Freelancer (lao động tự do) là thuật ngữ quen thuộc song cũng khá lạ lẫm với không ít sinh viên. Freelancer có thể dễ dàng kiếm được vài trăm đô mỗi tháng nhưng những khó khăn, vất vả họ gặp phải là không hề nhỏ.
Được nhiều tiền và kinh nghiệm
Những người vừa tiếp cận freelance hẳn sẽ rất ngỡ ngàng khi biết được giá trị của chất xám mà các freelancer bỏ ra. Với mỗi công việc, các freelancer có thể nhận được vài chục đến vài trăm, thậm chí hàng nghìn đô từ các khách hàng. Đối tượng khách hàng rất đa dạng, có thể là các lao động bình thường hay sinh viên, nghiên cứu sinh và thậm chí cả những người có học vị cao hơn.
Nguyễn Thành Trung, sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Công nghệ Hà Nội, vốn là một freelancer lâu năm. Trung tự hào cho biết về khoản tiền mình kiếm được từ công việc: “Mỗi một tháng mình kiếm được xấp xỉ 1000 đô. Công việc thường là giải bài tập cho các sinh viên nước ngoài. Tùy vào độ phức tạp của bài tập, mình thường lấy từ 30-50 đô. Thỉnh thoảng mình cũng nhận các project (dự án) vài trăm đô. Vừa có nhiều tiền, vừa được làm quen với áp lực công việc, vừa tạo được tiếng tăm, tội gì không làm.”
* Freelancer là người lao động độc lập, không chịu sự quản lí của bất kì chủ lao động nào. Các lĩnh vực trong Freelance gồm: báo chí, xuất bản, viết văn, trang điểm, biên tập, lập kế hoạch sự kiện, quản lí sự kiện, lập trình máy tính, thiết kế web, thiết kế đồ họa, phát triển website, biên dịch, hướng dẫn viên… (Các trang web freelance là trung gian của khách hàng và freelancer. Tiền của khách hàng gửi cho freelancer sẽ được website khấu trừ để làm phí phát triển web. Ngoài khoản thu của website, freelancer còn phải chịu khoản phí chuyển tài khoản quốc tế. Tuy nhiên, hai mức phí này không đáng kể, chỉ khoảng vài % tiền công của công việc…)
Cần cân nhắc trước khi quyết định trở thành freelancer
Theo Trung, đối tượng mà các freelancer sinh viên nên hướng đến chính là các sinh viên ở các trường quốc tế. Có rất nhiều sinh viên “đầu rỗng túi dầy” hoặc không có thời gian làm bài tập sẽ đăng yêu cầu lên các trang web freelance. Các freelancer chỉ việc accept (chấp nhận), giải bài tập, gửi cho khách hàng và nhận tiền qua tài khoản.
Hải Đăng, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, là một “chuyên gia freelancer” về lập trình máy tính. Không đầu tư nhiều thời gian cho công việc freelance nhưng bạn cũng kiếm về vài trăm đô mỗi tháng. Đối với bạn, đây là một công việc cực kì đơn giản và cũng dễ kiếm tiền: “Code (viết mã lập trình) 6 dòng được 10 bảng, tin nổi không?”
Đăng còn bật mí về những cách “câu tiền” của khách hàng “gà”: “Có những bài tập dễ ợt nhưng mình cứ nói là rất khó, rất phức tạp. Thế là “con gà” cuống quít tăng tiền lên ngay!”
Mất thời gian và công sức
Đối với sinh viên, công việc chính vẫn là học. Tuy nhiên, với khoản thu hấp dẫn không khó gì có được, nhiều sinh viên đã lao vào làm freelancer như một công việc full time.
Quang Phúc, sinh viên Khoa Vật lí kĩ thuật, Đại học Công nghệ Hà Nội không khác gì một “con thiêu thân” của công việc freelance. Mới bước vào nghề được vài tháng mà khoản thu nhập của Phúc đã lên đến hơn một ngàn đô. Làm việc quên ăn, quên ngủ, và đương nhiên cả quên học nữa. Người Phúc gầy rộc đi trông thấy. Bạn bè khuyên bảo thì Phúc gạt đi, cho rằng bạn bè “ghen tị” khi thấy mình có nhiều tiền và hi vọng tới chiếc xe máy xịn và chiếc laptop Vaio mới, thay cho chiếc laptop đã bốn tuổi của mình. Nhưng có lẽ, điều bạn nên hi vọng bây giờ là việc vượt qua kì thi học kì sắp tới!
Hải Yến, nữ lập trình viên tương lai kiêm freelancer đang học tại Đại học FPT,là nạn nhân trong một cú lừa đau đớn. Vì quá cả tin, sau khi làm xong project được giao, bạn đã gửi thẳng cả source (file nguồn) cho khách hàng. Kết quả, 1000 đô mà bạn đặt quyết tâm giành được mấy tuần nay đã bị khách hàng Ấn Độ “bùng”. Hóa ra, bạn với khách hàng thỏa thuận riêng sẽ chuyển khoản Paypal, không thông qua website để tránh mất phí nhưng khách hàng đã “im thin thít và lặn mất tăm”.
Không giấu nổi sự ấm ức, Yến cho biết: “Từ giờ mình phải chọn những khách hàng có nhiều review (nhận xét) tốt và phải nhận tiền qua web freelance. Đáng lẽ mình phải gửi bản demo (bản thử nghiệm) để khách hàng duyệt và gửi tiền trước chứ không gửi thẳng cả source như thế”.
Cần cân nhắc giữa được và mất
Không thể phủ nhận những giá trị mà công việc freelance mang lại, song với sinh viên, công việc này cần một sự sắp xếp hiệu quả sao cho không ảnh hưởng tới học tập và sinh hoạt của mình. Freelance không phải là một công việc ổn định, lúc công việc ngập đầu, lúc lại ngồi chơi xơi nước. Vì thế cần phải có sự cân nhắc kĩ càng giữa việc theo đuổi freelance với việc tập trung học tập để có một công việc ổn định sau khi ra trường.
Theo: (Chuyển động trẻ/Vnnet)