Nuôi bồ câu làm kiểng đã có từ lâu, nhưng có một bạn trẻ tại Củ Chi (TP.HCM) đã tìm ra cách làm giàu với những con chim mang biểu tượng của hòa bình.
Trại bồ câu Ngọc Điền nằm giữa mênh mông cánh đồng mà trước đây là đồng lúa năng suất kém. Ở đó có chàng nông dân trẻ làm bạn với chim bồ câu.
Tự tìm lối đi
Tình cờ lên mạng, Nguyễn Ngọc Thức – ông chủ 27 tuổi của trại bồ câu Ngọc Điền – đọc được thông tin nuôi chim bồ câu cũng có thể làm giàu. Lúc đó khoảng giữa năm 2008, Thức đang làm tài xế cho một công ty ở Bình Dương. Tìm kiếm mãi Thức chỉ thấy có một địa chỉ cung cấp bồ câu giống ở Vũng Tàu và anh tìm xuống tận nơi.
Nuôi bồ câu làm kiểng chơi trong nhà thì rành, nhưng cùng lúc chăm sóc gần ngàn con chim trong chuồng với rất nhiều vốn liếng đổ vào đó quả không đơn giản. Những quả trứng đầu tiên ra đời nhưng tỉ lệ nở thành con rất thấp. Mày mò lên mạng, Thức mới biết thường người ta không cho ấp vài lứa trứng đầu tiên do lúc này chim giống mới trưởng thành, chưa đủ sức khỏe để tạo ra con giống tốt.
Và rồi lại có những chú chim đang bay nhảy bình thường bỗng… lăn đùng ra chết. Thức đem những con chim chết ra mổ bụng và thấy có cùng hiện tượng: con nào cũng có khá nhiều sán lãi trong ruột. Vậy là những viên thuốc xổ được hòa vào nước uống cho mỗi chuồng chim. “Hồi đó tui còn chưa nghĩ đến việc tiêm ngừa cho chim, chỉ biết nuôi. Sau này nhờ thú y hướng dẫn, các bệnh có khả năng làm chim chết đều có thuốc ngừa và tui chủ động ngừa trước”, Thức cho biết.
Chim câu sẻ phát triển chậm và sản lượng không cao. Thức bàn với gia đình quyết định thay toàn bộ số bồ câu giống Việt Nam bằng bồ câu lông trắng giống Pháp. Kết quả như mong đợi, giống Pháp có trọng lượng lớn hơn, sản lượng cũng cao hơn và đặc biệt bồ câu ra ràng trọng lượng cao hơn hẳn, có giá cao hơn trong khi việc đầu tư thức ăn và công chăm sóc không thay đổi.
Không giấu nghề
Đến nay trong chuồng của Thức đã có 1.000 đôi chim bố mẹ, cung cấp cho thị trường mỗi tháng khoảng 1.200 bồ câu ra ràng (bồ câu khoảng 20 ngày tuổi). Ba cơ sở vệ tinh được lập tại Bình Dương mà Thức nhận luôn vai trò cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm xuất chuồng. Cộng gộp hết các đầu mối cũng chưa đủ con số 3.000 chú chim câu ra ràng theo nhu cầu của khách mỗi tháng nên anh đang tìm mối lập thêm các cơ sở vệ tinh khác. Mỗi chú chim câu ra ràng có giá chừng 55.000 đồng. Từ 1.000 chim bố mẹ, mỗi tháng sau khi trừ hết chi phí Thức thu về khoảng 50 triệu đồng.
Đặc biệt Thức không giấu nghề bởi như anh nói “có gì đâu mà giấu”. Nên có không ít trường hợp đến tìm hiểu, chủ nhà còn sẵn sàng cho ăn ngủ tại trại để học nghề. Những kinh nghiệm và cả vất vả của ngày đầu lập nghiệp được ông chủ trẻ chia sẻ hết với bất cứ ai có cùng đam mê. “Thật ra khi nắm được quy trình thì việc nuôi bồ câu không có gì khó khăn hết, chỉ mất công một chút khi tới ngày thu dọn vệ sinh chuồng trại thôi”, Thức nói.
Những bỡ ngỡ của ngày đầu lập nghiệp giờ đã để lại sau lưng. Thức đang bước trên đường làm giàu từ chính mảnh đất quê mình mà trước đây vẫn tưởng chỉ có thể canh tác vài vụ lúa mỗi năm. Anh đang lập hồ sơ vay thêm vốn từ quỹ khởi nghiệp của Hội LHTN TP.HCM để mở rộng quy mô sản xuất.
Chế biến thức ăn cho bồ câu
Ngọc Thức hiện vẫn dùng cám chăn nuôi gà trên thị trường kết hợp gạo lứt làm thức ăn chính cho bồ câu. Nhiều năm nuôi và quan sát, anh đã mày mò và hình thành một công thức thức ăn riêng cho bồ câu. Theo tính toán của Thức, khi tự sản xuất được chi phí thức ăn sẽ giảm đáng kể, không lo chuyện chất lượng và càng không lo phụ thuộc nguồn thức ăn chăn nuôi của các công ty với giá nhấp nhổm từng ngày.
Theo: Nhip sống số/TTO