qua ngày trôi qua, bạn vừa trông chờ kết quả thi, vừa phải nghe những lời hỏi han, bàn luận từ các thành viên trong gia đình… Bạn cảm thấy quá tải…
Lời khuyên: Chính bạn tự tạo áp lực cho mình thôi. Thật ra, có thể gia đình trông mong vào bạn, nhưng khi kết quả của bạn không như ý, họ cũng buồn đấy, nhưng rồi họ sẽ hiểu và thông cảm cho bạn thôi. Những người thân yêu luôn lo cho bạn, chứ không phải lo vì kết quả của bạn. Có thể việc đậu đại học là quan trọng, nhưng bạn thấy đấy, còn rất nhiều cơ hội khác mà, phải không?
– Sĩ diện với thầy cô, bạn bè…
Thi xong, có thể vài người bạn của bạn sẽ tung hô rằng họ làm bài rất tốt, họ sắp nhận được phần thưởng lớn từ ba mẹ, họ đi du lịch, họ tự tin về kết quả của mình… Rồi họ hỏi han bạn làm bài thế nào, ra sao… Bạn lo rằng nếu kết quả thi không tốt, trong khi bạn bè học không bằng bạn nhưng họ lại đậu, thì bạn “buồn không tả được”, rồi sẽ ra sao nếu bạn bè dò kết quả thi của bạn? Thầy cô sẽ phản ứng ra sao khi biết tin “học trò cưng” của mình thi rớt? Chỉ bấy nhiêu thôi cũng khiến đầu bạn muốn vỡ tung rồi…
Lời khuyên: Bạn bè đang bận lo lắng cho chính bản thân họ, cho kết quả thi của họ, tương lai của họ, và những việc riêng khác, nên chẳng có việc gì họ phải so đo để rồi chê bai hay xem thường bạn cả. Thầy cô cũng vậy. Điều họ mong muốn là bạn nên người, sống tốt, và trưởng thành trong cuộc sống, chứ không phải là chiếc vé vào đại học. Bạn không quá quan trọng như bạn tưởng tượng đâu, thế nên cứ vô tư và thoải mái làm những việc mình thích đi nhé. Dù gì thì bạn cũng đã cố gắng hết mình rồi mà.
– Lo lắng cho tương lai…
Nghĩ về việc thi không tốt, bạn bắt đầu tưởng tượng mông lung về tương lai, nào là trượt rồi thì nên học nguyện vọng 2 ngành gì, nếu nguyện vọng 2 vẫn trượt thì học dân lập… Bạn cũng tính đến chuyện thi lại vào năm sau… Nhưng rồi biết bao nhiêu khó khăn dồn dập, con đường thành công có nhiều chông gai hơn… Nỗi buồn đeo bám bạn dai dẳng, kể cả khi mọi chuyện không quá tiêu cực…
Lời khuyên: Cuộc sống nếu không có thử thách thì làm sao bạn có thể rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm? Đôi khi chính những thất bại sẽ là động lực để bạn phấn đấu và tiến tới thành công nhanh hơn. Khi còn là học sinh, bạn chỉ quan tâm đến việc “đậu – rớt”, nhưng khi đã trưởng thành, có trách nhiệm với cuộc đời của mình, bạn sẽ thấy thế giới này còn nhiều điều khác đáng phải trải nghiệm hơn là việc đau buồn vì thi trượt…
– “Có sai sót gì trong bài thi không nhỉ?”
Đây là một trong những nỗi lo lãng phí nhất của các sĩ tử. Họ luôn sợ rằng bài thi của mình đã mắc những lỗi nào đó họ không nhớ, hoặc sợ giám khảo sẽ chấm bài sai, chấm theo cảm tính… Có đôi khi dò với đáp án, họ vẫn có lo lắng về điểm số và điều này cứ khiến họ day dứt, dằn vặt. Thậm chí làm sau một câu vô lý trong bài thi cũng có thể khiến họ u sầu cả tuần…
Lời khuyên: Hãy đọc những cuốn sách truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm sống (Quẳng gánh lo đi và vui sống; Đời thay đổi khi ta thay đổi…), hay tham gia một khóa học nào đó có ích cho chính bản thân mình, bạn sẽ thấy mừng vui khi mắc phải những sai sót đấy!
Thi xong rồi, giải tỏa áp lực và xả stress đi thôi!
Chúc bạn vui – khỏe.
Theo: (Demi-Twinkle®/MTO)