(Hiếu học) Quản trị truyền thông là ngành học thuộc chương trình Quản trị kinh doanh ứng dụng trong ngành kinh tế truyền thông, một lĩnh vực vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Với sự chuyển đổi nhanh chóng của nền kinh tế, kéo theo nhu cầu gia tăng đột biến về dịch vụ truyền thông và các dịch vụ liên quan đến truyền thông. Công nghệ mới, đặc biệt là truyền hình cáp và internet cũng đang tạo ra những dịch vụ hay ngành nghề truyền thông mới. Trong xu hướng Marketing hiện đại, các hình thức marketing kết nối (Buzz Marketing, Viral Marketing, word- oF-mouth…) lại càng kết hợp chặt chẽ với với Công nghệ thông tin, nhằm xây dựng sự liên kết giữa người tiêu dùng và các doanh nghiệp với cỗ máy truyền thông – marketing. (Doanh nghiệp tạo ra những làn sóng thông tin về thương hiệu, sản phẩm hay dịch vụ, rồi từ đó tác động lên lượng cầu của người tiêu dùng).
Bên cạnh đó, nhu cầu về các hoạt động kinh tế dựa trên truyền thông như quảng cáo, PR, xây dựng nhãn hiệu, tiếp thị, truyền thông tập đoàn trong xã hội đang tăng mạnh. Theo một cuộc khảo sát thị trường gần đây, Việt Nam hiện có hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực PR và quảng cáo, với mức tăng trưởng hằng năm đạt khoảng 30%.
Các cuộc khảo sát cho thấy, gần 2/3 Cty quốc doanh và hơn 3/4 Cty tư nhân sử dụng các dịch vụ PR. Nhu cầu về nhân lực ngành truyền thông vì thế ngày càng tăng lên, nhất là nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp. Bởi yêu cầu về tư duy và phương cách truyền thông hiện đại (Quản trị kinh doanh – Quản trị truyền thông) đang trở nên cần kíp không những cho cạnh tranh địa phương mà còn là doanh thương quốc tế. Sự thiếu chuyên nghiệp của truyền thông không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp mà ảnh hưởng cả quá trình phát triển kinh tế xã hội quốc gia về lâu dài.
Để có thể tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay, điều quan trọng là các doanh nghiệp kinh doanh phải xây dựng được thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ của mình trong nhận thức của khách hàng. Với việc sử dụng một số công cụ quảng cáo, marketing truyền thống trước đây để quảng bá xây dựng hình ảnh của các doanh nghiệp thực sự không còn hiệu quả. Một trong những hướng đi mới giúp doanh nghiệp hiện nay là một chiến lược truyền thông với nhiều thay đổi và sáng tạo hơn. Đó là áp dụng nhiều phương tiện truyền thông khác nhau để tăng cường nhận thức về sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp, truyền thông đến khách hàng các đặc điểm và lợi ích sự khác biệt của mình so với đối thủ cạnh tranh, thúc đẩy hành vi tiêu dùng của khách hàng.
Quản trị truyền thông thực chất chính là quản trị kinh doanh nhưng được đào tạo chuyên sâu vào quản trị lĩnh vực truyền thông. Quản trị truyền thông có một sự liên kết rõ ràng từ quản trị tới công nghệ thông tin và truyền thông. Theo đó nó thích hợp không chỉ cho những người đang làm việc trong các cơ quan thông tin truyền thông mà còn cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng bá trên các phương tiện truyền thông, cũng như các nhân viên chuyên trách tiếp thị, quảng cáo, giao tế cộng đồng, tổ chức sự kiện, xây dựng nhãn hiệu… tại các doanh nghiệp và tổ chức bên ngoài khu vực truyền thông.
Ngoài những bộ môn quản trị tài chính, quản trị nhân lực, quản trị hoạt động… sinh viên sẽ được bổ sung thêm các kiến thức về truyền thông, đặc biệt là truyền thông hiện đại, gắn với công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông số. Việc đào tạo sâu vào lĩnh vực chuyên ngành nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của chính doanh nghiệp chủ quản là hướng đi của các trường đào tạo. Bên cạnh đó là viế£c kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, để sinh viên khi ra trường có thể bắt tay vào ngay vào việc.
Chí Thông tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)